WHO tuyên bố đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu

Thứ sáu, 12/05/2023 09:50
(ĐCSVN) – Như vậy, đậu mùa khỉ là dịch bệnh thứ 2, sau COVID-19, được WHO tuyên bố không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu trong vòng 1 tuần qua. Tuy nhiên, cũng giống như COVID-19, người đứng đầu WHO vẫn tiếp tục khuyến cáo các quốc gia cần cảnh giác với bệnh đậu mùa khỉ bởi căn bệnh này sẽ không biến mất.
Một bác sĩ đang phân tích triệu chứng của một ca mắc bệnh đậu mùa khỉ trên màn hình máy tính tại một phòng khám sức khỏe ở Lisbon, Bồ Đào Nha. (Ảnh: WHO/Khaled Mostafa).

Ngày 11/5, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus dẫn tuyên bố từ Ủy ban khẩn cấp của WHO khẳng định, bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây quan ngại quốc tế (PHEIC), sau gần một năm dịch bệnh này bùng phát ở nhiều nước và buộc WHO phải đặt cảnh báo cao nhất cho dịch bệnh đậu mùa khỉ vào tháng 7/2022.

 “Ủy ban khẩn cấp về bệnh đậu mùa khỉ đã họp và khuyến nghị với tôi rằng đợt bùng phát dịch bệnh này ở nhiều quốc gia không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC) nữa" - ông Tedros nói.

Theo dữ liệu do WHO công bố, trong ba tháng qua, số ca mắc mới bệnh đậu mùa khỉ được báo cáo đã giảm gần 90% so với ba tháng trước đó

"Tôi vui mừng tuyên bố rằng bệnh đậu mùa khỉ không còn là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu” – người đứng đầu WHO nói.

Tháng 7 năm ngoái, dịch bệnh đậu mùa khỉ đã lan rộng nhanh chóng ở nhiều nước trên thế giới, song ông Tedros cho biết, ở thời điểm hiện tại, WHO “cảm thấy rất được khích lệ bởi phản ứng nhanh chóng của các quốc gia. “Giờ đây, chúng tôi nhận thấy những tiến bộ ổn định trong việc kiểm soát các ổ dịch dựa trên những bài học về căn bệnh HIV và hợp tác chặt chẽ với các cộng đồng bị ảnh hưởng nhiều nhất” – Tổng Giám đốc WHO khẳng định.

Từ những lập luận trên, ông Tedros hoan nghênh công việc quan trọng của các nhóm cộng đồng và các cơ quan y tế công cộng trong việc thông báo cho mọi người về những rủi ro của dịch bệnh đậu mùa khỉ, khuyến khích và hỗ trợ mọi người thay đổi hành vi, đồng thời ủng hộ việc tiếp cận xét nghiệm, vaccine và áp dụng các phương pháp điều trị dễ tiếp cận đối với những người mắc bệnh.

Tuy nhiên, ông Tedros cảnh báo rằng, cũng tương tự như với COVID-19, việc tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu không có nghĩa là công việc đã kết thúc. Theo lập luận của người đứng đầu WHO thì virus tiếp tục ảnh hưởng đến các cộng đồng ở tất cả các khu vực, bao gồm cả ở Châu Phi, nơi sự lây nhiễm vẫn chưa được hiểu rõ và đặt ra những thách thức nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng. Thực tế đó cần tới những phản ứng mạnh mẽ, chủ động và bền vững.

 “Trong khi các trường hợp khẩn cấp về bệnh đậu mùa khỉ và COVID-19 đều đã qua, thì mối đe dọa về kịch bản bùng phát trở lại cả hai dịch bệnh vẫn còn hiện hữu… Cả hai loại virus tiếp tục lưu hành và tiếp tục có khả năng cướp đi mạng sống con người”- Tổng Giám đốc WHO khuyến cáo.

Theo WHO, kể từ khi bùng phát hồi năm ngoái, hơn 87.000 trường hợp và 140 trường hợp tử vong do dịch bệnh đậu mùa khỉ đã được báo cáo từ 111 quốc gia.

Vào tháng 7/2022, WHO tuyên bố dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, mức cảnh báo cao nhất mà cơ quan này ban hành với một loại dịch bệnh.

Virus đậu mùa khỉ có thể lây lan qua tiếp xúc với chất dịch cơ thể, vết loét hoặc các vật dụng như quần áo và giường chiếu bị nhiễm virus. Nó cũng có thể lây lan từ người sang người qua giọt bắn. Các triệu chứng thường thấy ở người mắc bệnh đậu mùa khỉ là sốt, ớn lạnh, đau đầu, uể oải, đau cơ và khớp, mệt mỏi, xuất hiện các vết phát ban và những nốt tổn thương da. Các trường hợp nhiễm virus tập trung ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, nhất là những người có nhiều bạn tình./.

T.Lan (Theo Xinhua, UN)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực