Sẵn sàng cất cánh bảo vệ vững chắc vùng trời, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc

Thứ sáu, 05/04/2024 15:50
(ĐCSVN) - Là Biên đội trưởng, Phi đội 2, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không - Không quân, Đại úy Lê Văn Tùng vừa vinh dự là 1 trong 9 Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2023.

Có ông nội và ông ngoại đều tham gia quân ngũ, 18 tuổi, chàng trai quê Nam Trực, Nam Định quyết định đăng ký khám tuyển phi công quân sự nối nghiệp ông cha. Vượt qua các vòng khám tuyển khắt khe mà nhiều người có ước mơ chinh phục bầu trời phải dừng bước, Lê Văn Tùng chính thức trúng tuyển, trở thành chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ở tuổi 31, Đại úy Lê Văn Tùng đã trải qua hơn 600 giờ bay tích lũy trong các nhiệm vụ.

Giờ đây, ở tuổi 31, trải qua hơn 600 giờ bay tích lũy trong các nhiệm vụ, Đại úy Lê Văn Tùng vẫn không quên được kỷ niệm của những ngày đầu. "Lúc đó, khó nhất và ấn tượng nhất với tôi chính là nhảy dù huấn luyện. Dù đã nằm lòng kỹ thuật nhưng phải thật sự bản lĩnh và chuẩn bị tâm lý thật tốt thì mới có thể nhảy ra khỏi máy bay từ độ cao hàng nghìn mét, nhất là ở lần đầu tiên bởi ở độ cao này, cơ thể chịu áp lực rất lớn từ dòng khí và bị xoay, lộn rất nhiều vòng. Khi dù bung ra phải nhanh chóng ổn định để lái, điều khiển tiếp đất an toàn", người lính sinh năm 1993 nói. 

Dù tuổi đời còn trẻ nhưng anh cũng không hổ danh là một trong những phi công giỏi của Không quân nhân dân Việt Nam khi ở tuổi 30. Tại Hội thao dẫn đường lực lượng Không quân toàn quân và diễn tập bắn ném bom, đạn thật diễn ra tại trường bắn Như Xuân (Thanh Hóa) vào tháng 7/2023, Đại úy Lê Văn Tùng có cú bổ nhào cắt bom chuẩn xác ở độ cao 2.500m, gây ấn tượng mạnh với những ai được chứng kiến. 

“Bổ nhào ném bom là ném bom trong điều kiện máy bay lao xuống với góc xuống lớn, tốc độ tăng nhanh và độ cao mất nhanh. Thời gian ngắm bắn chỉ từ 10 đến 15 giây, sau khi ném bom nếu không thoát ly kịp thời thì sẽ bị sát thương bởi chính mảnh văng quả bom mình ném ra. Đến độ cao 1.500m, xác định góc bổ nhào hơi nhỏ nên tôi tính toán phải lấy độ cao để bù vào, chính vì vậy cần phải cắt bom ở độ cao thấp hơn. Khi thời cơ đến, tôi tiến hành cắt bom rồi thoát ly về sân bay, hạ cánh an toàn”, anh giải thích.

Bằng kinh nghiệm dạn dày, cậu học viên ngày nào giờ đây cùng nhóm tác giả ở Trường Sĩ quan Không quân đã cho ra đời sáng kiến “Thiết kế và chế tạo mô hình hệ thống dẫn đường quán tính không giá”. Sáng kiến đã đoạt giải Ba Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 23 và được đưa vào giảng dạy cho các học viên phi công quân sự. Cùng với đó, anh còn thường xuyên tham gia làm nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu; bay nhiệm vụ trinh sát tuần tiễu trên đất, trên biển... và gặt hái được những thành tích nổi bật như: Chiến sĩ thi đua cơ sở 4 năm liền (2020 - 2023); Giấy khen Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 04 năm liền (2020 - 2023); danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2023 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đại úy Lê Văn Tùng (thứ 5 từ phải qua) nhận giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2023.

Nhận giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2023, Đại úy Lê Văn Tùng tâm sự: "Khi được bay lên làm chủ bầu trời, làm chủ trang thiết bị hiện đại, được nhìn ngắm đất nước từ trên cao, hình ảnh đất nước tươi đẹp, rộng lớn hiện ra trước mắt thôi thúc trong tôi cần phải tích cực học tập, rèn luyện, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ về mọi mặt nhiều hơn nữa để sẵn sàng cất cánh bảo vệ vững chắc vùng trời, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc!"./.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực