Thương binh nặng làm giàu trên đất khó

Thứ ba, 11/07/2017 13:12
(ĐCSVN) - Trở về sau chiến tranh với thương tật 61%, ông Nguyễn Đức Lý ở xóm Trại, Thanh Hà, Thanh Liêm, Hà Nam đã cố gắng vượt qua cơn đau thương tật hành hạ để phát triển sản xuất, trở thành một gương điển hình thương binh nặng làm kinh tế giỏi của địa phương.
Thương binh Nguyễn Đức Lý. (Ảnh: QC)

 Khi chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, năm 1976, ông Nguyễn Đức Lý đã lên đường nhập ngũ và đóng quân ở Tây Nam Bộ. Sát cánh chiến đấu cùng đồng đội, đến năm 1979 trong một đợt tiến công ở Tịnh Biên (An Giang) ông bị thương nặng. Được đồng đội chuyển về hậu cứ, ông Lý phải di chuyển khắp nơi để điều trị, lúc viện 175, viện 108, 109... cuối cùng ông về dưỡng thương ở Đoàn an dưỡng Nam Định với tỷ lệ thương tật 61%. Đến năm 1980 ông lập gia đình, về hẳn nhà sống cùng bố mẹ và vợ.

Cuộc sống những năm đầu thập niên 80 của gia đình ông vô vùng vất vả với 5 người con 2 trai, 3 gái. Đã vậy mỗi khi trở trời ông Lý lại bị những cơn đau hành hạ: “Thấy chồng đau quặn, tôi xót lắm. Có thời điểm hàng tháng trời không ăn không ngủ, các cơn đau cứ liên tiếp nhau hành hạ anh ấy…” - bà Nguyễn Thị Hồng vợ ông Lý xúc động giãi bày. 

Và chính từ lòng yêu thương tảo tần của người vợ hiền thảo, những đứa con ngoan... đã giúp cho ông có một chỗ dựa tinh thần vững trãi vượt qua đau đớn để làm kinh tế với quyết tâm: “Cái chết ta còn vượt qua được giờ sợ chi cái đói, cái nghèo!”.

Ngày trở về địa phương, ông được cấp 400m2 đất ở, và gần 2 mẫu đất đồng chiêm trũng. Ông đã xin “dồn điền đổi thửa” để ruộng về gần nhà giúp ông thuận lợi trong việc canh tác. Từ bàn tay trắng, ông cùng vợ con bắt tay vào sản xuất, sau vài năm trồng lúa ông thấy hiệu quả không cao. Sau khi thống nhất với gia đình, tham khảo ý kiến mọi người, ông quyết định làm giấy tờ xin địa phương cho chuyển đổi diện tích đất từ canh tác 2 vụ lúa sang trồng màu và chăn nuôi.

Là thương binh nặng, sức khỏe hạn chế nên ông xắp xếp công việc hợp lí cho các con, tính toán đường đi nước bước sản xuất. Ông cho ngăn đất đào ao thả cá thịt, diện tích còn lại trồng hoa tươi, trồng cây cảnh, xây chuồng trại nuôi gà thịt, gà đẻ trứng. Năm đầu, hoa tươi cho thu hoạch gần 15 triệu đồng, còn cá và gà gần 70 triệu đồng, về cơ bản cuộc sống gia đình ông lúc này đã được cải thiện. 

Chưa dừng ở đó, trong những năm tiếp theo ông tiếp tục lên “kế hoạch” lấy ngắn nuôi dài, nguồn thu một năm từ 2 - 3 vụ cá, gà, hoa... ông tiếp tục đầu tư nuôi rắn, đồng thời sắm sửa 6 bộ phông bạt bàn ghế, đồ lễ cưới hỏi đủ loại phục vụ đình đám theo yêu cầu tại địa phương. Năm 2016 trừ chi phí cũng thu lại cho gia đình ông gần 600 triệu đồng tổng hợp từ các nguồn thu trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ. Dự kiến năm 2017 sẽ cho gia đình ông tổng thu nhập trên 700 triệu đồng. 

Với tấm lòng “tương thân tương ái”, ông đã giúp đỡ cho nhiều anh em bạn bè đồng đội có hoàn cảnh kinh tế khó khăn vay vốn làm ăn không tính lời lãi. Trong làng có những trường hợp bệnh tật, ốm đau đột xuất ông Lý đều rộng rãi giúp đáp, cho vay mượn chạy chữa.

Khi được hỏi về ông Lý, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Thanh Liêm Lại Đức Thành cho biết: “Thương binh Lý là người hiền lành, sống có tình làng nghĩa xóm, rất hay giúp đỡ mọi người và là tấm gương điển hình, từng nhiều lần được biểu dương, khen thưởng trong phong trào thương binh nặng làm kinh tế giỏi tại địa phương chúng tôi”.

Chia tay với xã Thanh Hà có nghề thêu ren truyền thống lừng danh, chúng tôi thầm cảm phục nghị lực phi thường vươn lên của thương binh Nguyễn Đức Lý, người thương binh "tàn nhưng không phế", luôn giữ gìn và làm sáng thêm phẩm chất tốt đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ!

Trần Quang Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực