WMO: Sau thảm họa năm 2022, chúng ta phải hành động vì khí hậu

Thứ ba, 27/12/2022 18:14
(ĐCSVN) – Theo báo cáo mới của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), các thảm họa liên quan đến thời tiết, nước và khí hậu như: lũ lụt, nắng nóng và hạn hán đã ảnh hưởng đến hàng triệu người và gây thiệt hại hàng tỷ USD trong năm nay, khi các tín hiệu và tác động gây ra cho con người ngày càng tăng cường.

Tổ chức Khí tượng Thế giới nhắc lại rằng: Các sự kiện thời tiết của năm 2022 một lần nữa nhấn mạnh nhu cầu rõ ràng là phải làm nhiều hơn nữa để giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện việc giám sát và tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là thông qua tiếp cận toàn cầu với các cảnh báo sớm.

Mặc dù số liệu về nhiệt độ toàn cầu cho năm 2022 dự kiến sẽ được công bố vào giữa tháng 1/2023 song các dữ liệu sơ bộ cho thấy 8 năm qua sẽ là kỷ lục nóng nhất được ghi nhận. Giai đoạn được làm mát kéo dài do La Niña gây ra, hiện đã ở năm thứ ba, đồng nghĩa với việc năm 2022 sẽ không phải là năm nóng nhất được ghi nhận. Nhưng quá trình làm mát này sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và sẽ không đảo ngược được xu hướng nóng lên lâu dài do lượng khí nhà kính giữ nhiệt ở mức kỷ lục trong bầu khí quyển.

WMO cho biết theo Dự báo nhiệt độ toàn cầu hàng năm của Văn phòng Khí tượng Vương quốc Anh (Met Office), nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2023 sẽ nằm trong khoảng từ 1,08°C – 1,32°C (với ước tính trung bình là 1,20°C) trên mức trung bình của thời kỳ công nghiệp (1850 – 1900). Trong năm thứ mười liên tiếp, nhiệt độ sẽ cao hơn ít nhất 1°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và khả năng tạm thời vượt quá giới hạn 1,5°C do Thỏa thuận Paris đặt ra đang gia tăng đều đặn.

 33 triệu người dân Pakistan bị ảnh hưởng bởi trận lũ lụt kinh hoàng. (Ảnh: WFP)

Khẩn trương cải thiện sự chuẩn bị cho các sự kiện cực đoan

Tổng thư ký WMO Petteri Taalas nhận định: “Năm nay, chúng ta đã phải đối mặt với một số thảm họa thời tiết nghiêm trọng cướp đi quá nhiều sinh mạng và sinh kế, đồng thời làm tổn hại đến sức khỏe, lương thực, năng lượng, nước và an ninh cơ sở hạ tầng. 1/3 diện tích Pakistan bị ngập lụt, gây thiệt hại đáng kể về kinh tế và con người. Những đợt nắng nóng kỷ lục đã được nhìn thấy ở Trung Quốc, châu Âu, Bắc và Nam Mỹ. Hạn hán kéo dài ở vùng Sừng châu Phi có nguy cơ trở thành thảm họa nhân đạo”. Ông Petteri Taalas cũng đồng thời nhấn mạnh cần cải thiện sự chuẩn bị sẵn sàng cho những sự kiện thời tiết cực đoan như vậy và để đảm bảo đạt được mục tiêu trong Kế hoạch hành động của Liên hợp quốc “Cảnh báo sớm cho tất cả mọi người” trong vòng 5 năm tới.

Theo WMO, cảnh báo sớm, tăng cường đầu tư vào hệ thống quan sát cơ bản toàn cầu và xây dựng khả năng phục hồi trước các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan sẽ là một trong những ưu tiên của tổ chức này vào năm 2023. Thêm vào đó, WMO cũng sẽ thúc đẩy một phương pháp mới để theo dõi các bể hấp thụ và nguồn carbon dioxide, metan và nitơ oxit bằng cách sử dụng chương trình Theo dõi khí quyển trái đất trên mặt đất và mô hình vệ tinh để hiểu rõ hơn về tác động của các loại khí nhà kính chính trong khí quyển.

Các chỉ số khí hậu lên mức cao kỷ lục

Theo báo cáo sơ bộ của WMO về tình trạng khí hậu toàn cầu năm 2022, khí nhà kính chỉ là một trong những chỉ số khí hậu hiện đang ở mức kỷ lục, bên cạnh mực nước biển, hàm lượng nhiệt đại dương và quá trình axit hóa. Tốc độ dâng của mực nước biển đã tăng gấp đôi kể từ năm 1993 và tăng gần 10mm kể từ tháng 1/2020 để lên mức kỷ lục mới trong năm nay. Chỉ riêng 2,5 năm qua đã góp phần làm tăng 10% mực nước biển toàn cầu kể từ khi các phép đo vệ tinh bắt đầu cách đây gần 30 năm.

WMO cho biết năm 2022 cũng có tác động đặc biệt nặng nề đến các sông băng tại dãy núi Alps ở châu Âu, với những dấu hiệu đầu tiên của sự tan chảy chưa từng thấy. Dải băng Greenland đã giảm khối lượng trong năm thứ 26 liên tiếp và lần đầu tiên trời có mưa (chứ không phải tuyết) trên đỉnh vào tháng 9.

 Bé gái đang đứng trên một tảng băng trôi ở bờ Bắc Băng Dương tại Barrow, Alaska. (Ảnh: WMO)

Bắc Cực đang nóng lên nhanh hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới

Cơ quan quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) lưu ý: Khi nghĩ về Bắc Cực, chúng ta thường không nghĩ đến bão, khói từ cháy rừng và lượng mưa tăng lên.

NOAA cũng cung cấp một bức tranh chi tiết về sự nóng lên đang định hình lại khu vực vốn từng bị đóng băng và có tuyết phủ này. Theo NOAA, Bắc Cực hiện đang cs nhiệt độ đang tăng nhanh hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Mặc dù năm 2022 không phá vỡ bất kỳ kỷ lục nhiệt độ toàn cầu nào, nhưng các mức chưa từng có đã được quan sát thấy ở nhiều nơi trên thế giới.

Tác động từ châu Âu đến Chile

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, Ấn Độ và Pakistan trải qua nhiệt độ cao kỷ lục vào tháng 3 và tháng 4. Trung Quốc đã trải qua đợt nắng nóng lan rộng nhất và kéo dài nhất kể từ khi bắt đầu thu thập dữ liệu quốc gia và là mùa hè khô hạn thứ hai được ghi nhận. Phần lớn Bắc bán cầu đã trải qua đợt nắng nóng và khô bất thường như châu Âu, nơi phải hứng chịu những đợt nắng nóng khắc nghiệt lặp đi lặp lại. Do đó, Vương quốc Anh đã ghi một kỷ lục quốc gia mới vào ngày 19/7, khi nhiệt độ lần đầu tiên vượt quá 40°C. Những hiện tượng này đi kèm với hạn hán và cháy rừng dai dẳng và gây thiệt hại.

Ở Đông Phi, lượng mưa dưới mức trung bình trong 4 mùa mưa liên tiếp, đợt mưa dài nhất trong 40 năm qua, gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn đã ảnh hưởng đến hàng triệu người, tàn phá nông nghiệp và gia súc, đặc biệt là ở Ethiopia, Kenya và Somalia.

Những trận mưa kỷ lục trong tháng 7 và tháng 8 đã gây lũ lụt lớn ở Pakistan. Ít nhất 1.700 người thiệt mạng, 33 triệu người bị ảnh hưởng và 7,9 triệu người phải di dời. Những trận lụt này xảy ra sau một đợt nắng nóng khắc nghiệt vào tháng 3 và tháng 4 ở Ấn Độ và Pakistan.

Một khu vực rộng lớn tập trung quanh Bắc Trung Argentina, cũng như Nam Bolivia, Trung tâm Chile và hầu hết Paraguay và Uruguay, đã trải qua nhiệt độ cao kỷ lục trong hai đợt nắng nóng liên tiếp vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2022.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học từ Mạng lưới Phân bổ Thời tiết Thế giới đã kết luận rằng biến đổi khí hậu làm tăng khả năng có mức nhiệt cao kỷ lục vào đầu mùa hè lên đến 60 lần ở phía Nam bán cầu./.

Khánh Linh (Theo UN, WMO, Xinhua)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực