NATO tăng quy mô lực lượng phản ứng nhanh lên hơn 300.000 binh sỹ

Thứ ba, 28/06/2022 15:01
(ĐCSVN) – Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ mở rộng quy mô lực lượng phản ứng nhanh gấp 8 lần (từ 40.000 lên hơn 300.000 binh sỹ) như một phần trong các biện pháp phản ứng trước điều được liên minh này coi là "kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược".
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Ảnh: AFP) 

Kế hoạch trên đã được Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đề cập tới trong cuộc họp báo diễn ra ngày 27/6 tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra cũng tại địa điểm trên, trong các ngày 29-30/6 tới.

Lực lượng phản ứng NATO (NRF) hiện có quân số khoảng 40.000 binh sĩ có thể triển khai nhanh chóng khi cần thiết. Cách đây ít lâu, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Anita Anand cho biết Ottawa có tới 3.400 binh sĩ sẵn sàng phục vụ cho lực lượng phản ứng của NATO, bao gồm cả lục quân, không quân và hải quân.

Cùng với các biện pháp khác, gồm cả việc triển khai lực lượng để bảo vệ các đồng minh cụ thể, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết động thái tăng quân số của lực lượng phản ứng nhanh là một phần của "cuộc cải tổ lớn nhất về phòng thủ và răn đe tập thể kể từ Chiến tranh Lạnh."

Ông Stoltenberg cho biết: “Những binh lính này sẽ tập trận cùng với lực lượng phòng thủ nội địa… Và họ sẽ trở nên quen thuộc với địa hình, cơ sở vật chất tại địa phương và các kho dự trữ mới được định vị trước của chúng tôi để có thể phản ứng một cách trơn tru và nhanh chóng với bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào".

Sau thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Tổng thống Mỹ J.Biden và các đối tác NATO đã nhất trí gửi hàng nghìn binh sỹ, với sự hỗ trợ của không quân và hải quân để bảo vệ các đồng minh gần Nga và Ukraine. Cũng vào thời điểm đó, liên minh quân sự lớn nhất hành tinh gồm 30 thành viên đã quyết định huy động các lực lượng thuộc NRF và các lực lượng của một đơn vị mũi nhọn có thể triển khai nhanh chóng tới mạn sườn phía Đông của NATO, đánh dấu lần đầu tiên NRF được triển khai thực thi vai trò phòng thủ.

Những nội dung trọng tâm của Hội nghị thượng đỉnh NATO

Thông tin về kế hoạch mở rộng quy mô lực lượng phản ứng nhanh được ông Stoltenberg đưa ra trước thềm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh NATO vào cuối tháng này ở Madrid (Tây Ban Nha), cùng với việc 30 nước thành viên trong liên minh sẽ cùng phát đi tiếng nói đồng thuận về việc tăng cường hỗ trợ cho Ukraine. Cụ thể là các nước sẽ thông qua “gói hỗ trợ toàn diện tăng cường”, bao gồm cung cấp các hệ thống liên lạc an toàn và chống máy bay không người lái. Cũng trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh NATO, các đồng minh sẽ quyết định về việc tăng cường các nhóm tác chiến ở sườn phía Đông của NATO.

Về lâu dài, ông Stoltenberg cho biết các đồng minh của NATO có mục tiêu giúp Ukraine chuyển từ vũ khí trang bị từ thời Liên Xô sang trang bị hiện đại của NATO.

Một nội dung quan trọng khác được ông Stoltenberg tiết lộ trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 27/6 đó là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson đã đồng ý gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO. Cuộc gặp gỡ này – nếu diễn ra theo dự kiến, được kỳ vọng sẽ giúp các nước xích lại gần nhau hơn về lập trường, từ đó cởi bỏ những quan ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới việc kết nạp hai nước còn lại vào NATO.

“Chúng tôi đã nỗ lực hành động kể từ khi Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO để đảm bảo rằng các nước này có thể tham gia liên minh càng sớm càng tốt… Tôi sẽ không đưa ra bất kỳ lời hứa nào, nhưng tôi có thể đảm bảo rằng chúng tôi đang làm việc tích cực để đảm bảo mọi thứ diễn ra theo tiến độ bởi việc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO là một diễn biến mang tính lịch sử” – ông Stoltenberg nói.

Mức chi tiêu quốc phòng của các thành viên NATO

Một binh sĩ thuộc lực lượng vũ trang Bỉ đứng cạnh xe vận tải bọc thép Dingo trong cuộc tập trận chung quốc tế của lực lượng ứng phó NATO gần Munster, Đức, ngày 10/5/2022. (Ảnh: Morris MacMatzen / Getty) 

Cũng trong ngày 27/6, NATO đã công bố số liệu chi tiêu quốc phòng mới cho thấy các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và Canada đã tăng chi tiêu quốc phòng năm thứ tám liên tiếp.

Ông Stoltenberg cho biết, vào cuối năm nay, các nước sẽ đầu tư thêm hơn 350 tỷ USD trong bối cảnh chúng tôi đã nhất trí về cam kết đầu tư quốc phòng vào năm 2014.

Trên thực tế, các nước thành viên NATO đã cắt giảm ngân sách quân sự trong những năm 1990 sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Tuy nhiên, các khoản chi tiêu quân sự đã có dấu hiệu tăng trở lại sau thời điểm Nga sáp nhập Bán đảo Crimea vào năm 2014. Cũng trong năm đó, các đồng minh NATO đã cam kết đạt tăng ngân sách quốc phòng lên 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2024.

Tuy nhiên, liên quan tới vấn đề này, ông Stoltenberg cho rằng, 2% GDP chỉ là mức sàn chứ không phải là mức trần. Hiện chỉ 9 trong số 30 thành viên của NATO đạt được mục tiêu này vào năm 2022 gồm Hy Lạp, Mỹ, Ba Lan, Litva, Estonia, Vương quốc Anh, Latvia, Croatia và Slovakia.

Theo dữ liệu được NATO công bố hôm 27/6, chi tiêu cho quốc phòng của Pháp hiện ở mức 1,90%, Italy 1,54%, Đức 1,44% và Tây Ban Nha 1,01%, còn Luxembourg là 0,58%. 

Canada hiện vẫn còn thiếu điểm trung bình so với mức đầu tư cho ngân sách quốc phòng của các thành viên trong liên minh, với chi tiêu quốc phòng được tính là 1,27% GDP./.

T.Lan (Theo France 24, cbc.ca)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực