Các bên xung đột Sudan nhất trí gia hạn lệnh ngừng bắn thêm 3 ngày

Thứ sáu, 28/04/2023 09:22
(ĐCSVN) – Các Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự ở Sudan ngày 27/4 (giờ địa phương) cho biết đã nhất trí gia hạn thỏa thuận ngừng bắn đang diễn ra thêm 72 giờ nữa, bắt đầu từ nửa đêm 28/4. Quân đội Sudan trước đó đã đồng ý gia hạn thỏa thuận ngừng bắn này.

Sudan: Lệnh ngừng bắn phát huy hiệu lực, tình hình nhân đạo vẫn khó khăn

Tổng thư ký Liên hợp quốc cảnh báo về cuộc xung đột quân sự ở Sudan

Các nước nỗ lực sơ tán công dân ra khỏi Sudan

 Các bên tham chiến ở Sudan nhất trí gia hạn thêm lệnh ngừng bắn, tuy nhiên hai bên vẫn cáo buộc nhau về các cuộc tấn công (Ảnh: Sudan Tribune)

Trong các tuyên bố riêng được đưa ra, Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) hay còn gọi là quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đã thông báo gia hạn thỏa thuận ngừng bắn trong 72 giờ, có hiệu lực kể từ khi kết thúc thỏa thuận ngừng bắn hiện tại vào nửa đêm 28/4.

Tuy nhiên, hai bên vẫn cáo buộc nhau về các cuộc tấn công được thực hiện vào các vị trí ở các khu vực khác nhau.

Ngày 27/4, tại thủ đô Khartoum của Sudan đã xảy ra các cuộc không kích, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được trước đó giữa quân đội Sudan và RSF. Trong khi đó, giao tranh bùng phát tại vùng Darfur trong bối cảnh xung đột giữa hai bên bước sang ngày thứ 13.

Kể từ khi giao tranh bùng phát tại Khartoum ngày 15/4 giữa quân đội Sudan do Tướng Abdel Fattah al-Burhan đứng đầu và RSF do cấp phó của Tướng al-Burhan là Mohamed Hamdan Daglo chỉ huy, đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy ngừng bắn, song đều không đạt kết quả. Các nhân chứng cho biết giao tranh vẫn tiếp diễn bất chấp lệnh ngừng bắn kéo dài 3 ngày có hiệu lực hôm 25/4.

Theo Bộ Y tế Sudan, ít nhất 512 người đã thiệt mạng và 4.193 người bị thương do giao tranh. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn, ít nhất 8 dân thường đã thiệt mạng tại Khartoum riêng trong ngày 26/4. Hơn 2/3 bệnh viện của nước này đã không thể hoạt động, trong đó 14 bệnh viện trúng đạn pháo do giao tranh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng có khoảng 25% số người thiệt mạng trong các cuộc giao tranh tại Sudan lẽ ra có thể đã sống sót nếu được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản. WHO lo ngại các con số sẽ còn tăng lên do dịch bệnh bùng phát và thiếu nhu yếu phẩm cùng các trang thiết bị y tế cứu chữa cần thiết trong bối cảnh giao tranh tiếp diễn hiện nay. 

Ngày 26/4, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) ước tính có khoảng 50.000 trẻ suy dinh dưỡng cấp tính không có đủ thức ăn do chiến sự. Ngoài ra, giao tranh ác liệt khiến nhiều dân thường mắc kẹt trong nhà và phải chịu cảnh thiếu trầm trọng thực phẩm, nước uống và điện.

Liên hợp quốc cho biết đã có 270.000 người rời Sudan tới các nước láng giềng CH Chad và Nam Sudan, hàng nghìn người cũng đã sơ tán đến Ethiopia./.

KG (theo Sudan Tribune, AA, Al Jazeera)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực