Thể thao thành tích cao Việt Nam: Kỳ vọng những đột phá trong năm mới

Thứ hai, 12/02/2024 16:37
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Để chuẩn bị cho các giải đấu lớn trong năm 2024, ngành thể thao xác định tập trung đổi mới mạnh mẽ nhằm tạo ra những đột phá về thành tích thi đấu cũng như các chỉ số phát triển của nền thể thao nước nhà.

Theo báo cáo của Cục Thể dục Thể thao, kết quả thi đấu quốc tế năm 2023, thể thao Việt Nam đã giành được 1.429 huy chương quốc tế (trong đó 571 HCV, 404 HCB, 454 HCĐ). Đặc biệt, Đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu xuất sắc, vượt chỉ tiêu đề ra và lần đầu tiên giành được vị trí thứ Nhất toàn đoàn tại một kỳ SEA Games tổ chức tại nước bạn, với tổng số 136 HCV,105 HCB, 118 HCĐ, phá 12 kỷ lục và thiết lập 4 kỷ lục SEA Games; lần thứ 2 liên tiếp giành HCV Bóng đá U23 nam Đông Nam Á.

Một điểm nhấn khác trong năm 2023 cần phải nhắc tới là Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam lần đầu tiên tham dự  FIFA World Cup nữ 2023. Đây là bước tiến đáng trân trọng của bóng đá nữ Việt Nam. Mặc dù không thể vượt qua vòng loại do nhiều nguyên nhân, nhưng các “cô gái vàng” của Việt Nam đã thi đấu hết mình, mang hình ảnh đất nước, con người và tinh thần thi đấu thể thao chân chính ra với thế giới. Quốc kỳ Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện, quốc ca Việt Nam lần đầu tiên được vang lên tại World Cup 2023 mang lại tự hào rất lớn cho hàng triệu người hâm mộ quê nhà.

Tại đấu trường lớn của khu vực là Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19) tổ chức ở Hàng Châu, Trung Quốc, Đoàn Thể thao Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu đề ra với 03 HCV, 05 HCB, 19 HCĐ, xếp vị trí thứ 21/45 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự Đại hội. Tính đến tháng 2/2024, Thể thao Việt Nam mới có 3 suất chính thức tham dự Olympic Paris (Pháp) 2024 của môn xe đạp (Nguyễn Thị Thật), bắn súng (Trịnh Thu Vinh) và bơi (Nguyễn Huy Hoàng).

Xạ thủ trẻ Phạm Quang Huy giành HCV ASIAD 19. (Ảnh: tdtt.gov.vn) 

Tuy nhiên, xét về mặt tổng quát, thể thao Việt Nam đã không đạt được những mục tiêu lớn nhất trong năm 2023, bao gồm thành tích ở ASIAD 19 và số vé tham dự Olympic. Điều này vô tình tạo áp lực và gánh nặng không nhỏ lên những vận động viên trong năm 2024, khi họ phải hướng ra sân chơi thế giới, sau 2 năm liền tận hưởng thành quả từ những chiến công vang dội ở SEA Games.

Bước sang năm 2024 với thử thách lớn nhất là Olympic Paris, đây là sân chơi tạo nên vị thế thực chất nhất với mỗi nền thể thao, việc giành được huy chương là mục tiêu vô cùng khó, với ngay cả những nền thể thao phát triển. Thể thao Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu có nhiều suất tham dự Olympic, tăng tối đa cơ hội tranh chấp huy chương Thế vận hội. Theo Cục Thể dục Thể thao, với Olympic Paris, thể thao Việt Nam đặt mục tiêu có từ 12-15 suất tham dự ở các môn: Điền kinh, bơi, bắn súng, cử tạ, taekwondo, thể dục dụng cụ, đua thuyền, xe đạp, cầu lông, judo, bắn cung và boxing (quyền Anh).

Olympic Paris 2024 diễn ra tại Pháp từ ngày 26/7 đến ngày 11/8, tức là chỉ còn nửa năm nữa sẽ khai mạc. Thể thao Việt Nam với số lượng 3 vận động viên giành suất chính thức dự Olympic Paris như hiện nay là rất ít ỏi. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Phòng Thể thao thành tích cao 1, 2 và các liên đoàn đã rà soát lực lượng, chuyên môn. Từ nay đến tháng 6/2024, hy vọng tại 12 môn thi đấu trọng điểm, thể thao Việt Nam sẽ giành thêm suất dự Olympic. Ngoài môn bơi, bắn súng, xe đạp, các môn khác như điền kinh, taekwondo, boxing, cầu lông, thể dục dụng cụ, cử tạ, đấu kiếm, bắn cung hay đua thuyền vẫn còn cơ hội tranh chấp.

Nhưng kế hoạch chuẩn bị cho Olympic đang gặp một số khó khăn khi thời điểm này là giai đoạn nước rút để các VĐV hoàn tất mọi công tác chuẩn bị về chuyên môn, một số VĐV nằm trong nhóm trọng điểm lại gặp phải chấn thương, đang được tích cực điều trị. Môn thế mạnh như điền kinh Việt Nam hiện cũng có nhiều rào cản. Tại Olympic sẽ lấy 16 đội mạnh nhất thế giới, trong khi Việt Nam đang xếp hạng thứ 19. Trong số các vận động viên ở nhóm chạy này, có Nguyễn Thị Huyền vừa xin nghỉ.

Trong tình hình hiện tại, Việt Nam có thể chứng kiến những suất dự Olympic tiếp theo trong thời gian tới. Ở môn cử tạ, Trịnh Văn Vinh đang nằm trong top 10 của bảng xếp hạng thế giới. Anh cần tích lũy điểm số tốt hơn để đảm bảo việc có vé đến Olympic. Đây là điều nằm trong tầm tay của đô cử sinh năm 1995.

Ngoài ra, môn bơi lội cũng xây dựng kế hoạch cho kình ngư Huy Hoàng giành thêm 1 suất chính thức tại Olympic. Về boxing, có Nguyễn Thị Tâm, Hà Thị Linh, Lưu Diễm Quỳnh sẽ nỗ lực tranh chấp suất dự Olympic. Với bắn súng, ngoài Trịnh Thu Vinh, chuyên gia bộ môn này khẳng định sẽ có thêm một suất vượt qua vòng loại, đồng thời tập trung cao độ để phấn đấu tranh chấp huy chương Olympic.

Trong khi đó, môn taekwondo sẽ có vòng loại khu vực châu Á vào tháng 3/2024. Các võ sĩ trọng điểm là Kim Tuyền, Ánh Tuyết, Bạc Thị Khiêm, Lý Hồng Phúc sẽ tham dự để tranh suất. Ở môn cầu lông, Nguyễn Thùy Linh đứng trước cơ hội lớn góp mặt tại Olympic, đồng thời, hai tay vợt nam là Đức Phát và Hải Đăng cũng được kỳ vọng. Thể dục dụng cụ có 4 vận động viên tiềm năng là Nguyễn Văn Khánh Phong, Đặng Ngọc Xuân Thiện, Trịnh Hải Khang và Văn Vĩ Lương.

Môn bắn cung còn 1 giải đấu World Cup Final tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 6/2024. Bên cạnh đó, đua thuyền có vòng loại khu vực châu Á diễn ra vào tháng 4 tại Hàn Quốc.

Để thực hiện được mục tiêu tại Olympic Paris 2024, Cục Thể dục Thể thao yêu cầu các bộ môn và ban huấn luyện cần nắm rõ quy định, xác định những giải đấu phù hợp để xây dựng kế hoạch tham dự trên cơ sở đánh giá đúng đối thủ cạnh tranh, tối đa cơ hội giành suất tham dự Olympic cho các VĐV trọng điểm. Trong đó, ngành thể thao cần tập trung rà soát lực lượng làm việc cụ thể từng ban huấn luyện đội tuyển quốc gia, chuyên gia đánh giá năng lực vận động viên xuất sắc nhất để đầu tư tinh, gọn.

Ngoài ra, cần bố trí nguồn lực cho các điều kiện đảm bảo để triển khai các kế hoạch thực hiện. Từ thực tế các nguồn lực hiện có, cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm trong đó không chỉ quan tâm đến kinh phí thực hiện hay trang thiết bị tập luyện, thi đấu mà còn phải chú trọng đến các yếu tố về con người như đội ngũ bác sỹ, chuyên gia tâm lý, nhân viên hồi phục… cho các VĐV trọng điểm.

Thể thao thành tích cao Việt Nam cần có sự điều chỉnh nhằm đáp ứng những thay đổi của điều kiện thực tế, giúp các VĐV nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo Cục Thể dục Thể thao, các nhóm giải pháp đã được đưa ra là: nhóm giải pháp về xây dựng lực lượng thể thao thành tích cao từ việc tuyển chọn, xác định VĐV; xác định phương thức đào tạo VĐV; xác định địa bàn đào tạo VĐV; lực lượng cán bộ, HLV và xác định giải pháp chuyên môn cho từng môn thể thao. Tiếp đến là nhóm giải pháp nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo; giải pháp ứng dụng khoa học và công nghệ, chăm sóc y tế, hồi phục và chế độ dinh dưỡng cho VĐV; nhóm giải pháp xã hội hóa thể thao thành tích cao; bảo đảm nguồn lực tài chính…/.

NK

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực