Hành trình đưa thương hiệu hươu sao Hương Sơn vươn xa của nữ “Nông dân Việt Nam xuất sắc”

Thứ bảy, 11/03/2023 10:56
(ĐCSVN) - Mới đây, Ban Tổ chức Chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam” đã bình chọn bà Chu Thị Hồng Hà (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là “Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2022. Tấm gương vượt khó, vươn lên của bà đã truyền cảm hứng cho nhiều nông dân khác trên địa bàn cùng phấn đấu, vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững.
 Bà Chu Thị Hồng Hà được Ban Tổ chức Chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam” bình chọn là “Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2022. 

Trong câu chuyện khởi nghiệp của bà Chu Thị Hồng Hà là ý chí phi thường, có quyết tâm, dám nghĩ, dám làm mới vượt qua được khó khăn, thách thức để vươn lên trở thành tấm gương làm giàu trên mảnh đất Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Không chỉ là “nghề” mà còn là “nghiệp”

Nói về hành trình gian nan lập nghiệp với hươu sao - loài vật “đặc hữu” của miền núi thơm Hương Sơn, bà Chu Thị Hồng Hà chia sẻ: “Đầu năm 1992, tôi lấy chồng về xã Sơn Giang. Ngày ấy, hai bên nội ngoại đều khó khăn, cuộc sống quanh năm chỉ biết trông chờ vào những con hươu. Thị trường ngày ấy còn chưa rộng mở nên việc nuôi hươu lúc đó chỉ hy vọng có thêm đồng ra đồng vào để trang trải cuộc sống".

Giữa năm 1992, bà đã bàn với chồng là ông Phạm Đức Thuận (sinh năm 1964) đầu tư vốn để nuôi hươu và phát triển các sản phẩm chế biến sâu từ nhung hươu. Bà Hà cho biết: “Nhận thấy nhung hươu nếu chỉ sử dụng theo cách thức truyền thống như ngâm rượu hoặc sử dụng thô thì sẽ không khai thác được hết giá trị. Thế nên, tôi đã quyết tâm học hỏi, ngoài nuôi hươu lấy nhung, tôi còn tìm tòi đầu tư chế biến sâu nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và giúp nâng cao giá trị của nhung hươu”.

Thời gian đầu, khi đang trên đà phát triển, tưởng chừng sắp ổn định với nghề thì cuối năm 1993, hươu và nhung “rớt” giá thê thảm. Từ chỗ hươu trưởng thành có giá 50 - 60 triệu đồng/con thì vào thời điểm ấy, giá hươu chỉ còn khoảng 300 - 500 nghìn đồng/con, đã khiến nhiều gia đình đã lâm vào cảnh nợ nần, chẳng thể bám trụ với con hươu. Không ít hộ chăn nuôi đã phải bỏ nghề, bán hươu cho các lò mổ để chuyển hướng làm ăn.

“Kinh tế của gia đình tôi lúc ấy gần như kiệt quệ, vợ chồng tôi lỗ gần 700 triệu đồng” - bà Hà kể lại.

Xốc lại tinh thần, cùng nắm tay nhau vượt qua khó khăn với quyết tâm giữ nghề bởi với vợ chồng bà, nuôi hươu sao không chỉ là “nghề” mà còn là “nghiệp” truyền thống của gia đình, không thể vì khó khăn mà bỏ đi bao công sức trước kia.

Không phụ công người, đến năm 1999, giá hươu sao khởi sắc và tăng lên từng ngày, nhờ thế, việc chăn nuôi, buôn bán của gia đình bà Hà cũng thuận lợi hơn. Sau quãng thời gian gây dựng lại sự nghiệp, số nợ “khổng lồ” ngày trước được bà Hà trả xong và có thêm nguồn vốn để mở rộng kinh doanh nhung hươu. Đến năm 2007, khi việc kinh doanh đã vững vàng hơn, vợ chồng bà quyết định thành lập Doanh nghiệp tư nhân Thuận Hà chuyên kinh doanh các sản phẩm từ hươu; năm 2015, doanh nghiệp của bà đã đổi tên thành Doanh nghiệp tư nhân nhung hươu Thuận Hà. Đây cũng chính là bước ngoặt mới trên hành trình nuôi hươu để thoát nghèo của bà Hà.

Đến danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc"

Sau gần 30 năm gắn bó với hươu sao, trải qua những khó khăn đến nay bà Hà đã gây dựng nên một trang trại chăn nuôi hươu có quy mô 63 con. Ngoài ra, bà còn liên kết với bà con nông dân trên địa bàn để chăn nuôi thêm gần 40 con hươu theo hình thức góp vốn.

Ngoài các sản phẩm truyền thống như nhung hươu tươi, rượu nhung, bà Hà còn chế biến sâu các sản phẩm như: nhung hươu khô tán bột, nhung hươu tươi thái lát, cao xương hươu. Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, 3 sản phẩm của doanh nghiệp đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, gồm: nhung hươu khô tán bột, nhung hươu thái lát và rượu nhung hươu vào năm 2019.

Nói về quy trình chế biến sâu các sản phẩm từ nhung hươu, bà Hà cho biết: “Với các sản phẩm chế biến sâu, chúng tôi đều thực hiện hoàn toàn bằng máy nên luôn đảm bảo chất lượng, bao bì, nhãn mác được đầu tư, tăng độ nhận diện thương hiệu”.

Bằng sự kỳ công, tỷ mẩn trong từng công đoạn chế biến, các sản phẩm từ nhung hươu của doanh nghiệp được khách hàng ưa chuộng, thị trường phân phối đã được mở rộng đến nhiều cửa hàng OCOP tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Bên cạnh giúp sản vật quê hương có cơ hội vươn xa, doanh nghiệp của bà Hà còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng.

Được biết, mỗi năm, doanh nghiệp của bà Hà thu mua và tiêu thụ được khoảng 4 tấn nhung hươu cho bà con trên địa bàn huyện, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con.

Cũng theo bà Hà, mỗi năm, cơ sở của bà có doanh thu trên 30 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí cho lợi nhuận hơn từ 2 - 3 tỷ đồng. Ngoài ra, tận dụng phụ phẩm từ việc nấu rượu, bà còn chăn nuôi thêm 40 con lợn rừng, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm.

“Làm nghề hơn 30 năm, tôi mong muốn đưa những sản phẩm chất lượng nhất đến tay người tiêu dùng, đó là cách để tri ân khách hàng, đồng hành với chúng tôi trong nhiều năm qua. Có được sự ghi nhận của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng là động lực để doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện, đưa sản phẩm nhung hươu Hương Sơn đi xa hơn” - Bà Hà chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Mai Thủy - Chủ tịch Hội Nông dân Hà Tĩnh cho biết: "Bà Chu Thị Hồng Hà là tấm gương tiêu biểu trong các phong trào nông dân của huyện và tỉnh. Tấm gương vượt khó, vươn lên của bà đã truyền cảm hứng cho nhiều nông dân khác trên địa bàn cùng phấn đấu, vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững. Mới đây, Ban Tổ chức Chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam” đã bình chọn bà Hà là “Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2022. Ngoài ra, bà cũng được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017-2022, phần thưởng này thật sự rất xứng đáng”.

Giang Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực