Nga sẵn sàng đóng vai trò trung gian giải quyết xung đột Armenia - Azerbaijan

Thứ năm, 01/10/2020 15:03
(ĐCSVN) – Nga sẵn sàng đóng vai trò trung gian giải quyết cuộc xung đột Nagorno-Karabakh và tổ chức cuộc gặp ba bên, với sự tham gia của các đại diện Nga, Azerbajan và Armenia để tìm giải pháp cho vấn đề này.

Liên hợp quốc kêu gọi Azerbaijan và Armenia ngừng bắn tại khu vực tranh chấp

Đây là thông điệp được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đưa ra trong các cuộc điện đàm riêng rẽ với người đồng cấp Azerbaijan Jeyhun Bairamov và Ngoại trưởng Armenia Zograb Mnatsakanyan, ngày 30/9.

Trong thông báo phát đi cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, trong khuôn khổ các cuộc điện đàm, ông Lavrov đã khẳng định thiện chí của Moscow nhằm tiếp tục theo đuổi các nỗ lực trung gian hòa giải cả riêng rẽ lẫn chung, với các đại diện của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), nhằm thiết lập các điều kiện cần thiết để chấm dứt cuộc xung đột Nagorno-Karabkh bằng con đường ngoại giao và chính trị. Bên cạnh đó, nhà ngoại giao Nga cũng khẳng định Moscow sẵn sàng tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa các bên liên quan, gồm cả cuộc gặp cấp Ngoại trưởng giữa Nga, Azerbaijan và Armenia.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố nước này sẵn sàng tổ chức đàm phán để hòa giải tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan. (Ảnh: TASS) 

Nhân cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Lavrov đã nhấn mạnh tính cần thiết của việc các bên cùng quay trở lại bàn đàm phán trong thời gian sớm nhất có thể.  Tỏ rõ sự quan ngại sâu sắc trước các chiến dịch quân sự quy mô rộng đang tiếp diễn, Nga kêu gọi các bên áp dụng lệnh ngừng bắn nhanh chóng và hạ nhiệt căng thẳng, kiềm chế những lời lẽ mang tính chất khiêu khích và hiếu chiến.

Văn phòng báo chí điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng vừa có cuộc điện đàm với người đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron để thảo luận về diễn biến tại Nagorno-Karabakh. Nhân cuộc gọi diễn ra theo đề xuất của Pháp, nguyên thủ hai nước đã kêu gọi các bên xung đột kiềm chế tối đa và chấm dứt ngay lập tức các hành vi thù địch. Tổng thống Nga và Pháp chia sẻ lập trường chung rằng, cuộc khủng hoảng Nagorno-Karabakh không thể giải quyết bằng bất kỳ giải pháp nào khác, ngoài ngoại giao và chính trị. Liên quan tới khía cạnh này thì các bên cần tăng cường hợp tác, đặc biệt là trong khuôn khổ Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu – OSCE, nhằm ủng hộ việc kêu gọi Armenia và Azerbaijan chấm dứt ngay lập tức các hành vi đối đầu vũ trang và nối lại tiến trình đàm phán.

Ngày 27/9, các cuộc giao tranh giữa hai nước láng giềng tại khu vực Nagorno-Karabakh bắt đầu bùng phát trở lại và chưa bên nào có dấu hiệu lùi bước, bất chấp lời kêu gọi kiềm chế từ cộng đồng quốc tế. Điều này không chỉ khiến cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ giữa hai nước láng giềng vùng Capcaz có nguy cơ “bị hâm nóng trở lại” mà còn làm dấy lên nguy cơ bất ổn và lôi kéo sự can dự từ bên ngoài vào tình hình khu vực.

Cùng với việc ban bố tình trạng thiết quân luật và ra lời kêu gọi tổng động viên, hiện cả Armenia và Azerbaijan đều được cho là đã có những động thái chuẩn bị cho một cuộc đụng độ “dài hơi” ở khu vực tranh chấp. Cho tới nay, thương vong trong các vụ đụng độ giữa hai nước láng giềng ở khu vực biên giới đã được ghi nhận, gồm cả dân thường. Azerbaijan tuyên bố đã giành quyền kiểm soát một số khu làng và các ngọn núi chiến lược ở Nagorno-Karabakh. Tuy nhiên, Armenia lại bác bỏ điều này và đưa ra các báo cáo cho thấy lực lượng Azerbaijan đã nã pháo sang lãnh thổ nước này.

Cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan tại vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh bắt đầu nổ ra từ tháng 2/1988, sau khi khu vực ly khai Nagorno-Karabakh tuyên bố rút khỏi Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Azerbaijan. Giai đoạn 1992-1994, căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước láng giềng đã lên tới đỉnh điểm và bùng phát thành hành động quân sự quy mô lớn nhằm giành quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh. Các cuộc đàm phán về vấn đề này đã được khởi động từ năm 1992 dưới vai trò can thiệp của Nhóm Minsk thuộc OSCE, do ba nước: Nga, Pháp và Mỹ đóng vai trò đồng Chủ tịch.  Năm 1994, hai nước láng giềng đã đạt thỏa thuận ngừng bắn và tiếp nối bởi nhiều cuộc đàm phán hòa bình diễn ra sau đó, tuy nhiên, các cuộc xung đột vẫn tái diễn tại khu vực dọc đường biên giới./.

Thu Lan (Theo báo chí Nga)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực