Liên hợp quốc báo động về khủng hoảng nhân đạo ở Gaza

Thứ sáu, 08/12/2023 10:23
(ĐCSVN) – Ngày 7/12, người đứng đầu Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc Martin Griffiths đã bày tỏ quan ngại về tình hình nhân đạo ở Gaza và cho biết, chương trình nhân đạo hiện tại ở khu vực này không còn hoạt động hiệu quả.

Tổng thư ký Liên hợp quốc hối thúc hành động để ngăn chặn thảm họa ở Gaza

Khói bốc lên từ Gaza sau các cuộc giao tranh giữa Israel và phong trào Hamas, ngày 7/12/2023. (Ảnh: Reuters) 

Trong cuộc họp báo diễn ra cùng ngày, ông Griffiths lưu tâm rằng các cuộc tấn công quân sự không ngừng nghỉ đã xóa sạch các vùng an toàn từng được thiết lập, khiến kế hoạch nhân đạo hiện tại trở nên vô hiệu.

Ông cho biết, những biện pháp ban đầu nhằm bảo vệ dân thường và tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp viện trợ đã sụp đổ. Do đó, những gì còn lại chỉ là một phản ứng rời rạc, mang tính cơ hội, thiếu độ tin cậy và tính bền vững.

Nhân dịp này, ông Griffiths – người đồng thời giữ chức Phó Tổng Thư ký phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp của Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh những khó khăn trong việc lập kế hoạch và phân bổ hàng viện trợ nhân đạo. Quan chức của Liên hợp quốc cho biết an toàn không được bảo đảm có thể khiến hoạt động của các đoàn xe chở hàng viện trợ có nguy cơ bị gián đoạn, bị tấn công và chuyển hướng.

“Áp lực lên hai triệu người dân Gaza ngày càng gia tăng khi họ bị buộc phải di chuyển xa hơn về phía Nam, không có vùng an toàn phía trước và một tương lai bất định” – ông Griffiths trăn trở.

Ông Griffiths nhấn mạnh rằng, vào ngày 6/12, trong một động thái chưa từng có, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã viện dẫn Điều 99 của Hiến chương Liên hợp quốc, nhấn mạnh mối đe dọa sắp xảy ra đối với hòa bình và an ninh quốc tế do cuộc xung đột ở Gaza.

Bên cạnh đó, quan chức cấp cao của Liên hợp quốc đề cập đến việc nối lại hoạt động của cửa khẩu Kerem Shalom là một dấu hiệu đầy hứa hẹn. Các cuộc thảo luận liên quan đã được tiến hành trong phạm vi Ủy ban COGAT có vai trò điều phối các hoạt động của chính phủ tại các vùng lãnh thổ, với sự tham gia của đại diện từ Israel, Mỹ, Ai Cập và Liên hợp quốc.

Theo ông Griffiths, OCHA hiện đang duy trì sự hiện diện ở Jordan để đóng vai trò tích cực điều phối các hoạt động cung cấp viện trợ tiềm năng thông qua cầu Allenby – một điểm giao nhau giữa Jordan và Bờ Tây. Các hoạt động phân phối hàng viện trợ như vậy có thể thúc đẩy đáng kể các khâu hậu cần và thiết lập nền tảng cho các hoạt động nhân đạo.

Người đứng đầu OCHA nhấn mạnh rằng các cơ quan nhân đạo vẫn kiên định trong cam kết hỗ trợ người dân Gaza.

Người dân Gaza đang hứng chịu thảm họa nhân đạo tồi tệ do xung đột. Ảnh: CNN 

Theo Cơ quan Liên Hiệp Quốc về hỗ trợ người tị nạn Palestine tại Gaza và Cận Đông (UNRWA), ước tính có khoảng 1,9 triệu người phải di dời ở Gaza (tương đương khoảng 85% dân số), đang sống trong tình cảnh thiếu thốn các nhu yếu phẩm như thực phẩm, nước uống, nơi ở đàng hoàng, cơ sở vệ sinh và chăm sóc y tế…

Một cuộc khảo sát mới đây do Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc cho thấy khoảng từ 83% đến 97% gia đình ở Gaza không có đủ lương thực. Trong khi có tới 90% hộ gia đình ở một số khu vực cho biết họ đã phải nhịn đói cả ngày.

Ngày 7/12, đụng độ giữa lực lượng Israel và phong trào Hamas đã nổ ra tại các thành phố lớn nhất của Dải Gaza, đánh dấu giai đoạn mới của cuộc xung đột đang bước sang tháng thứ ba liên tiếp. Liên hợp quốc cho biết, giao tranh tiếp diễn nhiều ngày qua đã khiến nhiều khu vực bị san phẳng bởi các cuộc bắn phá của Israel, với 85% trong số 2,3 triệu dân số ở Gaza bị mất nhà cửa.

Còn theo thống kê do Cơ quan Y tế Palestine công bố ngày 7/12, cuộc xung đột kéo dài nhiều ngày qua đã khiến 17.177 người ở Gaza thiệt mạng và hơn 46.000 người khác bị thương/.

T.Lan (Theo Reuters, Xinhua)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực