Hơn 4,3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột ở Sudan
|
Xung đột ở Sudan đã khiến nhiều người phải rời bỏ nhà cửa. (Ảnh: UN) |
Trong cuộc họp báo ngày 15/8, người phát ngôn của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) – ông William Spindler cho biết, xung đột bùng phát ở Sudan từ tháng 4/2023 tới nay đã khiến hơn 4,3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Dữ liệu mới nhất của Liên hợp quốc cũng chỉ ra rằng hơn 900.000 người phải tị nạn sang các nước láng giềng. Xung đột cũng đã khiến hơn 4.000 người Sudan thiệt mạng, trong đó có hàng trăm dân thường.
Người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – bà Margaret Harris cũng tỏ rõ quan ngại khi cuộc xung đột tại Sudan đang tàn phá cuộc sống, sức khỏe và hạnh phúc của người dân nơi đây. Nhân dịp này, bà Harris đã gióng lên hồi chuông cảnh báo những bất cập trong việc kiểm soát các đợt bùng phát bệnh sởi, sốt rét và sốt xuất huyết đang diễn ra ở Sudan. Tình hình thậm chí còn nguy hiểm hơn đối với trẻ em, với khoảng 1/3 trẻ em dưới 5 tuổi ở Sudan hiện đang bị suy dinh dưỡng mãn tính. “Bệnh sởi và suy dinh dưỡng chẳng khác nào bản án tử hình đối với trẻ em dưới 5 tuổi” – đại diện WHO nói.
Theo số liệu do bà Harris công bố, hiện khoảng 67% bệnh viện tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột đã phải ngừng hoạt động. Trong 4 tháng qua, WHO đã xác nhận 53 cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe ở Sudan, khiến 11 người thiệt mạng, 38 người bị thương. Xung đột cũng gây ra sự gián đoạn và khiến hàng chục nghìn người không tiếp cận được với các dịch vụ chăm sóc y tế.
Đầu tuần này, Bộ Y tế Sudan cũng xác nhận khoảng 200 bệnh viện trên khắp cả nước đã phải ngừng hoạt động do xung đột và làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh quy mô lớn.
Cảnh báo về bất ổn an ninh, khủng hoảng nhân đạo ở Sudan
|
Một gia đình người Sudan trú ẩn tại điểm tiếp nhận người tị nạn gần khu vực biên giới. (Ảnh: WFP) |
Người phát ngôn của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) – bà Elizabeth Throssell lưu ý rằng, mặc dù rất khó để xác định con số thương vong chính xác vào lúc này, nhưng các số liệu dự kiến cho thấy hơn 4.000 người đã thiệt mạng bởi xung đột ở Sudan, trong đó có hàng trăm dân thường. Bà Throssell kêu gọi tất cả các bên xung đột ngay lập tức ngừng giao tranh, nối lại các cuộc đàm phán chính trị, tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý theo luật nhân đạo quốc tế, bảo vệ thường dân khỏi các hoạt động quân sự và cho phép tiếp cận nhân đạo khẩn cấp mà không bị cản trở.
Bên cạnh đó, OHCHR cũng cảnh báo mối đe dọa bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái. Tổ chức này đã nhận được các báo cáo đáng tin cậy về khoảng 32 vụ bạo lực tình dục đối với 73 nạn nhân tính đến ngày 2/8, trong đó ít nhất 28 vụ cưỡng hiếp.
Giám đốc khu vực các quốc gia Ả Rập tại Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) – bà Laila Baker cũng bày tỏ lo ngại khi xung đột tiếp diễn ở Sudan đang khiến tình hình ở các khu vực chiến tuyến đang ngày trở nên khó khăn, khiến việc tiếp cận hàng triệu người cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Quan chức của Liên hợp quốc cho biết, hiện có tới 2,6 triệu phụ nữ và trẻ em ở quốc gia châu Phi này cần hỗ trợ nhân đạo. Trong số này có khoảng 260.000 phụ nữ mang thai, với gần 100.000 người dự kiến sinh con trong 3 tháng tới. “Không có dịch vụ y tế thiết yếu, mạng sống của họ và con cái của họ cùng thế hệ tương lai sẽ phải đối mặt với rủi ro nghiêm trọng” – bà Baker trăn trở.
Trong khi đó, Phó đại diện tại Sudan của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) - ông Adam Yao cùng kêu gọi sự quan tâm và phối hợp hành động để giải quyết tình hình an ninh lương thực ở Sudan, khi có khoảng 20,3 triệu người - chiếm hơn 42% dân số quốc gia châu Phi này - phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực.
Cùng chung lời kêu gọi hành động, người phát ngôn của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc – ông Jens Laerke cảnh báo chiến tranh đang “hủy hoại cuộc sống và nơi sinh sống cũng như các quyền cơ bản của người dân Sudan”.
Từ những lập luận nêu trên, ông kêu gọi tất cả các bên xung đột chấm dứt giao tranh, bảo vệ thường dân và cho phép tiếp cận nhân đạo tự do tới tất cả các khu vực của Sudan. “Việc tấn công dân thường, cướp bóc nguồn cung cấp nhân đạo và nhắm mục tiêu vào các nhân viên cứu trợ và bệnh viện trong suốt bốn tháng qua có thể dẫn đến tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người” – ông Laerke nhấn mạnh./.