Lùi lại, để biết mình là ai…

Thứ bảy, 23/03/2024 09:02
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Thêm một lần nữa, đội tuyển bóng đá Việt Nam lại thất bại trước đối thủ xứ vạn đảo. Một lần nữa, giới hâm mộ cũng như cộng đồng mạng lại dậy sóng. Sự thật, Indonesia đã và đang tiến bộ rất rõ rệt, không chỉ vì chính sách nhập tịch của họ. Còn đội bóng của HLV Philippe Troussier thì sao?
 Ông Troussier chỉ đạo các học trò trong trận đấu với Indonesia (Ảnh: vnexpress.net)

Ở hai đầu nỗi nhớ, đó là khi các cổ động viên lấy HLV Park Hang-seo như một hình mẫu thành công (có thật) mỗi khi đối đầu với các đội bóng ở khu vực Đông Nam Á. Có những điều không khó để chỉ trích hay nghi ngờ về cách chiến lược gia người Pháp đang triển khai ở tuyển Việt Nam. Về nhân sự, ông Troussier khiến giới chuyên môn cảm thấy khó hiểu khi vẫn triệu tập hàng loạt các công thần dưới thời ông Park, nhưng lại không sử dụng như một sự kế thừa. Vẫn biết, thế hệ cầu thủ trẻ là những nhân tố không thể thiếu trong chặng đường phát triển của bất cứ nền bóng đá nào. Nhưng sử dụng họ vào những “lò lửa” như vòng loại World Cup lại là việc khác. Nếu mặc định rằng giải VĐQG là động lực, là căn cứ để đánh giá, chọn lọc và tạo nên sức mạnh cho đội tuyển quốc gia, thì ngay chính cách lựa chọn cầu thủ của HLV sinh tại Paris cũng đã gây ra nhiều tranh cãi. Những cầu thủ tốt nhất hay không, nếu không dựa trên phong độ và vị trí của các CLB đang có tại V-League, thì chỉ có thể là cảm tính mà thôi.

Chưa hết, về lối chơi, phong cách mà tuyển Việt Nam đang theo đuổi cũng là điều tạo ra hàng loạt những nhận định rất trái chiều. Cách đá kiểm soát bóng để pressing toàn sân của ông Troussier mang hơi hướng hiện đại, nhưng đó lại là điểm yếu rất dễ để đối phương khai thác. Ở điểm này, rõ ràng ông Shin Tae-yong đã nhận ra điểm yếu của đối phương. Chỉ cần đội bạn có chút thay đổi ở cánh trái, tuyển Việt Nam đã không kịp trở tay. Đến lúc Việt Nam cần vùng lên, thì Indonesia đã có đủ thời gian để ổn định lại đội hình, qua đó vô hiệu hóa mọi nỗ lực điều chỉnh của ông Troussier.

Có công bằng không, nếu cho rằng những thất bại như thế này là yếu tố để VFF thay tướng? Có hợp lý không, nếu sự xuống dốc của đội tuyển quốc gia là điều tất yếu và không thể đảo ngược, dù các cầu thủ trẻ đã cố gắng hết sức? Hãy nhớ, khi ông Park đến Việt Nam, có bao nhiêu người biết ông, tin ông, và hiểu triết lý bóng đá của ông? Bất chấp những thành công vang dội, đặc biệt ở Đông Nam Á, ngoại trừ bản hùng ca tại Thường Châu, chúng ta cũng đều thấy Việt Nam chưa là gì khi mang cách chơi phòng thủ toàn diện ra đấu trường châu Á. Nhưng con khủng long châu lục đều không xa lạ gì với lối chơi ấy, sự hiện đại và linh hoạt sẽ giúp họ áp đặt dễ dàng hơn với các đối thủ dưới cơ sử dụng lối mòn lỗi thời về chiến thuật.

Trên hết, hãy công bằng với Troussier, cũng như những gì chúng ta đã công bằng với ông Park ở những ngày đầu tiên. Truyền thống tôn sư trọng đạo không thể đánh đổi bằng những thất bại, dù đau đớn. Niềm tin cũng không thể dễ dàng đánh mất, dù những thứ nhãn tiền tạo ra khủng hoảng, những điều mới mẻ không tạo ra được sự thấu hiểu xứng đáng.

Như phong cách của một “quý ông”, HLV Troussier đang khiến nhiều người chỉ trích bởi sự lạc quan sau những lời phát biểu với báo giới, hay cả những hành động lịch lãm với ban huấn luyện, cầu thủ đội bạn khi Việt Nam thua trận. Đó là điều chúng ta không thường thấy nếu đối chiếu với sự quyết liệt của ông Park trong quá khứ. Nhưng điều đó có sai không, khi kẻ chiến bại dám chấp nhận luật chơi của môn thể thao Vua, đầy vinh quang nhưng cũng không ít cơn bão trong lòng?

Ngày 13/7/1998, khi tờ L'Equipe đăng hình Zidane và Djorkaeff trên trang nhất với chiếc Cúp Vàng thế giới với dòng chữ “Cho Mãi Mãi”, họ cũng đã chính thức gửi lời xin lỗi tới HLV Aime Jacque, người “dám” bỏ cả 2 ngôi sao Cantona lẫn Ginola ra khỏi Les Bleus mà không một lời giải thích.

“Thánh Aime” – theo cách xưng tụng của người dân Pháp, cũng đã nói: “Tôi sẵn sàng lùi lại'.

Để biết mình là ai...

HC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực