Bài 1: Nhớ lời Bác dạy “Phải thực hiện nếp sống mới, lành mạnh, vui tươi”

Loạt bài: “LẤY CÁI ĐẸP DẸP CÁI XẤU”, XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN MINH VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ
Thứ hai, 01/05/2023 18:25
(ĐCSVN) - Sinh thời, trong nhiều bài nói chuyện với cán bộ, đồng bào dân tộc thiểu số, Bác Hồ thường xuyên nhắc nhở phải xây dựng thuần phong mỹ tục, xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Bởi theo Bác: “Nước ta là một nước xã hội chủ nghĩa. Trong nước xã hội chủ nghĩa thì mọi người công dân phải có đạo đức xã hội chủ nghĩa”.
 Bác Hồ với các phụ nữ dân tộc thiểu số (ảnh tư liệu)

Nói chuyện với cán bộ và đại biểu nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai (ngày 24/9/1958), Bác nói: “Vì phong tục cũ, vì hoàn cảnh lạc hậu có nơi còn giữ mê tín, hại vệ sinh, hại sức khỏe và có nơi còn hại đến việc sống còn của dân tộc…”

Chẳng hạn, về cưới hỏi, Bác phê bình: “có nơi bé tý tẹo đã lấy vợ, lấy chồng, làm mâm cỗ thật nhiều. Phải bán trâu, bán ruộng để ăn bừa bãi hai ba bữa rồi sau hai đứa con phải trả nợ mãi không hết. Thế là không tốt”.

Tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi (ngày 31/8/1963), Người day dứt: “con đồng chí A lấy con gái đồng chí B, đến khi về nhà chồng, cô dâu còn bé khóc lóc và đòi trả về nhà mẹ”. “Những hủ tục khác như cúng bái ma chay còn nhiều. Có nơi nuôi gà, nuôi lợn được bao nhiêu giết để cúng gần hết”.

“Đám cưới như thế, đám ma cũng thế. Thường thì chôn cất cũng đủ nhưng cứ phải chén. Thế rồi cũng bán thóc, bán trâu, bán ruộng” - Bác thẳng thắn nêu tại buổi nói chuyện với đồng bào tỉnh Yên Bái ngày 25/9/1958.

Bác trăn trở: “Đồng bào còn tục lệ ma chay, cưới hỏi ăn uống lu bù. Mình ăn vài bữa nhưng nhà có con cưới hỏi, có người chết thì mắc nợ phải đi vay. Phải bán trâu, bán ruộng. Thế là xa xỉ.”

Tại Hội nghị cán bộ phụ nữ miền núi (ngày 19/3/1964), Bác nói: “Ở miền núi đang còn những phong tục không tốt do bọn phong kiến để lại, như: ma chay, cúng bái rất tốn kém. Cưới vợ, gả chồng quá sớm. Vệ sinh phòng bệnh, v.v. còn kém. Đó là những mê tín và hủ tục nên xóa bỏ, để xây dựng mỹ tục thuần phong”.

Một vấn đề nữa Người thường xuyên nhắc nhở đồng bào là phải tiết kiệm. Tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi, Bác nhận xét: “Về mặt kinh tế, đồng bào miền núi nhiều nơi còn chưa biết tiết kiệm. Có bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu. Ăn, cúng, cưới xin đều chưa biết tiết kiệm”.

Bác nêu câu hỏi khi nói chuyện với đồng bào tỉnh Yên Bái: “Vì sao phải tiết kiệm?” rồi giải thích: “Ví dụ mỗi gia đình trước kia thu được 1 tấn. Bây giờ nhờ có phân bón nên được 2 tấn. Thế là có tăng gia. Tăng gia nhiều đấy. Nhưng làm được bao nhiêu lại chén hết, như thế kết quả cũng như không. Đồng bào ta đây có nhiều điểm tốt, nhưng cũng còn có khuyết điểm cần phải sửa chữa dần dần. Hỏi có tiết kiệm không? Cũng có tiết kiệm, nhưng lúc đám cưới, mời họ nội, họ ngoại chè chén linh đình, 2 bữa say sưa bằng thích. Nhưng sau đấy nhà trai, nhà gái phải bán trâu, bò, thóc, bán ruộng, đi vay nợ”.

Nói chuyện với cán bộ, bộ đội và nhân dân tỉnh Hòa Bình (ngày 19/10/1958), Bác chỉ ra thực trạng: “Đồng bào nấu rượu và uống rượu nhiều quá. Lâu lâu uống một chút thì không sao, nhưng uống nhiều thì không tốt vì: rượu nấu bằng gạo nên tốn gạo; uống nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe”.

“Thế là không tốt. Mà đã không tốt là xấu. Đã xấu thì phải sửa” - Bác yêu cầu. “Phải tiết kiệm lương thực. Khi được mùa phải phòng khi mất mùa. Không nên dùng thóc gạo nấu rượu” - Bác căn dặn đồng bào và cán bộ tỉnh Thanh Hóa.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một gia đình đồng bào dân tộc Dao ở xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 1952 (ảnh tư liệu)

Bác gợi ý khi nói chuyện với đồng bào và cán bộ huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La (ngày 8/5/1959): “Ví dụ làm được 200 gánh thì ăn mặc một phần, rượu bớt đi, cưới cũng giảm, ma chay cũng giảm bớt, còn thừa đem bán mua thêm trâu, bò, nông cụ để năm sau sản xuất được nhiều hơn nữa” .

Bác giảng giải: “Bây giờ ai cũng tiết kiệm từ trên xuống dưới, từ thành thị đến nông thôn đều tiết kiệm, mỗi người mỗi ngày bớt một dúm gạo thôi, mỗi tháng mỗi người dành được nửa kilô. Trong kháng chiến chúng ta đã làm được. Làm như thế trong tỉnh nhà (Yên Bái), mỗi năm tiết kiệm được 750 tấn gạo. Với 750 tấn gạo, đồng bào làm được bao nhiêu việc to tát”.

Nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Lạng Sơn (23/2/1960), Bác quán triệt: “Chúng ta phải chống lãng phí sức người, sức của. Không nên được mùa mà ăn xài bừa bãi, lãng phí sức của. Không nên chơi bời lêu lổng, như đi chơi một phiên chợ mất 3 ngày, lãng phí sức người”.

Một vấn đề nữa được Bác quan tâm ở vùng miền núi, dân tộc đó là “các cháu bé thường thường đau mắt hột, bụng to” vì không biết giữ vệ sinh. Bác hỏi đồng bào huyện Yên Châu: “Đồng bào có muốn có sức khỏe để sản xuất không? Có muốn con cháu mình không đau mắt hột, không bụng to thế này không”?

“Sức càng khỏe thì lao động sản xuất càng tốt” - Bác giải thích với đồng bào và cán bộ tỉnh Cao Bằng (ngày 21/2/1961). Và căn dặn trong bài nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang (ngày 19/3/1961): “Vấn đề vệ sinh: Cũng cần đẩy mạnh hơn nữa. Phải tuyên truyền một cách thiết thực và rộng khắp trong nhân dân, gây một phong trào thể dục vệ sinh” và “làm cho đồng bào hiểu rõ: phải giữ gìn vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch thì sức mới khoẻ”.

Nghiên cứu tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong các bức thư, điện, bài nói chuyện của Người với cán bộ, đồng bào các dân tộc thiểu số, có thể thấy, một số hủ tục lạc hậu mà Người chỉ đích danh và chỉ đạo phải xoá bỏ gồm: tổ chức đám cưới, đám tang, lễ hội nhiều ngày, ăn uống linh đình, uống nhiều rượu, chi tiêu lãng phí, không tiết kiệm dẫn đến nợ nần, phải bán thóc, trâu, ruộng…; tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; ăn, ở thiếu vệ sinh…

Người giải thích trong bài nói chuyện với nhân dân và cán bộ tỉnh Hà Bắc (ngày 17/10/1963): “Nước ta là một nước xã hội chủ nghĩa. Trong nước xã hội chủ nghĩa thì mọi người công dân phải có đạo đức xã hội chủ nghĩa, tức là đoàn kết chặt chẽ, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, ra sức góp phần làm cho nước mạnh, dân giàu, phát triển thuần phong mỹ tục. Vì vậy, phải chấm dứt những tệ nạn xấu xa do xã hội cũ để lại, như lười biếng, cờ bạc, tệ nấu rượu lậu, buôn gian bán lận, tiêu xài xa xỉ, gả bán cưỡng ép, v.v.. Chúng ta phải thực hiện nếp sống mới, lành mạnh, vui tươi, một nếp sống xã hội chủ nghĩa”./.

 

Bài 2: Hủ tục vẫn hiện diện trong nhiều mặt của đời sống xã hội

Bài 3: Tại sao tập tục lạc hậu vẫn tồn tại ở vùng dân tộc thiểu số?

Bài 4: Đa dạng cách thức bài trừ hủ tục lạc hậu - Nhìn từ Hà Giang

Bài 5: “Văn hoá soi đưng cho quc dân đi”!

Phương Liên - Hải Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực