|
Một nhân viên y tế là người thứ hai ở Angola được tiêm vaccine ngừa COVID-19. (Ảnh: UNICEF) |
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến về tài trợ vaccine ngừa virus Corona cho châu Phi, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Chúng tôi cảm ơn Nam Phi và Ấn Độ đã đề xuất với Tổ chức Thương mại Thế giới để các nước từ bỏ bằng sáng chế về sản phẩm y tế cho đến khi kết thúc đại dịch COVID-19”. Do đó, người đứng đầu WHO của Liên hợp quốc đã khuyến khích "các nước châu Phi khác ủng hộ sáng kiến" của Pretoria và New Delhi.
Trước đó, ngày 2/10, Nam Phi và Ấn Độ đã nộp văn bản đề xuất cấp miễn trừ tạm thời một số nghĩa vụ phát sinh từ Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) để bất kỳ quốc gia nào cũng có thể sản xuất vaccine mà không cần lo lắng về bằng sáng chế. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp bàn về vấn đề này vào ngày 10/3 tới đây.
Tiến sĩ Tedros cho biết: “Sự linh hoạt của Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) được sử dụng trong các tình huống khẩn cấp”. “Nếu không phải bây giờ, thì khi nào?” – ông yêu cầu, đồng thời thúc giục các Bộ trưởng Tài chính đầu tư vào sản xuất vaccine địa phương. Đây "không chỉ đối với đại dịch mà còn đối với các loại vaccine khác mà tất cả các quốc gia cần cho các chương trình tiêm chủng thường quy".
Năm 2003, một thỏa thuận tạm thời, được xác nhận vào cuối năm 2005, có thể đưa ra việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ cho phép các nước đang phát triển bị ảnh hưởng bởi các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng như sốt rét, lao và AIDS có thể nhập khẩu thuốc gốc, nếu họ không thể tự sản xuất.
Trong cuộc họp về "cách tiếp cận toàn châu Phi nhằm giải quyết vấn đề tiếp cận, cung cấp và sử dụng vaccine", Tổng giám đốc WHO nhắc lại rằng một trong những ưu tiên chính của tổ chức này hiện nay là tăng cường tham vọng của Cơ chế COVAX để giúp tất cả các nước chấm dứt đại dịch.
237 triệu liều vaccine sẽ được phân bổ vào cuối tháng 5
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đợt cung cấp vaccine đầu tiên bao gồm "từ 2 – 3% dân số các quốc gia nhận vaccine thông qua COVAX". Đồng thời, các quốc gia khác đang đạt được tiến bộ trong việc tiêm chủng cho toàn bộ dân số của họ trong những tháng tới. Một cách để nhắc nhở mọi người rằng các quốc gia không chạy đua với nhau. Đối với WHO, trên hết là "một cuộc chạy đua chung chống lại virus".
Trong khi đó, Ghana và Côte d'Ivoire trong tuần này đã trở thành những quốc gia đầu tiên bắt đầu tiêm chủng với liều lượng được phân bổ thông qua Cơ chế COVAX. Các chuyến hàng cũng đã đến Angola, Cộng hòa Dân chủ Congo, Gambia, Kenya, Lesotho, Nigeria, Rwanda, Senegal và Sudan.
Đến cuối tháng 5, WHO hy vọng rằng 237 triệu liều vaccine sẽ được phân bổ cho 142 nền kinh tế và quốc gia tham gia COVAX. "Thật đáng khích lệ, nhưng chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm" – Tiến sĩ Tedros đánh giá. "Đồng hồ đang tích tắc" – ông nhấn mạnh và lưu ý rằng còn 37 ngày nữa để đạt được mục tiêu bắt đầu tiêm chủng ở tất cả các quốc gia trong 100 ngày đầu tiên của năm 2021.
Đối với các nước châu Phi, chiến dịch tiêm chủng này diễn ra khi 4 triệu trường hợp mắc COVID-19 đã được báo cáo ở các nước Liên minh châu Phi. "Và chúng tôi đã mất hơn 100.000 anh chị em của mình" – ông Tedros nhấn mạnh và nói thêm rằng "con số thực còn cao hơn".
Số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục gia tăng trên thế giới, trong đó có châu Phi
Trên toàn cầu, số ca nhiễm COVID-19 được báo cáo đã tăng lần đầu tiên sau 7 tuần. Tiến sĩ Tedros giải thích: "Sự gia tăng này là đáng thất vọng, nhưng không có gì đáng ngạc nhiên, vì nó dường như một phần là do việc nới lỏng các biện pháp y tế cộng đồng, sự lưu hành liên tục của các biến thể và thực tế là mọi người đã mất cảnh giác".
Người đứng đầu WHO nói "một nghịch lý đáng ngạc nhiên" về đại dịch. Ông lưu ý: “Một số quốc gia giàu có nhất, với các công nghệ y tế tiên tiến nhất, đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi nhiều quốc gia ở châu Phi đã thành công trong việc ngăn chặn hoặc kiểm soát sự lây truyền rộng rãi trong cộng đồng. Theo WHO, điều này một phần là do kinh nghiệm lâu năm của các nước châu Phi trong việc áp dụng các công cụ y tế cộng đồng cơ bản để ngăn ngừa và ứng phó với các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm. “Nhưng chúng tôi cũng biết rằng dân số tương đối trẻ của lục địa cũng có nghĩa là châu Phi chưa trải qua mức độ bệnh tật và tử vong nghiêm trọng như các khu vực khác có dân số già" – Tiến sĩ Tedros tiếp tục nhấn mạnh.
Lưu ý: “Một người chạy không giành chiến thắng trong các cuộc đua để trở nên nhanh hơn; họ trở nên nhanh để giành chiến thắng”, người đứng đầu WHO thúc giục các nước châu Phi tránh bất kỳ sự chùng bước nào trong cuộc chiến chống lại loại virus Corona mới./.