Tác phẩm Tự chỉ trích của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ

Thứ tư, 18/09/2019 14:05
(ĐCSVN) - Trước khi vào Nam chỉ đạo và chuẩn bị Hội nghị Trung ương tháng 11-1939, đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tổng Bí thư của Đảng tạm lánh ở gác xép trên sân thượng của Nhà băng Đông Dương (nay là Trụ sở của Ngân hàng quốc gia Việt Nam).

Tại đây, đồng chí viết cuốn Tự chỉ trích. Nhà xuất bản Dân chúng phát hành cuốn sách này vào ngày 20-7-1939 tại Hà Nội.

Tác phẩm ra đời đã kịp thời lãnh đạo và giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân lao động đang tranh luận và bàn tán về nguyên nhân thất bại của Mặt trận Dân chủ trong việc tranh cử vào Hội đồng Quản hạt ở Nam Kỳ.

Tác phẩm Tự chỉ trích gồm các phần: 1. Nguyên tắc tự phê bình và phê bình của Đảng; 2. Bài học về cuộc tuyển cử Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ; 3. Đấu tranh về bảo vệ đường lối Mặt trận Dân chủ của Đảng chống tả khuynh và hữu khuynh; 4. Tóm tắt đường lối chiến lược và sách lược của Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

Đồng chí nhấn mạnh: để tạo được sự thống nhất tư tưởng, mỗi đảng viên cần nhận rõ nguyên tắc phê bình trong Đảng. Đảng còn trẻ nên còn nhiều khuyết điểm, sai lầm, nhưng Đảng sẽ luôn luôn tự chỉ trích thành thật và mạnh dạn, không phải là làm yếu Đảng, mà để Đảng ngày càng thống nhất tư tưởng và hành động.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ (1912 - 1941)
Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Đồng chí chỉ ra những nguyên nhân chủ quan góp phần dẫn đến thất bại trong cuộc tổng tuyển cử: Mặt trận Dân chủ chưa thành lập được vì ta chưa mạnh; ta còn những khuyết điểm về cách tuyên truyền và ứng dụng chính sách Đảng: “nói chung, sự tuyên truyền vận động của ta từ trước đến giờ vẫn còn nhiều tính chất trừu tượng; nhiều di tích cô độc"; sự khinh thường Tờrốtkít "sự khinh thường này đã thành một cái bệnh ăn sâu trong đầu óc nhiều đồng chí ta".

Trong phần ba, đồng chí phê phán hai khuynh hướng sai lầm trong Đảng và nhấn mạnh: Đảng phải chiến thắng những xu hướng sai lầm trong hàng ngũ làm cho Đảng cách xa quần chúng, lãng quên sự tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, rời bỏ những nguyên tắc cách mạng.

Về đường lối chiến lược và sách lược của Mặt trận, đồng chí nêu bật những vấn đề về mối quan hệ hữu cơ giữa nhiệm vụ chiến lược và chỉ đạo thực hiện chiến lược của Đảng trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Đó là "cái cốt yếu của chính sách Mặt trận Dân chủ mà Đảng Cộng sản đề xướng và đang thực hành". Muốn lãnh đạo Mặt trận Dân chủ Đông Dương, Đảng phải giữ độc lập về chính trị và tổ chức, giữ quyền lãnh dạo của giai cấp công nhân. Mặt trận phải được xây dựng trên cơ sở quần chúng rộng rãi lấy liên minh công nông làm nền tảng. Để thành lập được Mặt trận Dân chủ Đông Dương, phải phát động một phong trào đấu tranh sâu rộng trong quần chúng, chống lại khuynh hướng “tả" và “hữu”, biết lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, phân biệt kẻ thù nguy hiểm cụ thể trước mắt với kẻ thù nói chung.

Tự chỉ trích có ý nghĩa và tác dụng quan trọng trong cuộc đấu tranh tư tưởng trong Đảng; tác phẩm chỉ rõ những nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng, toàn dân ta trong cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, hoà bình. Đây thực sự là một công cụ sắc bén trong cuộc đấu tranh phê bình và tự phê bình trong Đảng, làm cho Đảng ngày càng thống nhất về tư tưởng và hành động, quần chúng nhân dân càng tin tưởng vào đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng.

---------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, tr.653-655, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực