Thứ sáu, 25/06/2021 19:01 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Ba tổ chức của Liên hợp quốc tại Geneva ngày 25/6 đã cam kết ủng hộ việc tiếp cận công bằng với vaccine ngừa COVID-19 khi dự định tăng cường hỗ trợ các quốc gia thành viên chống lại loại virus Corona mới, cùng nhau thực hiện một loạt hội thảo nhằm tăng cường thông tin về đại dịch.
|
Vaccine ngừa COVID-19. (Ảnh minh họa: WHO) |
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã quyết định thiết lập một nền tảng chung để hỗ trợ kỹ thuật 3 bên ủng hộ các chính phủ thành viên về nhu cầu công nghệ y tế.
Tuyên bố chung của ông Tedros Adhanom Ghebreyesus (WHO), ông Daren Tang (WIPO) và ông Ngozi Okonjo-Iweala (WHO) nêu rõ: “Nhận thức sâu sắc về trách nhiệm chung của chúng tôi với các cộng đồng trên toàn thế giới và về một cuộc khủng hoảng sức khỏe ở mức độ chưa từng có, chúng tôi cam kết khai thác tất cả chuyên môn và nguồn lực của các tổ chức tương ứng của chúng tôi để chấm dứt đại dịch và cải thiện sức khỏe và hạnh phúc của mọi người, ở khắp mọi nơi”.
Người đứng đầu 3 cơ quan của Liên hợp quốc nhấn mạnh cam kết của họ đối với việc tiếp cận phổ cập và bình đẳng đối với vaccine, liệu pháp, chẩn đoán và các công nghệ y tế khác cho đại dịch COVID-19. Và theo 3 tổ chức này, cam kết như vậy là "mệnh lệnh đạo đức cấp bách đòi hỏi phải có hành động thiết thực ngay lập tức". Với suy nghĩ này, hợp tác 3 bên WHO-WIPO-WTO nhằm hỗ trợ tất cả các quốc gia đang tìm cách đánh giá và thực hiện các giải pháp bền vững và tích hợp cho các vấn đề sức khỏe cộng đồng.
Trong đó, 3 cơ quan của Liên hợp quốc quyết định đẩy mạnh và nhắm mục tiêu viện trợ trong bối cảnh đại dịch thông qua hai sáng kiến cụ thể.
Đầu tiên, 3 cơ quan sẽ phối hợp tổ chức các hội thảo nâng cao năng lực thực tế để cải thiện luồng thông tin cập nhật về các diễn biến và ứng phó của đại dịch hiện nay nhằm đạt được khả năng tiếp cận công bằng với các công nghệ y tế. Mục đích của các hội thảo này là nâng cao năng lực của các nhà ra quyết định và các chuyên gia từ các chính phủ thành viên để ứng phó với đại dịch. Hội thảo đầu tiên, dự kiến vào tháng 9 tới, sẽ tập trung vào chuyển giao công nghệ và cấp phép nhằm hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của tài sản trí tuệ, bí quyết và chuyển giao công nghệ trong thực tế.
Ngoài ra, một sáng kiến khác liên quan đến việc triển khai nền tảng chung để hỗ trợ kỹ thuật ba bên cho các quốc gia liên quan đến nhu cầu công nghệ y tế trong chẩn đoán và điều trị COVID-19. Sáng kiến này sẽ cung cấp một cơ chế một cửa, cung cấp đầy đủ chuyên môn về các vấn đề tiếp cận và thương mại do 3 tổ chức và các đối tác khác cung cấp, một cách đồng bộ và có hệ thống.
Nền tảng hỗ trợ kỹ thuật đáng chú ý sẽ giúp các quốc gia đánh giá và ưu tiên các nhu cầu chưa được đáp ứng đối với vaccine COVID-19, thuốc và các công nghệ liên quan. Hỗ trợ kỹ thuật này cũng mang lại cho các quốc gia thành viên cơ hội kiểm tra các lựa chọn có sẵn để tiếp cận vaccine, thuốc và công nghệ, thông qua sự phối hợp giữa các thành viên đang đối mặt với những thách thức tương tự để tạo điều kiện cho các phản ứng tập thể./.
Khánh Linh (Theo UN, AFP)