Xóa bỏ định kiến, nâng cao nhận thức về đóng góp của người di cư

Thứ sáu, 18/12/2015 21:14
(ĐCSVN) – Được Đại hội đồng Liên hợp quốc công bố kể từ năm 2000, Ngày quốc tế người di cư (18/12) là dịp để xóa bỏ định kiến và nâng cao nhận thức về những đóng góp của người di cư trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội, mang lại cho các quốc gia xuất xứ cũng như các nước là điểm đến.

Trẻ em - một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi các cuộc xung đột
 và buộc phải di cư cùng với gia đình (Ảnh: UN)

Từ thời xa xưa, di cư là hành động của các cá nhân can đảm tỏ rõ ý chí của mình muốn thoát khỏi nghịch cảnh và tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Cho đến ngày nay, dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa cùng những tiến bộ của truyền thông và vận tải, số lượng người mong muốn di chuyển tới các khu vực khác và có các phương tiện để thực hiện điều đó đã tăng lên đáng kể.

Hiện nay, di cư ngày càng thu hút sự quan tâm và chú ý của cộng đồng quốc tế. Những vấn đề liên quan tới di cư khó có thể tiên đoán, tính cấp thiết và phức tạp cùng những thách thức và khó khăn của làn sóng di cư quốc tế đang đòi hỏi thế giới phải tăng cường hợp tác và phối hợp hành động.

Thực tế cho thấy rất nhiều người di cư để được sống và làm việc một cách an toàn và được tôn trọng. Tuy nhiên, cũng có nhiều người phải di cư vì đã sống trong cảnh đói nghèo, thiếu việc làm bền vững, bị vi phạm nhân quyền, xung đột vũ trang, khủng bố và suy thoái môi trường. Trong trường hợp không có cơ hội để di cư theo cách thông thường, họ sẽ tiến hành hoạt động này theo các kênh bất hợp pháp. Trong những nơi ở mới, nhiều người di cư phải đối mặt với tình trạng bị lạm dụng, phân biệt đối xử, trong khi đóng góp của họ cho xã hội sở tại luôn bị “làm ngơ”.

Xuất phát từ thực tế đó, ngày 4/12/2000, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định chọn ngày 18/12 hàng năm để kỷ niệm Ngày quốc tế người di cư, đánh dấu ngày thông qua Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của tất cả lao động di cư và thành viên gia đình của họ. Ngày quốc tế người di cư là cơ hội để giảm kỳ thị, xóa bỏ định kiến và nâng cao nhận thức về những đóng góp của người di cư trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội cho nước xuất xứ và nước di cư đến.

Để kỷ niệm Ngày quốc tế người di cư, Tổ chức Di cư Quốc tế (IMO) kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng tập hợp và nhớ về những người tị nạn và người di cư đã thiệt mạng hay mất tích khi nỗ lực cập bến bờ hy vọng sau nhiều hành trình dài đầy gian khổ dọc theo các sa mạc hay trên khắp các vùng biển. Mỗi người trong số họ có một cái tên, một lịch sử và đã rời quê hương với hy vọng tìm kiếm các cơ hội tốt hơn và sự an toàn cho bản thân và trong nhiều trường hợp cho gia đình của họ. Đó là những khát vọng mà mỗi chúng ta đều phấn đấu để đạt được.

Di cư và phát triển

Kỷ nguyên mới này mang lại nhiều thách thức và cơ hội cho các xã hội trên toàn thế giới. Nó cũng làm nổi bật mối tương quan rõ ràng giữa di cư và phát triển, cũng như những khả năng mà di cư mang lại cho hợp tác phát triển như cơ hội cải thiện trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội tại các khu vực con người ra đi cho tới những điểm đến.

Không thể phủ nhận những đóng góp của người di cư đối với quá trình phát triển của thế giới, ở cả hai bình diện, đối với nước xuất xứ và nước di cư đến. Tài sản của những người di cư không chỉ đơn giản được đo bằng tiền. Các kỹ năng và bí quyết mà họ tích lũy được cũng đóng vai trò quyết định trong việc chuyển giao công nghệ và kiến ​​thức.

Ngoài ra, người di cư cũng truyền bá những cách suy nghĩ mới cả về mặt xã hội và chính trị. Chúng ta có thể thấy các minh chứng thực tế rõ rệt như lĩnh vực phần mềm ở Ấn Độ đã phát triển mạnh mẽ chủ yếu nhờ vào sự hợp tác chặt chẽ được thiết lập giữa những người bản địa, người di cư trở về Ấn Độ và lãnh đạo doanh nghiệp Ấn Độ trong và ngoài nước. Những người Albania làm việc tại Hy Lạp quay trở lại đất nước với kỹ năng canh tác mới để cải thiện sản xuất…

Thông qua việc thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm và đóng góp vào việc thành lập các quan hệ đối tác, cộng đồng quốc tế rất có thể tăng cường đáng kể và mở rộng các ảnh hưởng tích cực của di cư đến phát triển.

Đặc biệt, nhờ cuộc cách mạng trong thông tin liên lạc và giao thông vận tải, hiện nay, những người di cư quốc tế có thể xây dựng được liên kết năng động giữa các nền văn hóa, kinh tế và xã hội.

Bảo vệ những người di cư

Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu càng làm trầm trọng thêm các tổn thương mà những người di cư vốn đã phải gánh chịu. Những người di cư, ở cả hai giới, đều có nguy cơ bị khai thác và lạm dụng nhiều hơn, cũng như trở thành nạn nhân của những kẻ buôn lậu và buôn người, và đôi khi còn bị mất đi sự sống. Nhiều người khác thì mắc kẹt trong bức tường của sự kỳ thị, phân biệt chủng tộc, bài ngoại do gia tăng những căng thẳng về văn hóa và tôn giáo trong nhiều xã hội.

Những nữ lao động nhập cư cũng đặc biệt dễ bị tổn thương. Họ phải gánh chịu bạo lực và trải qua nhiều hành vi vi phạm nhân quyền ở mọi giai đoạn của chu kỳ di cư. Hành động bạo lực này thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như bạo lực thể chất, tình dục, tâm lý và tình cảm, hoặc bạo lực và khai thác kinh tế. Trong đó, những người nữ lao động nhập cư không có giấy tờ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước các hành vi bạo lực, khai thác và phân biệt đối xử.

Chính vì vậy, tăng cường bảo vệ những người di cư là việc làm cấp bách và quan trọng, không chỉ giúp bảo đảm các quyền lợi cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội mà còn giúp hài hòa và tối đa hóa những lợi ích mà người di cư có thể đem lại cho cả nước xuất xứ và nước nhập cư cũng như hạn chế các hành động bất hợp pháp bắt nguồn từ làn sóng di cư quốc tế.

Trong thông điệp đưa ra nhân Ngày quốc tế người di cư năm nay (18/12/2015), Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết: Năm 2015 sẽ được nhớ đến như là một năm đầy đau khổ của con người và những bi kịch của người di cư. Trong 12 tháng qua, có hơn 5.000 phụ nữ, nam giới và trẻ em đã thiệt mạng khi tìm kiếm sự an toàn và một cuộc sống tốt đẹp hơn. Hàng chục nghìn người khác đã bị khai thác và lạm dụng bởi những kẻ buôn người. Và hàng triệu người đã trở thành vật tế thần và mục tiêu của chính sách bài ngoại và những lời nói gây hoang mang lo sợ.

Tuy nhiên, theo ông Ban Ki-moon, năm 2015 cũng là thời điểm cộng đồng quốc tế đã kêu gọi sự chú ý đến những đóng góp thiết yếu của người di cư tới phát triển bền vững. Thông qua chương trình phát triển bền vững cho năm 2030, các nhà lãnh đạo thế giới cam kết sẽ bảo vệ quyền lao động của công nhân nhập cư, chống lại các mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia buôn bán người bất hợp pháp và tăng cường điều tiết các dòng di cư. Bằng cách tấn công vào những nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề này, chương trình năm 2030 cũng tìm cách để giải quyết những thách thức nảy sinh trong phát triển, quản trị và nhân quyền và những nguyên nhân khiến cho người dân phải chạy trốn khỏi đất nước của họ.

Nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế phải thúc đẩy những nỗ lực và thông qua một hiệp ước mới về di cư, trong đó tăng cường hợp tác giữa các quốc gia xuất xứ, quá cảnh và điểm đến, chia sẻ tốt hơn trách nhiệm và tôn trọng đầy đủ quyền con người của người nhập cư, bất kể tình trạng của họ. Chúng ta cũng phải mở rộng các khuôn khổ quản lý di cư hợp pháp, kể cả cho mục đích đoàn tụ gia đình, thúc đẩy sự di chuyển của lực lượng lao động ở tất cả các cấp độ kỹ năng, và tăng cơ hội tái định cư và giáo dục cho trẻ em và người trưởng thành.

Nhân Ngày quốc tế người di cư, cộng đồng quốc tế hãy cùng cam kết đề xuất những giải pháp đồng bộ, toàn diện và tập trung vào các quyền con người, tuân thủ các điều luật và tiêu chuẩn quốc tế, nỗ lực thực hiện mong muốn chung đem lại hòa bình, an ninh và hạnh phúc cho tất cả mọi người./.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực