“Bén duyên” với Triết học
Vốn là sinh viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, trong quá trình học, anh Định tích cực tham gia vào phong trào nghiên cứu khoa học do trường phát động. “Việc tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, buộc tôi phải dành thời gian tìm tòi, nghiên cứu, nghiền ngẫm từng vấn đề. Có một số đề tài tôi tham gia đã đoạt giải của khoa, của trường, đó là một niềm vui khôn tả với sinh viên trẻ như tôi”. Viên gạch đầu tiên này tạo cho anh Định niềm tin dấn thân vào con đường nghiên cứu, tìm hiểu kỹ hơn về bộ môn Triết. “Thế nhưng sau này, do quá ít người đăng ký học Khoa Triết nên nhà trường dồn tất cả các sinh viên sang học chuyên ngành Quản lý xã hội. Học được một học kỳ, tôi cảm thấy mình vẫn yêu mến bộ môn này, tôi đã làm đơn bày tỏ nguyện vọng quay trở lại học bộ môn Triết học" - anh Định chia sẻ.
PGS,TS Đặng Quang Định
Cũng theo anh Định: Triết học tuy khó nhưng không hề xa lạ, đó là những bài học nhân sinh sâu sắc, càng nghiên cứu sâu về triết học chúng ta sẽ càng cảm thấy triết học rất thi vị chứ không “khô cứng” hay khó hiểu. Muốn giảng dạy thành công bộ môn này, người dạy phải thực sự vững vàng về mặt kiến thức, nội dung đóng vai trò quyết định phương pháp giảng dạy. Nắm chắc được những điều này nên 19 năm công tác dưới mái trường Đảng mang tên Bác, anh Định luôn được nhiều thế hệ học viên nhắc đến với những tình cảm đặc biệt.
Ở bất kỳ cương vị nào, khi đứng trên bục giảng hay nhà quản lý anh Định luôn nỗ lực không ngừng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Anh cho biết: khi đứng trên bục giảng việc đầu tiên anh hướng đến là truyền cho học viên nhiệt huyết. Bằng cả tấm lòng của mình, anh truyền lại cho học viên những kiến thức đã nghiên cứu, đúc kết trong nhiều năm. Đặc biệt hơn khi giảng dạy cho đối tượng học viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là những cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp của Đảng và Nhà nước; những học viên của Học viện là những cán bộ đi học, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn phong phú, có sự trải nghiệm sâu sắc nên việc giảng dạy tại Học viện cũng có những đòi hỏi cao hơn so với giảng dạy sinh viên đại học.
Ngoài những kiến thức cơ bản, nền tảng của triết học, người dạy phải biết liên hệ lý luận với thực tiễn để giải quyết những vấn đề của thực tiễn đặt ra; phải dùng triết học để phân tích những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, có sự trao đổi, tranh luận và có sự định hướng về tư tưởng, nhận thức cho học viên. Muốn vậy, ngoài những kiến thức lý luận, bản thân anh thường xuyên trau dồi kiến thức từ nghiên cứu, từ thực tiễn cuộc sống để tránh áp đặt suy nghĩ hoặc định hướng suy nghĩ của học viên theo khuôn mẫu.
Hơn một năm được cử đi biệt phái tại các tỉnh miền tây Nam bộ cho anh những trải nghiệm khó quên. “Một năm ở đó tôi sống thực sự mặn mòi với người dân miền Tây, được trải nghiệm thực sự với con người, lối sống, văn hóa của người dân nơi đây. Chính điều đó khiến tôi trưởng thành trong suy nghĩ, hành động. Những điều trải nghiệm từ thực tế giúp tôi làm sinh động hơn cho những bài giảng”.
Không chỉ đam mê với công tác giảng dạy, từ khi còn là sinh viên, PGS,TS Đặng Quang Định đã sớm có tư duy nghiên cứu khoa học. Phó Viện trưởng Viện Triết học luôn trăn trở, tìm cách tiếp cận đa chiều, tìm ý tưởng mới, phát hiện và mạnh dạn đề xuất những vấn đề mới. PGS,TS Đặng Quang Định cho rằng, công tác nghiên cứu khoa học là phải có phản biện, bản thân mình phải tự phản biện, tìm lời giải cho chính vấn đề mình nêu ra. Bởi vậy anh đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu từ sách vở, học hỏi từ những người thầy đi trước, từ đồng nghiệp và trong chính những học viên của mình.
Đến nay, anh đã sở hữu nhiều công trình nghiên cứu khoa học, hàng trăm bài viết đăng trên các tạp chí, chủ biên, đồng chủ biên nhiều cuốn sách và các giáo trình…"Những công trình nghiên cứu của tôi tuy không nhiều nhưng tôi cảm thấy vui vì những bài viết, những công trình nghiên cứu của mình có ý nghĩa trực tiếp với việc nghiên cứu, học tập và giảng dạy của học viên, tiêu biểu như cuốn sách "Hỏi - đáp về Triết học" hay cuốn sách tham khảo về vai trò của lợi ích đối với sự phát triển của xã hội…” -PGS,TS Đặng Quang Định chia sẻ.
Ai cũng có thể học tập Bác để trở thành người có ích
Bản thân luôn cảm thấy vinh dự, tự hào khi được là một cán bộ của Học viện – trung tâm quốc gia duy nhất có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cho hệ thống chính trị; đồng thời là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học về lý luận chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh…, tại đây, anh không chỉ có cơ hội thể hiện đam mê nghiên cứu khoa học mà anh được tiếp xúc, làm việc với những người thầy, những giáo sư, tiến sĩ đầu ngành nghiên cứu về lý luận, những nhà quản lý có tài, có lý tưởng thôi thúc anh nỗ lực nhiều hơn.
PGS,TS Đặng Quang Định nhận giải Khuyến khích Cuộc thi viết “Cán bộ, đảng viên các cơ quan Đảng Trung ương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Khối thi đua các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức tháng 5 năm 2019
Theo Viện phó Viện Triết, việc học và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên, hàng ngày. “Lúc đầu, khi trở thành người cán bộ Học viện, được nghe những yêu cầu về việc học tập, làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tôi cảm thấy là việc làm rất khó. Nhưng được tiếp xúc, được làm việc với những người thầy, những nhà quản lý có tầm, có tâm của Học viện đã giúp tôi hiểu rằng, xung quanh chúng ta, đã có những con người học được nhiều phẩm chất, tác phong, đạo đức của Bác. Họ đang âm thầm có những cống hiến cho đời. Nhìn họ, tôi soi lại bản thân mình để cố gắng nhiều hơn” - anh Định bộc bạch.
Theo PGS, TS Đặng Quang Định, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không có nghĩa là học để trở thành người như Bác, mà mọi người đều có thể học tập Bác để trở thành một con người tốt hơn và có ích cho đời hơn...
Mới đây, với tác phẩm "Học tập Bác từ cuộc sống hôm nay" anh vinh dự được trao giải Khuyến khích trong Cuộc thi viết “Cán bộ, đảng viên các cơ quan Đảng Trung ương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Khối thi đua các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức tháng 5 năm 2019.
Chia sẻ về những kế hoạch và dự định trong thời gian tới, PGS,TS Đặng Quang Định cho biết: Bên cạnh công việc quản lý và giảng dạy, anh sẽ tiếp tục tìm tòi những đề tài mới, viết sách nghiên cứu phục vụ cho công tác học tập của học viên. Bên cạnh đó anh tiếp tục trau dồi cho bản thân những kiến thức, kinh nghiệm từ thực tiễn để bổ sung vào nguồn tri thức của mình, phục vụ tốt hơn cho công việc, xứng đáng với sự tin tưởng của lãnh đạo, sự tin yêu của đồng nghiệp.
“Là PGS,TS tuổi còn trẻ nhưng đồng chí Đặng Quang Định đã có những nỗ lực không ngừng, là một giảng viên, một quản lý có trình độ, chuyên môn tốt. Với vai trò là một Phó bí thư chi bộ, đồng chí luôn thực hiện tốt vai trò của mình, gắn kết sức mạnh của từng đảng viên, tạo nên một chi bộ vững mạnh. Nhiều năm liền, Viện Triết luôn đứng đầu trong các phong trào thi đua, được lãnh đạo Học viện đánh giá cao” - GS,TS Trần Văn Phòng, Viện trưởng Viện Triết đánh giá./.