Đổi mới hình thức và nội dung bồi dưỡng cán bộ Hội phụ nữ các cấp

Thứ sáu, 16/10/2020 20:11
(ĐCSVN) - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga yêu cầu, Học viện Phụ nữ Việt Nam chú trọng chất lượng đào tạo gắn với thực tế; đổi mới hình thức và nội dung bồi dưỡng để cán bộ Hội các cấp không chỉ có kiến thức, kỹ năng về công tác phụ vận mà còn có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc hằng ngày.

Ngày 16/10, tại Hà Nội, Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển (1960 - 2020). 

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga khẳng định, 60 năm qua, dù cơ cấu bộ máy, lực lượng cán bộ, giảng viên có nhiều thay đổi, nhưng trong mọi giai đoạn, Học viện Phụ nữ Việt Nam đều hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của một đơn vị đào tạo thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. 

Từ mái trường này, biết bao thế hệ học viên đã được rèn giũa để trở thành những cán bộ, lãnh đạo Hội các cấp; nhiều chị đã trở thành lãnh đạo nữ cả Trung ương và các địa phương trong cả nước. 

10 năm gần đây, Học viện đã có bước chuyển mình hết sức quan trọng từ trường đào tạo cán bộ trở thành một đơn vị giáo dục đại học công lập ngày càng có uy tín. Trong 8 năm hoạt động với tư cách là một trường đại học, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã liên tục đổi mới, xây dựng được các ngành học đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của thị trường, phát huy được thế mạnh trong các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nữ không chỉ của Việt Nam mà còn của nước bạn Lào và Campuchia.

 Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Học viện Phụ nữ Việt Nam 
 

"Trong bối cảnh cùng cả nước căng mình phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và một số hoạt động khác của Học viện năm 2020 vẫn được tiến hành cơ bản đúng tiến độ và chất lượng theo kế hoạch, thể hiện rõ nỗ lực và quyết tâm cao về mọi mặt của Học viện", bà Hà Thị Nga nói. 

Nhằm duy trì và phát huy thế mạnh sẵn có, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam yêu cầu Học viện Phụ nữ Việt Nam chú trọng chất lượng đào tạo gắn với thực tế; đổi mới hình thức và nội dung bồi dưỡng để cán bộ Hội các cấp không chỉ có kiến thức, kỹ năng về công tác phụ vận mà còn có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc hằng ngày; xây dựng Học viện Phụ nữ Việt Nam là "cái nôi" đào tạo cán bộ phụ nữ trên toàn quốc.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, Học viện có tên gọi đầu tiên là Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương thành lập năm 1960. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1558/QĐ-TTg về việc thành lập Học viện Phụ nữ Việt Nam đưa nhà trường bước sang một trang sử mới với những nhiệm vụ cao cả hơn, khó khăn hơn.

8 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập, Học viện đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện và đạt được nhiều thành tích đáng tự hào. Học viện là đơn vị được Trung ương Hội tín nhiệm giao đầu mối chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội giai đoạn 2013-2017 và 2019-2025, góp phần quan trọng vào thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga trao học bổng cho các tân thủ khoa của Học viện Phụ nữ Việt Nam 

Từ một cơ cở giáo dục với hơn 10 giảng viên và chỉ thực hiện chức năng bồi dưỡng cán bộ, đến nay Học viện Phụ nữ Việt Nam đã trở thành một Học viện đa ngành với gần 150 nhân sự chuyên trách, trong đó có 4 Phó Giáo sư, 22 Tiến sỹ và huy động được đội ngũ giảng viên thỉnh giảng đông đảo, có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm giảng dạy, thực tiễn về bồi dưỡng cán bộ và đào tạo đại học. Cơ sở vật chất của Học viện cũng không ngừng được đầu tư, nâng cấp ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học trong bối cảnh mới. 

Kể từ khi thành lập Học viện, gần 30 thỏa thuận hợp tác quốc tế đã được ký kết; phát triển mối quan hệ hợp tác thường xuyên với gần 30 cơ sở giáo dục, nghiên cứu và tổ chức nước ngoài; tổ chức đào tạo về kỹ năng lãnh đạo và công tác phụ nữ cho hơn 300 cán bộ Hội Phụ nữ Lào và Hội Phụ nữ Campuchia vì Hoà bình và Phát triển theo thoả thuận hợp tác giữa 2 Chính phủ và giữa hai tổ chức Hội.

Điểm nổi bật trong công tác bồi dưỡng gần đây là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức bồi dưỡng thông qua các lớp học trực tuyến. Quy mô bồi dưỡng hằng năm luôn đạt mức cao với hơn 2.000 lượt người, có năm đạt hơn 4.000 lượt người.

Hoạt động đào tạo đại học, sau đại học là sự thay đổi căn bản của Học viện so với giai đoạn trước đây. Bắt đầu với 2 ngành học đã có kinh nghiệm đào tạo trung cấp và bồi dưỡng từ trước là Công tác xã hội và Quản trị kinh doanh, đến nay, Học viện đã mở rộng ra 9 ngành đào tạo hệ đại học và 2 ngành thạc sỹ; tổng số sinh viên, học viên được tuyển sinh cho cả 8 khóa học là gần 5.000 người./.

Yến Chi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực