|
Một đám ma khô của dân tộc Bố Y ở huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang (ảnh do CTV cung cấp) |
Bài trừ tập tục lạc hậu là vấn đề nhạy cảm trong đời sống của cộng đồng, vì đời sống tinh thần của đồng bào được gắn kết chặt chẽ bởi truyền thống văn hoá, các phong tục tập quán, luật tục… Mỗi phong tục tập quán đều ra đời trong bối cảnh xã hội nhất định, được cộng đồng thừa nhận và tự giác tuân thủ. Nó là một phần của hệ thống văn hoá cổ truyền, là sản phẩm lịch sử, mang tính đặc thù của địa phương, kết quả duy trì bản sắc văn hoá dân tộc. Đó chính là nền tảng tinh thần tạo nên sự cố kết cộng đồng bền chặt, lâu dài trong lịch sử.
Một trong những đặc điểm nổi bật của các DTTS ở nước ta là sinh sống đan xen lẫn nhau và đan xen với dân tộc đa số. Không có đơn vị hành chính (xã, huyện, tỉnh) nào chỉ có một dân tộc sinh sống. Xu hướng đan xen giữa các dân tộc ngày càng trở nên phổ biến.
Trải qua thời gian và trong quá trình cộng cư đan xen thì giao lưu văn hóa giữa các dân tộc là tất yếu và ngày càng mở rộng. Phong tục tập quán của các dân tộc vì thế cũng có sự biến đổi ít nhiều để thích nghi với truyền thống, với nền tảng văn hoá bản địa. Tuy vậy, nhiều cái mới ra đời nhưng chưa hoàn toàn thắng thế, một số yếu tố đã lạc hậu, lỗi thời nhưng vẫn tồn tại dai dẳng mà nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận người dân ngộ nhận cho rằng mọi phong tục tập quán truyền thống đều tốt đẹp và triệt để tuân theo như một cách hữu hiệu để bảo tồn bản sắc văn hoá tộc người. Đứng ở các góc độ khác nhau để xem xét, chúng ta có thể lý giải vì sao các tập tục lạc hậu vẫn còn chỗ đứng trong một bộ phận người DTTS.
Xét từ góc độ tôn giáo, tín ngưỡng
Theo PGS.TS Hoàng Thị Lan - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đại đa số các DTTS ở Việt Nam có truyền thống tín ngưỡng đa thần, thờ cúng rất nhiều vị thần linh khác nhau.
Lịch sử phát triển của tôn giáo, tín ngưỡng cho thấy trình độ phát triển của tôn giáo, tín ngưỡng gắn liền với trình độ phát triển của dân tộc. Khi xã hội loài người còn ở thời kỳ thị tộc, bộ lạc, Saman giáo (tin rằng một người nào đó có khả năng đặc biệt làm trung gian giao tiếp giữa thế giới trần tục và thế giới siêu nhiên, giữa con người và thần, thánh…) là một trong những hình thức tôn giáo sơ khai đã hình thành và vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Điều này lý giải tại sao thầy cúng vẫn có có mặt trong đời sống tín ngưỡng, trong các sự kiện quan trọng của đồng bào.
|
Có khá nhiều gia đình người DTTS vẫn mê tín mời thầy cúng về đuổi ma chữa bệnh (ảnh: Việt Hoàng) |
TS. Vũ Thị Hà công tác tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam khi tìm hiểu tiếng nói của những “người trong cuộc” hay chủ thể văn hóa là người Dao Đỏ và người Dao Áo dài ở Hà Giang về việc thực hành nghi lễ đang diễn ra trong bối cảnh đương đại đã phát hiện ra rằng: “Cội nguồn niềm tin vào thế giới tâm linh của người Dao chính là niềm tin vào các vị thần linh, các loại ma (ma lành, ma ác, tổ tiên...) đang song hành và chi phối cuộc sống của họ”.
Để minh chứng cho nhận định của TS. Vũ Thị Hà, thầy giáo Triệu Là C, người Dao Đỏ ở xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang nói: “Hiện nay, nếu một gia đình có người nào đó ốm đau, họ cho người ốm đi bệnh viện nhưng ở nhà họ vẫn kết hợp cúng”. Còn thầy cúng Đặng Minh Q, người Dao Áo dài, xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên với đức tin của riêng mình cho biết: “Chục năm trước mình ốm quá, đi bệnh viện không khỏi; bói thì do bị hạn. Mình phải mời thầy về làm lễ giải hạn, từ đấy sức khỏe tốt lên. Đến giờ mình vẫn treo con cá và bông lúa của lễ giải hạn hồi đấy trước cửa ra vào. Con cá đấy nó giữ hồn mình đấy”.
Theo TS. Vũ Thị Hà, thông qua hiệu quả vô hình không chứng minh được bằng khoa học, một bộ phận đồng bào vẫn tin vào sức mạnh của thần linh và các loại ma. Đối với họ, những ốm đau, tai ương phải gánh chịu không phải xuất phát từ sự “đòi hỏi” của các vị thần linh và các loại ma (không kể ma ác) mà do các vấn đề từ chính bản thân con người. Những ốm đau, tai ương ấy là sự cảnh báo về những việc làm không đúng, những vi phạm của con người... để từ đó, con người phải cậy nhờ, cầu xin các vị thần linh trợ giúp thông qua các thầy saman, thầy cúng, thầy tào; sau đó tự điều chỉnh hành vi, thái độ của mình để tránh những tai họa lớn hơn xảy đến. Với những nhận thức đó, họ không chối bỏ các nghi lễ mà chỉ điều chỉnh để các nghi lễ phù hợp hơn với hoàn cảnh của riêng mình. Từ đó, việc thực hành nghi lễ với mục đích tâm linh vẫn được duy trì.
Xét từ góc độ tộc người
Nhiều vùng đồng bào DTTS hiện vẫn đang đứng trước những khó khăn của sự phát triển. Đó là quy luật về sự phát triển không đều giữa các dân tộc, điều kiện địa lý phức tạp, giao thông chia cắt, dân cư phân tán, trình độ dân trí, trình độ sản xuất thấp, nguồn nhân lực thiếu và yếu… Đời sống của một bộ phận lớn đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao; chênh lệch giàu nghèo, chênh lệch về trình độ phát triển văn hoá, xã hội… giữa các vùng miền, giữa DTTS với dân tộc đa số có xu hướng ngày càng doãng ra…
|
(Nguồn: Kết quả Điều tra thu thập thông tin về thực trạng KT-XH của 53 DTTS lần thứ II năm 2019) |
Khi đời sống vật chất (ăn, ở, mặc, đi lại…) và đời sống tinh thần (xem, nghe, nhìn) của đồng bào còn khó khăn, thể hiện qua các con số: 51/53 DTTS có tỷ lệ hộ dưới 10% sở hữu máy tính và tiếp cận với Internet; 7% số hộ chưa được sử dụng điện lưới quốc gia; khoảng 21% người DTTS trên 15 tuổi chưa đọc thông viết thạo tiếng phổ thông… thì cơ hội tiếp cận văn hoá thông tin, khoa học kỹ thuật tiến bộ, văn minh bị hạn chế nhiều. Ước vọng được bù đắp những thiếu hụt về vật chất, tinh thần càng khiến đồng bào dễ mê muội và tìm đến bấu víu vào sự che chở, phù hộ của đất trời, thần linh. Đây chính là điều kiện để cái lạc hậu, lỗi thời vẫn còn “đất” bám và nếu có cơ hội là trỗi dậy phát triển.
Xét ở góc độ thiết chế xã hội truyền thống
Ở vùng DTTS, thiết chế xã hội truyền thống còn đơn giản, mang tính tự quản là chính. Đời sống tinh thần của đồng bào gắn kết chặt chẽ với truyền thống văn hoá, phong tục tập quán, luật tục mà hàng nghìn năm nay, các yếu tố này luôn giữ vai trò quan trọng trong điều hành, quản lý xã hội, giữ thăng bằng cho sự phát triển của cộng đồng.
Trong các buôn, làng, bản, phum sóc, các “luật”, “lệ” của thiết chế văn hóa xưa vẫn tồn tại song hành với các quy ước, hương ước được xây dựng theo tổ chức xã hội của chính quyền hiện nay.
Bên cạnh những giá trị tích cực, có những phong tục, tập quán, thói quen đã tồn tại trong đời sống của đồng bào từ rất lâu, được lưu truyền qua rất nhiều thế hệ cho đến ngày hôm nay nên một bộ phận đồng bào không nhận thức rõ, không phân biệt được đâu là những phong tục tập quán tốt đẹp cần phải lưu giữ, phát huy; đâu là những yếu tố đã lỗi thời, lạc hậu, có hại cần phải được bài trừ.
Khi phong tục tập quán vượt ra ngoài giới hạn của văn hóa sẽ trở thành rào cản đối với sự phát triển của cá nhân, gia đình, dòng họ, tộc người và xã hội, thậm chí trở thành tệ nạn gây nguy hại đối với xã hội.
Thực tế cho thấy, tập tục ma chay, cưới hỏi dài ngày, giết mổ nhiều gia súc, chi phí cúng bái lớn đang gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền của và là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo hoặc làm trầm trọng thêm tình hình đói nghèo trong một bộ phận đồng bào DTTS. Những tập tục lạc hậu trong ăn, ở, hôn nhân, sinh đẻ, chữa bệnh gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, việc duy trì nòi giống và chất lượng nguồn nhân lực. Những tập tục lạc hậu trong tín ngưỡng, tâm linh dễ bị lợi dụng để truyền bá những điều trái với đạo lý và luật pháp, cản trở việc xây dựng thôn bản, gia đình văn hoá… Thực tế đó đặt ra yêu cầu phải thải loại bằng được hủ tục lạc hậu ra khỏi đời sống xã hội của đồng bào./.
Bài 4: Đa dạng cách thức bài trừ hủ tục lạc hậu - Nhìn từ Hà Giang
Bài 5: “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”!