WHO quan ngại về di chứng kéo dài hậu COVID-19

Thứ năm, 05/08/2021 16:20
(ĐCSVN) – Trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới vừa vượt ngưỡng 200 triệu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngày 4/8 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước thực tế rằng nhiều người (chưa thống kê số lượng cụ thể) có thể đang vật lộn với di chứng kéo dài hậu COVID-19 (hay còn gọi là Long COVID).
Trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19 của WHO Maria Van Kerkhove. (Ảnh: rte.ie)

Qua đó, WHO kêu gọi mọi người có các triệu chứng “Long COVID” – dù đã phục hồi sau giai đoạn cấp tính – hãy tìm kiếm sự trợ giúp y tế. Đến nay, “Long COVID” vẫn là một trong những khía cạnh bí ẩn nhất của đại dịch.

Phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra cùng ngày, bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19 của WHO bày tỏ: “Di chứng hậu COVID-19 hay còn gọi là Long COVID là điều mà WHO đang lo rất lo lắng… WHO thừa nhận điều này, vì nó thực sự tồn tại”.

Theo lập luận của bà Kerkhove, rất nhiều người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đang đối mặt với những di chứng kéo dài. Lời khuyên là bất kỳ ai nếu gặp phải các di chứng này cần tìm kiếm trợ giúp.

“Chúng tôi không biết những di chứng này kéo dài trong bao lâu và chúng tôi thậm chí đang nghiên cứu một định nghĩa để hiểu rõ hơn và mô tả về di chứng kéo dài hậu COVID-19” – bà Kerkhove nói.

Chuyên gia này cho biết, WHO đang nỗ lực đưa ra những chương trình phục hồi chức năng tốt hơn cho những người bị di chứng Long COVID, cùng với đó là mở rộng nghiên cứu để hiểu rõ hơn về di chứng này để từ đó có cách thức giải quyết.

Hơn 200 triệu chứng Long COVID

Trong năm nay, WHO đã tổ chức một loạt hội thảo nhằm mục đích tăng cường hiểu biết về các tình trạng của con người sau COVID-19. Tại các sự kiện này, giới chuyên gia không chỉ lắng nghe ý kiến từ các nhà khoa học, bác sỹ mà còn tiếp nhận những giãi bày từ chính những người mắc phải di chứng. Hiện rất ít người hiểu nguyên nhân tại sao một số bệnh nhân, sau khi trải qua giai đoạn cấp tính, thì vẫn liên tục phải chịu đựng các triệu chứng như thở gấp, cực kỳ mệt mỏi và rối loạn chức năng nhận thức, rối loạn cơ tim và thần kinh.

Trong phiên họp trực tuyến của WHO diễn ra ngày 3/8, bà Janet Diaz - Trưởng nhóm chăm sóc lâm sàng trong chương trình khẩn cấp của WHO, cũng là người đứng đầu nghiên cứu về “Long COVID”, cho biết đến nay đã có tới hơn 200 triệu chứng được báo cáo liên quan đến hội chứng hậu COVID-19. Trong số đó có cả những triệu chứng như đau ngực, ngứa ran và phát ban.

Bà Diaz cho biết một số bệnh nhân có các triệu chứng kéo dài từ giai đoạn cấp tính; những người khác thì lại chuyển biến tốt hơn rồi sau đó tái phát, với các tình trạng có thể đến và biến mất; trong khi những người khác có các triệu chứng chỉ xuất hiện sau khi hồi phục từ giai đoạn cấp tính. Một số người có biểu hiện bệnh kéo dài 3 tháng, nhưng cũng có những người lên đến 6 tháng, thậm chí có thể có một ít trường hợp kéo dài đến 9 tháng hoặc lâu hơn.

Các triệu chứng phổ biến của di chứng Long COVID bao gồm: Cực kỳ mệt mỏi; khó thở; hồi hộp, lo lắng; đau hoặc tức ngực; các vấn đề về trí nhớ và khả năng tập trung (còn gọi là hội chứng sương mù não);  khó ngủ (mất ngủ);  tim đập nhanh; chóng mặt; đau khớp; trầm cảm và lo âu;  ù tai, đau tai; cảm thấy buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, chán ăn; nhiệt độ cao, ho, nhức đầu, đau họng, thay đổi khứu giác hoặc vị giác; phát ban.

Hãy liên hệ và tìm kiếm sự trợ giúp từ bác sỹ nếu bạn lo lắng về các triệu chứng trên trong giai đoạn từ 4 tuần trở lên sau khi bị COVID-19. Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng của bạn và tác động của các triệu chứng đối với cuộc sống của bạn. Bác sỹ cũng có thể đề xuất tiến hành một số xét nghiệm để tìm hiểu thêm về các triệu chứng bạn gặp phải và loại trừ những nguyên nhân khác có thể gây ra các triệu chứng. Các xét nghiệm có thể bao gồm: Xét nghiệm máu; kiểm tra huyết áp và nhịp tim; chụp X-quang ngực.


Thu Lan (Theo AFP, nhs.uk)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực