WHO: Vaccine mới sẽ giúp chống lại tình trạng kháng thuốc kháng sinh

Thứ tư, 13/07/2022 16:52
(ĐCSVN) – Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 12/7 đã công bố báo cáo đầu tiên về việc phát triển vaccine để ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh gây ra.
Một minh họa y tế mô tả vi khuẩn kháng thuốc Mycobacterium tuberculosis. (Ảnh: UN) 

Báo cáo này của WHO cho thấy sự cần thiết phải đẩy nhanh quá trình thử nghiệm các loại vaccine mới và sử dụng tối đa các loại vaccine hiện có.

Đại dịch âm thầm do tình trạng kháng kháng sinh đang là một vấn đề sức khỏe cộng đồng ngày càng gia tăng. WHO gọi nó là "dịch bệnh thầm lặng". Khoảng 5 triệu ca tử vong mỗi năm liên quan đến nhiễm vi khuẩn kháng thuốc, trong đó có 1,27 triệu ca tử vong do kháng thuốc trực tiếp.

Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến nhiễm trùng do vi khuẩn. Nó xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng phát triển, không còn đáp ứng với thuốc và trở nên khó điều trị.

Trong bối cảnh đó, vaccine chính là công cụ hữu hiệu để ngăn ngừa nhiễm trùng, bao gồm cả những loại kháng sinh. WHO đã xác định được 61 loại vaccine đang trong các giai đoạn phát triển và thử nghiệm lâm sàng khác nhau, nhưng báo cáo lưu ý rằng hầu hết chúng sẽ không có sẵn trong một thời gian.

Tiến sĩ Hanan Balkhy, Trợ lý Tổng giám đốc WHO về kháng thuốc, cho biết: Việc ngăn ngừa nhiễm trùng thông qua tiêm chủng làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc kháng sinh, một trong những yếu tố chính gây ra AMR. Tuy nhiên, chỉ có một loại vaccine chống lại 1 trong 6 loại vi khuẩn kháng thuốc gây ra nhiều ca tử vong nhất, loại vi khuẩn gây ra bệnh phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae).

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tiếp cận công bằng với các loại vaccine có giá cả phải chăng và cứu được nhiều sinh mạng, chẳng hạn như vaccine phế cầu khuẩn, là cần thiết để cứu sống và hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh. WHO kêu gọi tiếp cận phổ cập với các loại vaccine hiện có, đặc biệt là trong các nhóm dân số có nguồn lực thấp.

Hiện đã có vaccine chống lại 4 loại vi khuẩn ưu tiên: Streptococcus pneumoniae (phế cầu), Haemophilus influenzae týp b (viêm phổi do Hib), Mycobacterium tuberculosis (lao) và Salmonella Typhi (sốt thương hàn). Các loại vaccine phòng lao hiện tại không cung cấp đủ khả năng bảo vệ chống lại căn bệnh này - và việc phát triển các loại vaccine lao hiệu quả hơn cần được WHO đẩy mạnh - nhưng 3 loại vaccine còn lại vẫn có hiệu quả và cơ quan này khuyến cáo rằng nhiều người hơn được hưởng lợi "nếu chúng ta muốn giảm sử dụng kháng sinh và tránh tử vong mới”.

Theo Tiến sĩ Kate O'Brien, Giám đốc Bộ phận tiêm chủng, vaccine và sinh phẩm của WHO, việc phát triển vaccine rất tốn kém và đặt ra nhiều thách thức về mặt khoa học. “Tỷ lệ thất bại thường cao, và đối với các vaccine ứng cử viên có kết quả thành công, các yêu cầu chế tạo và quản lý phức tạp sẽ gây thêm sự chậm trễ. Các bài học kinh nghiệm từ việc phát triển vaccine COVID-19 phải được tận dụng và việc tìm kiếm vaccine chống lại các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc phải được đẩy mạnh” – Tiến sĩ Kate O'Brien nêu rõ./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực