Nhật Bản 10 năm sau thảm họa kép

Thứ năm, 11/03/2021 14:17
(ĐCSVN) – 10 năm trôi qua, sự sống đã hồi sinh trên khắp các khu vực bị động đất, sóng thần tàn phá nặng nề ở Đông Bắc Nhật Bản. Các hoạt động kinh tế được khôi phục, cuộc sống của người dân trở lại nhịp bình thường. Tuy nhiên, trong thẳm sâu ký ức của những người còn may mắn sóng sót, ngày 11/3/2011 là một ngày chẳng dễ dàng quên…

Những ký ức không quên

Vào lúc 14 giờ 46 phút ngày 11/3/2011, một trận động đất mạnh 9 độ richter ngoài khơi Thái Bình Dương, với tâm chấn ở độ sâu khoảng 29 km so với mực nước biển đã làm rung chuyển Đông Bắc Nhật Bản. Đây là trận động đất mạnh nhất từng được ghi nhận ở Nhật Bản, và là trận động đất mạnh thứ tư trên thế giới theo thống kê hiện đại, bắt đầu vào năm 1900. Trận động đất gây ra sóng thần cao tới 10 mét và có sức hủy diệt cực mạnh, tàn phá gần như tất cả các thị trấn ven biển trải dài từ tỉnh Hokkaido ở phía Bắc đến tận tỉnh Chiba giáp thủ đô Tokyo.

Khi thủy triều rút đi, trong khoảnh khắc thế giới bỗng đột ngột thay đổi với người dân khu vực Đông Bắc Nhật Bản. Nhà cửa, xe cộ, cây cối…bị cuốn phăng và dạt vào bên đường tựa như những món đồ chơi của con trẻ. Những người còn sống chật vật trong một bãi rác khổng lồ và lấm lem bùn đất. Họ bàng hoàng khi nhận ra nhiều người thân của họ đã vĩnh viễn rời xa. 10 năm đã trôi qua, họ vẫn sống trong sự tìm kiếm và những nỗi khắc khoải chẳng thể nguôi ngoai…

 Thảm họa động đất, sóng thần ngày 11/3/2011 ở  Đông Bắc Nhật Bản gây thiệt hại  nghiêm trọng về người và của . (Ảnh: AFP-JiJi)

Một người cha sống một mình trong căn nhà cuối con đường dài rợp bóng cây anh đào. Anh quẩn quanh với những cuốn sách và nỗi nhớ thương cậu con trai bé nhỏ khi sóng thần ập đến.

Một người mẹ vẫn bị ám ảnh bởi tiếng khóc của những đứa trẻ bị mắc kẹt (có khi trong đó có cả con của chị), để cầu xin sự giúp đỡ trong bóng tối. Ngay cả bây giờ, chị vẫn mang theo lịch trình đi xe buýt của con gái mình, như để chứng minh rằng cô con gái 6 tuổi của mình vẫn còn sống.

Một người vợ không bao giờ từ bỏ hi vọng rằng chồng mình một ngày nào đó sẽ quay trở về. Trong những bức thư viết nguệch ngoạc sau những tờ lịch, chị trách anh sao lại rời xa, rồi lại tự mình thay chồng viết những câu trả lời để tự khích lệ mình sống tiếp.

Một người đàn ông ở thành phố Minamisoma cho biết: trong thảm họa động đất, sóng thần, ông bà của anh đã mất, còn anh được cứu sống. Anh biết ơn họ bởi họ đã mang lại cho anh cuộc sống này.

Một người đàn ông khoảng 40 tuổi ở Ishinomaki cho biết: “Nước mắt của tôi đã rơi khi tôi đến khu đồi này và nhớ đến thời khắc tôi phải chạy khỏi nơi đây khi sóng thần ập đến. Những ngôi nhà và những ngôi trường tôi từng thấy từ thời thơ ấu đã không còn nữa. Thật đáng buồn, nhưng tôi phải chấp nhận điều này”.

Nỗ lực tái thiết không ngừng

Theo ước tính của Chính phủ Nhật Bản, thảm họa động đất, sóng thần đã khiến gần 20.000 người chết và mất tích. Ít nhất 3.200 người đã chết trong quá trình đi sơ tán. Ngoài ra, thảm họa kép cũng khiến hơn 120.000 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn, hơn 280.000 tòa nhà bị phá hủy một phần và gần 700.000 tòa nhà khác bị hư hại.

Không chỉ vậy, thảm họa động đất, sóng thần ngày 11/3/2011 còn kéo theo một thảm họa khác là “thảm họa hạt nhân Fukushima”. Trận động đất, sóng thần đã làm tê liệt nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Hơn 160.000 người phải sơ tán do rò rỉ phóng xạ. Đây được coi là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl năm 1986.

 Thành phố Kesennuma (Nhật Bản) -  ảnh chụp ngày 28/3/2011, thời điểm sau  hơn 2 tuần

xảy ra thảm họa kép động đất, sóng thần.(Ảnh: AP)


 Thành phố Kesennuma (Nhật Bản) - ảnh chụp ngày  5/3/2021, thời điểm 10 năm sau khi xảy ra thảm họa. (Ảnh: AP)

Để khắc phục hậu quả nặng nề sau thảm họa, Chính phủ Nhật Bản đã chi hơn 30 nghìn tỉ yên (khoảng 280 tỉ USD) cho việc tái thiết toàn khu vực, bao gồm dọn dẹp các đống đổ nát, xây dựng lại cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các nạn nhân. Ngoại trừ một số khu vực của Fukushima vẫn là vùng cấm vì sự cố nhà máy hạt nhân, công việc xây dựng ở các khu vực ven biển bị sóng thần tàn phá ít đã hoàn thành.

Trong đó, làn sóng đầu tư mạnh mẽ đã giúp 3 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong thảm họa là Miyagi, Iwate và Fukushima đạt tăng trưởng hơn 10% so với thời kỳ trước khi thảm họa xảy ra. Trong số những địa phương bị tàn phá nặng nề nhất bởi thảm họa kép, thị trấn Onagawa (thuộc tỉnh Miyagi) được xem là nơi chứng kiến quá trình phục hồi mạnh mẽ và nhanh nhất.

Trong chuyến thăm gần đây tới tỉnh Fukushima, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cam kết đẩy mạnh công tác tái thiết các khu vực bị ảnh hưởng, đồng thời cho biết, Chính phủ Nhật Bản muốn thúc đẩy công cuộc tái thiết với một chương trình để hỗ trợ người dân vùng thiên tai nhiều nhất có thể. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản đang khuyến khích người dân quay trở lại Fukushima thông qua những hỗ trợ tài chính, trong đó có khoản tiền để khử ô nhiễm đất.

Dự kiến, Chính phủ Nhật Bản sẽ chi thêm 1,6 nghìn tỉ yên cho các vùng bị ảnh hưởng trong các năm tài chính 2021-2025./.

Kiều Giang (theo báo chí Nhật Bản)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực