Giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua

Thứ tư, 06/10/2021 10:41
(ĐCSVN) – Giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 năm qua sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) đã nhất trí duy trì mức tăng sản lượng dầu thô như thỏa thuận đạt được trước đó đến tháng 11 tới, bất chấp lời kêu gọi tăng sản lượng từ phía Nhà Trắng nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
 Giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua, sau cuộc họp chính sách của OPEC+. (Ảnh: Reuters)

Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/10, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,31 USD (1,7%) lên 78,93 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,6 USD (1,6%) lên 82,56 USD/thùng, mức cao nhất trong 3 năm qua.

Hiện, châu Âu và châu Á đang bị ảnh hưởng bởi sự thắt chặt nguồn cung đã đẩy giá khí đốt tự nhiên và giá than lên mức cao nhất trong lịch sử, trong khi giá dầu tăng ổn định trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi sau đại dịch.

Ngày 4/10, OPEC+,  bao gồm cả Nga, đã nhất trí tiếp tục duy trì mức tăng sản lượng dầu thô 400.000 thùng/ngày như đã thống nhất trước đó sau cuộc họp trực tuyến của các Bộ trưởng Năng lượng.

Tuy nhiên, quyết định của OPEC+ có thể làm gia tăng căng thẳng giữa các nước tiêu thụ năng lượng lớn như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, các quốc gia vốn lo ngại lạm phát chi phí năng lượng có thể sẽ làm ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế của họ, các quốc gia vốn chiếm hơn 50% nguồn cung dầu toàn cầu.

Bà Jen Psaki, Thư ký báo chí Nhà Trắng cho biết, Mỹ đã liên hệ với các nhà sản xuất OPEC về “một giải pháp thỏa hiệp” liên quan đến việc bơm thêm nguồn cung ra thị trường. Bà xác nhận, ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, đã nâng giá dầu với các quan chức Ả rập Xê út trong chuyến thăm tới Vương quốc này vào tuần trước.

“Chúng tôi sẽ sử dụng mọi biện pháp theo ý của mình ngay cả khi chúng tôi không phải là thành viên của OPEC, để đảm bảo chúng tôi có thể giữ giá khí đốt ở mức thấp nhất cho công chúng Mỹ”, bà nhấn mạnh. 

Nhà phân tích cấp cao Phil Flynn tại Price Futures Group có trụ sở ở Chicago (Mỹ) cho biết, thị trường nhận thấy nguồn cung có thể thắt chặt trong vài tháng tới. Cuối tháng trước, Ủy ban Kỹ thuật Hỗn hợp của OPEC+ (JTC) dự báo, tình trạng nguồn cung thiếu 1,1 triệu thùng/ngày trong năm nay có thể chuyển thành dư 1,4 triệu thùng/ngày trong năm 2022. Bất chấp sức ép tăng sản lượng, OPEC+ lo ngại làn sóng lây nhiễm COVID-19 trên toàn cầu lần thứ 4 có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi nhu cầu.

Ông Gary Cunningham, Giám đốc nghiên cứu thị trường tại Tradition Energy cho biết, giá khí đốt tự nhiên toàn cầu đang tăng vọt có thể khuyến khích một số nhà máy phát điện chuyển từ khí đốt sang dầu, đồng nghĩa giá dầu thô có khả năng vẫn được hỗ trợ mặc dù có thể có một đợt giảm giá ngắn hạn.

Tại cuộc họp hồi đầu tháng 9, OPEC+ đã thống nhất chủ trương sẽ tăng dần sản lượng khai thác dầu thô theo chính sách đang được áp dụng.

Trước đó, tại cuộc họp chính sách ngày 18/7, OPEC+ cho biết, 23 thành viên của nhóm đã nhất trí từ tháng 8 đến tháng 12 sẽ cung cấp cho thị trường thêm 2 triệu thùng/ngày, tức mỗi tháng sẽ tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày. Cùng với đó, thay vì kết thúc thỏa thuận cắt giảm chung vào tháng 4/2022 như dự kiến ban đầu, OPEC+ sẽ điều chỉnh kế hoạch cho tới tháng 12/2022 nhằm đề phòng nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại./.

H.Hà (Theo Reuters, Financial Times)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực