|
Nữ y tá tiêm vắc-xin ngừa bệnh đậu mùa mpox cho người dân ở Montpellier, Pháp vào tháng 8/2022 (Ảnh: CFP) |
Thông báo của WHO cho biết, các chuyên gia của WHO đã ghi nhận những tiến bộ toàn cầu trong ứng phó với sự bùng phát của bệnh mpox và số lượng các ca bệnh được báo cáo đã giảm trong vài tháng qua.
Tuy nhiên, một số quốc gia tiếp tục ghi nhận tỷ lệ mắc bệnh kéo dài và có khả năng các trường hợp được phát hiện và xác nhận chưa được báo cáo ở những quốc gia khác. Do đó, ủy ban chuyên gia của WHO và Tổng thư ký WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đều khẳng định rằng mpox vẫn là một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế.
Số liệu thống kê mới nhất của WHO đã chỉ ra rằng, nguy cơ bùng phát mpox toàn cầu hiện nay được đánh giá là vừa phải, trong khi giảm từ trung bình xuống mức thấp ở Khu vực Đông Nam Á. Khu vực Tây Thái Bình Dương được đánh giá ở mức thấp. Hai khu vực là châu Âu và châu Mỹ, nơi báo cáo 95% số ca mpox được chẩn đoán, đã duy trì số lượng trường hợp ổn định trong những tuần gần đây.
Tính tới hết năm 2022, thế giới đã ghi nhận hơn 82.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 110 quốc gia và tỷ lệ tử vong ở mức thấp - 65 trường hợp.
WHO đã chính thức đưa ra mức cảnh báo đợt bùng phát bệnh đậu mùa mpox (trước đây gọi là đậu mùa khỉ - monkeyfox) vào tháng 7/2022 ở mức PHEIC – mức cao nhất.
Nhằm tránh những hiểu lầm và kì thị không đáng có liên quan đến tên gọi của bệnh đậu mùa khỉ, ngày 28/11/2022, WHO đã công bố tên tiếng Anh mới của dịch bệnh này.
Theo đó, tên tiếng Anh cũ của bệnh đậu mùa khỉ là “monkeypox” sẽ được đổi thành “mpox”. WHO cho biết, sau hàng loạt cuộc tham vấn với các chuyên gia toàn cầu, WHO sẽ bắt đầu sử dụng thuật ngữ mới "mpox" như từ đồng nghĩa của "monkeypox". Cả hai tên đều sẽ được sử dụng đồng thời trong một năm, cho đến khi chấm dứt sử dụng hoàn toàn từ "monkeypox".
Tên gọi đậu mùa khỉ (monkeyfox) xuất phát từ việc virus này được phát hiện lần đầu tiên ở những con khỉ trong phòng thí nghiệm tại Đan Mạch vào năm 1958. Căn bệnh này cũng xuất hiện ở một số động vật khác, chủ yếu là các loài gặm nhấm. Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện bệnh đậu mùa khỉ ở người vào năm 1970 tại CHDC Congo và căn bệnh này chỉ lưu hành tại các quốc gia ở Trung và Tây Phi. Tuy nhiên, vào tháng 5/2022, bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan nhanh chóng trên thế giới, trong đó chủ yếu là những người quan hệ đồng tính nam.
Các chuyên gia cho rằng tên gọi bệnh đậu mùa khỉ có thể gây nhận thức sai lầm về nguồn gốc virus cũng như tạo sự kỳ thị không đáng có./.