WMO: Tăng cường phát triển năng lượng sạch để hạn chế biến đổi khí hậu

Thứ tư, 12/10/2022 17:19
(ĐCSVN) – Theo báo cáo mới vừa được Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố ngày 11/10, thiếu đầu tư vào năng lượng tái tạo và thu thập dữ liệu không chỉ có thể gây nguy hiểm cho cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu mà còn làm giảm các nguồn năng lượng sạch trong tương lai của chúng ta.
 Cần tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo. (Ảnh: ADB)

Báo cáo được thực hiện bởi 26 tổ chức thuộc WMO đưa ra những kết luận đáng báo động về tương lai của khí hậu. Tài liệu của WMO cảnh báo chúng ta phải đầu tư gấp 3 lần và tăng gấp đôi việc cung cấp điện từ các nguồn năng lượng sạch trong vòng 8 năm tới nếu muốn hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Nếu không có hành động, biến đổi khí hậu, sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan và căng thẳng về nước sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng và thậm chí gây nguy hiểm cho nguồn dự trữ năng lượng tái tạo.

Nhắc lại rằng lĩnh vực năng lượng chịu trách nhiệm đối với khoảng 3/4 lượng phát thải khí nhà kính của hành tinh, Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết điều kiện cho một thế kỷ 21 thịnh vượng là rất rõ ràng: đòi hỏi phải chuyển đổi sang các hình thức sản xuất năng lượng sạch và đạt được trung tính carbon vào năm 2050. “Tình hình đang trở nên tồi tệ hơn từng ngày và khí hậu đang thay đổi trước mắt chúng ta. Chúng ta phải xem xét lại toàn bộ hệ thống năng lượng của hành tinh” – ông Petteri Taalas nhấn mạnh.

Tiềm năng khổng lồ nhưng chưa được khai thác của châu Phi

Theo WMO, ưu tiên này, đặc biệt đối với năng lượng mặt trời, cần cho mục tiêu 2050, tạo cơ hội cho châu Phi bằng cách tận dụng tiềm năng chưa được khai thác, có thể trở thành một trong những nhân tố chính trong thị trường này. Châu Phi nhận được 60% nguồn tài nguyên tốt nhất trên hành tinh về ánh nắng mặt trời nhưng chỉ có 1% công suất quang điện của thế giới.

WMO lưu ý trong năm 2019 và 2020, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, và chủ yếu là Trung Quốc và Nhật Bản, đã nhận được phần lớn các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo, tiếp theo là Tây Âu và Bắc Mỹ, trong khi các nước đang phát triển đặc biệt ít được khoản tài trợ này.

Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, trong khi hành động mạnh mẽ về khí hậu có thể chuyển thành lợi ích kinh tế 26.000 tỷ USD vào năm 2030 thì đầu tư vào năng lượng tái tạo vẫn còn quá hạn chế.

Biến đổi khí hậu đe dọa nguồn năng lượng tái tạo

Tuy nhiên, trên tất cả, báo cáo nhấn mạnh mối đe dọa mà biến đổi khí hậu gây ra đối với an ninh năng lượng của hành tinh, nêu chi tiết tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu đối với việc cung cấp nhiên liệu, sản xuất năng lượng và khả năng phục hồi vật lý của cơ sở hạ tầng năng lượng.

Do đó, vào năm 2020, 87% điện năng trên thế giới được sản xuất bởi các hệ thống nhiệt điện, hạt nhân hoặc thủy điện phụ thuộc trực tiếp vào nguồn nước sẵn có. Tuy nhiên, 33% các nhà máy nhiệt điện phụ thuộc vào nguồn nước ngọt sẵn có để làm mát nằm ở các khu vực chịu áp lực về nước cao.

Điều này cũng đúng đối với 15% các nhà máy điện hạt nhân hiện có, một tỷ lệ dự kiến sẽ tăng lên 25% trong 20 năm tới. Ngoài ra, 11% công suất thủy điện cũng nằm trong các khu vực chịu áp lực nước cao. Cuối cùng, vị trí của khoảng 26% đập thủy lực hiện có và 23% đập quy hoạch nằm trong các lưu vực có nguy cơ thiếu nước được coi là trung bình đến rất cao.

Ngoài thực tế là các nhà máy điện hạt nhân phụ thuộc vào nguồn nước để làm mát, các nhà máy này thường nằm ở các vùng đất thấp ven biển và do đó, chịu ảnh hưởng của mực nước biển dâng và lũ lụt do thời tiết.

Đầu tư không đủ vào các nước đang phát triển

Tổ chức Khí tượng Thế giới chỉ rõ mặc dù nhiều nguy cơ có thể xảy ra song chỉ 40% kế hoạch hành động khí hậu do các chính phủ đệ trình lên Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) tập trung vào thích ứng trong lĩnh vực năng lượng. Các cam kết của các quốc gia còn lâu mới đủ để đáp ứng các mục tiêu do Thỏa thuận Khí hậu Paris đặt ra và chỉ chiếm 30% nỗ lực cần thiết để đảm bảo mức giảm phát thải mong muốn vào năm 2030. Các cam kết về năng lượng tái tạo chỉ chiếm chưa đến một nửa nỗ lực cần thiết.

Theo báo cáo, mục tiêu dài hạn về nhiệt độ toàn cầu do Thỏa thuận Khí hậu Paris đặt ra yêu cầu lắp đặt công suất năng lượng sạch 7,1 Terawatt vào năm 2030. Thế giới, do vậy, chưa gần đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững 7 (SDG 7). Báo cáo của WMO kêu gọi tăng cường tiếp cận các dịch vụ năng lượng đáng tin cậy, bền vững, hiện đại và giá cả phải chăng vào năm 2030.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), các chính sách và quy định cần thiết để khử carbon trong lĩnh vực năng lượng vẫn còn đặc biệt yếu ở châu Phi, Nam Mỹ và châu Á.

Hơn nữa, các hành động khí hậu do các nước ký kết Thỏa thuận Khí hậu Paris lên kế hoạch cho thấy rằng họ có rất ít nhận thức về sự cần thiết phải cung cấp các dịch vụ để hỗ trợ năng lượng tái tạo.

WMO cũng xác nhận rằng các dòng tài chính quốc tế nhằm thúc đẩy năng lượng sạch ở các nước đang phát triển tiếp tục giảm, giảm trong năm 2019 xuống 10,9 tỷ USD, giảm 23% so với năm 2018 và hơn một nửa so với mức cao nhất 24,7 tỷ viện trợ khí hậu được cấp vào năm 2017. Châu Phi, mặc dù có tiềm năng to lớn nhưng chỉ nhận được 2% các khoản đầu tư như vậy trong 20 năm qua. Do đó cần tăng gấp đôi đầu tư vào năng lượng để đạt được các mục tiêu về khí hậu.

Cuối cùng, báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới mô tả mức độ mà các hệ thống năng lượng tái tạo phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và khí hậu, yêu cầu cải thiện thông tin và dịch vụ khí hậu, để đưa ra quyết định tốt nhất về vị trí lắp đặt, cách vận hành, bảo trì và quản lý cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo./.

Khánh Linh (Theo UN, WMO)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực