Bài 4: Đa dạng cách thức bài trừ hủ tục lạc hậu - Nhìn từ Hà Giang

Loạt bài: “LẤY CÁI ĐẸP DẸP CÁI XẤU”, XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN MINH VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ
Thứ hai, 15/05/2023 19:32
(ĐCSVN) - Hai năm nay, ở tỉnh Hà Giang, việc cưới, việc tang đã thay đổi theo hướng văn minh, gọn nhẹ, tiết kiệm. Hàng nghìn hộ đã di dời chuồng trại ra xa nhà; cải tạo, làm mới nhà vệ sinh, nhà tắm... Những thành công này chứng minh hiệu quả cách làm của Hà Giang trong việc bài trừ hủ tục, trở thành bài học kinh nghiệm quý có thể tham khảo.

Bài 1: Nhớ lời Bác dạy “Phải thực hiện nếp sống mới, lành mạnh, vui tươi”

Bài 2: Hủ tục vẫn hiện diện trong nhiều mặt của đời sống xã hội

Bài 3: Tại sao tập tục lạc hậu vẫn tồn tại ở vùng dân tộc thiểu số

Đề cao trách nhiệm lãnh đạo của cấp uỷ và vai trò nêu gương của đảng viên

Hà Giang là tỉnh vùng cao, biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 87,7% dân số. Theo đánh giá của Tỉnh uỷ, Hà Giang còn tồn tại một số hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong đồng bào các dân tộc.

Với quyết tâm lựa chọn và đột phá vào những vấn đề khó để tạo ra sự thay đổi, chuyển biến mạnh mẽ trong nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 10/5/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng bài trừ các hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào DTTS.

Ngày 01/5/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành tiếp Nghị quyết số 27-NQ/TU thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình triển khai thực hiện là “Thường xuyên, liên tục, hiệu quả, bền vững”.

Lãnh đạo tỉnh Hà Giang khen thưởng cho những tập thể có nhiều thành tích trong công tác bài trừ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh (ảnh: Văn Nghị) 

Căn cứ vào chỉ thị và nghị quyết của Tỉnh uỷ, cấp uỷ các cấp trên cơ sở thực tiễn của địa phương, đơn vị đã ban hành nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác bài trừ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân

Các cấp ủy đều giao trách nhiệm cho đảng viên tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và nhân dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Tổ chức cho đảng viên ký cam kết gương mẫu thực hiện xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh.

Tại huyện Yên Minh, đồng chí Sùng Mí Vư, Bí thư Đảng ủy xã Du Tiến đã nêu gương thuyết phục và ghi âm lời dặn của bố trước khi chết là đưa thi hài vào áo quan. Trên cương vị công tác, đồng chí đã tuyên truyền được ba dòng họ Sùng, Chảo, Vừ đưa ngay người chết vào áo quan.

Việc làm của đồng chí Vư đã tác động lớn đến nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong vùng. Theo đánh giá của Đảng bộ huyện Yên Minh, số đông đảng viên đã thực hiện tốt việc xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Nhiều đảng viên đã gương mẫu không tổ chức đám tang dài ngày, không giết mổ nhiểu gia súc…; không cho con cái tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…

Tại huyện Đồng Văn, đến hết tháng 12/2022, có 4.542 đảng viên ký cam kết nêu gương xóa bỏ hủ tục. Đi liền với việc khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân thực hiện tốt, huyện thể hiện thái độ kiên quyết khi lập biên bản nhắc nhở, phê bình, yêu cầu báo cáo giải trình đối với 01 cá nhân và 03 tổ chức Đảng để xảy ra giết mổ nhiều gia súc trong đám tang (01 cá nhân tổ chức đám tang cho bố đẻ trong thời gian 05 ngày; xã Hố Quáng Phìn có 01 đám giết mổ 06 con bò; xã Phố Cáo có 01 đám giết mổ 04 con bò, xã Sính Lủng có 01 đám giết mổ 03 con bò và trên 40 con lợn).

Đảng uỷ các xã, thị trấn cũng quyết liệt xử lý cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu để gia đình, người thân vi phạm các quy định về bài trừ hủ tục lạc hậu với hình thức nghiêm khắc: cho thôi chức vụ 01 bí thư chi bộ; khiển trách 02 đảng viên; xử lý hành chính 17 trường hợp với số tiền 35 triệu đồng.

Sự quyết liệt của Đảng bộ huyện Đồng Văn đã mang lại thành công. Trong 1.260 cặp đăng ký kết hôn có 727 cặp tổ chức tiệc mặn với nghi thức đơn giản, vui tươi, tiết kiệm trong phạm vi gia đình, thân tộc; 533 cặp chỉ tổ chức tiệc nhẹ với gia đình nội, ngoại.

Tại huyện Mèo Vạc, nơi dân tộc Mông chiếm 75% dân số, Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức gặp mặt cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Mông để trao đổi, lấy ý kiến vào dự thảo quy trình cải tiến trong đám tang; vận động cán bộ, đảng viên người Mông nêu gương và vận động gia đình, dòng họ mình xoá bỏ các hủ tục, nhất là trong đám tang…

Trong sinh hoạt cấp uỷ, tổ chức đảng, sinh hoạt cơ quan, đơn vị luôn thường xuyên kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh uỷ, coi đây là một trong những tiêu chí để xếp loại cán bộ, đảng viên hằng năm; nghiêm khắc phê bình, đấu tranh và xử lý kỷ luật thích đáng đối với cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu để gia đình, người thân vi phạm; không xếp thi đua, khen thưởng, không bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ, đảng viên mà bản thân là chủ hộ gia đình còn tham gia, duy trì các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu.

Mỗi cấp uỷ chỉ đạo một cách làm khác nhau, song kết quả đạt được cùng cho thấy, muốn công việc gì thành công đều cần vai trò lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp uỷ và sự tiên phong, gương mẫu của đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Thành lập Ban Chỉ đạo các cấp

Tại thôn Mục Lạn và thôn Vinh Ngọc, xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, nơi người dân tộc La Chí vẫn còn duy trì một số tập tục tang ma không phù hợp với đời sống mới. Trước thực trạng này, xã Tân Quang đã thành lập Ban Chỉ đạo xoá bỏ các hủ tục lạc hậu trên địa bàn.

Ban Chỉ đạo đã tổ chức ra mắt mô hình “Tổ chức tang lễ cho người quá cố dân tộc La Chí trên địa bàn xã”. Tại lễ ra mắt, 100% chủ hộ dân tộc La Chí đã ký kết xóa bỏ hủ tục và tổ chức lễ tang theo hương ước, quy ước của thôn.

Việc thành lập Ban Chỉ đạo xoá bỏ các hủ tục lạc hậu ở xã Tân Quang không phải là hoạt động tự phát mà nằm trong chủ trương của Tỉnh uỷ. Ở cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo được thành lập với 43 thành viên do Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm Trưởng ban; các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy là Phó Trưởng ban; thành viên là các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thủ trưởng các ban, sở, ngành cấp tỉnh, Bí thư các huyện ủy, thành ủy.

Theo chủ trương của tỉnh, 100% huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn đã thành lập Ban Chỉ đạo đảm bảo cơ cấu, thành phần. 100% thôn, tổ dân phố thành lập Tổ tuyên truyền, vận động gồm: trưởng ban là trưởng thôn hoặc trưởng các dòng họ lớn; phó ban là Trưởng ban công tác Mặt trận; thành viên gồm: Chi hội Phụ nữ, Chi đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, người có uy tín của các dòng họ, nghệ nhân dân gian. Nhiệm vụ chính của Tổ là tuyên truyền, vận động, giám sát, giúp đỡ nhân dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.    

Huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội

Phát huy vai trò tiên phong của đoàn viên Công đoàn, thực hiện trách nhiệm nêu gương gắn với đẩy mạnh thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động tỉnh đã hướng dẫn ký bản cam kết cá nhân gương mẫu thực hiện xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Bản cam kết cá nhân phải có chữ ký của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, giám đốc doanh nghiệp và chi bộ nơi cư trú, nhằm tạo ra sự giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện gắn với việc đánh giá, xác nhận hàng năm của nơi cư trú đối với đảng viên.

Đến ngày 20/4/2023, toàn tỉnh Hà Giang có 97% công đoàn cơ sở triển khai thực hiện; 96,5% đoàn viên công đoàn ký bản cam kết cá nhân. Khu vực hành chính sự nghiệp triển khai đạt 100%.

Kết quả ban đầu cho thấy, trong việc tang, 100% các cấp Công đoàn đã bỏ quy định mua bức trướng hoặc vòng hoa khi đi viếng đám hiếu đối với gia đình đoàn viên. Hầu hết đoàn viên Công đoàn đã bỏ việc rắc tiền Việt Nam đồng, vàng mã xuống đường khi đưa tang; không tổ chức đám ma quá 48 giờ; bỏ bớt lễ cúng tiến bằng giết mổ vật nuôi, chuyển sang chung lễ, đóng góp bằng tiền để cùng lo đám tang với gia chủ; bỏ bớt việc làm lễ tháo khăn tang sau 90 ngày đối với người Tày; giảm bớt việc mời thầy cúng, đưa người chết vào áo quan ngay khi làm lễ tang tại nhà, xóa bỏ hủ tục phơi nắng... Trong việc cưới, cơ bản đám cưới của bản thân, con em và người thân đoàn viên Công đoàn đều đăng ký kết hôn; không có trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Tổ chức Hội Phụ nữ đã chỉ đạo thành lập mới và nhân rộng mô hình/câu lạc bộ trong việc cưới, như mô hình: “Cưới văn minh, tiết kiệm”, “Không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”… thu hút hàng nghìn người tham gia.

Trong đời sống sinh hoạt là các mô hình: câu lạc bộ “Phụ nữ 3 không” (không ăn, ở mất vệ sinh; không vi phạm chính sách dân số; không mê tín dị đoan); mô hình “Chi hội phụ nữ gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh”, “Xoá bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu”, “Hội Nàng dâu họ Giàng tham gia xóa bỏ hủ tục lạc hậu”… Các cấp Hội Nông dân tích cực vào cuộc vận động hoãn hôn đối với 218 cặp có ý định tảo hôn; phối hợp tuyên truyền, vận động được 251 đám tang và 13 dòng họ của người Mông đưa người chết vào áo quan trước khi làm ma, 306 đám tang tổ chức không quá 48 tiếng, 182 đám tang không giết mổ nhiều gia súc, xây dựng và duy trì được 43 mô hình thực hiện xóa bỏ hủ tục.

Hội Cựu chiến binh tỉnh hướng dẫn mỗi huyện, thành phố lựa chọn 1-2 xã làm điểm, mỗi xã chọn 1-2 thôn bản để trực tiếp chỉ đạo, bước đầu thu được những kết quả đáng khích lệ. Năm 2022, Hội Cựu chiến binh huyện Quang Bình đã vận động tinh giản, lược bỏ những tập tục lạc hậu đối với 15 đám cưới là con, em của hội viên. Thời gian tổ chức đám ma trước kia kéo dài 3-4 ngày, nay trong không quá 48 giờ, chôn cất đảm bảo vệ sinh môi trường; lương thực, thực phẩm, tiền công cho thầy cúng giảm 1/3 so với tổng chi phí.

Tại Chi hội thôn Tiến Minh, xã Đường Hồng, huyện Bắc Mê, các hủ tục như thách cưới cao, nghi lễ rườm rà, tổ chức nhiều ngày, rượu chè bê tha… đã giảm mạnh. Chi phí từ 50-60 triệu đồng giảm xuống còn 20-25 triệu đồng/đám cưới. Đám ma trước đây kéo dài 3-4 ngày, thậm chí còn hơn, chi phí hết khoảng 150-160 triệu đồng/đám, nay tổ chức không quá 48 tiếng, chi phí giảm gần một nửa.

Hội Cựu chiến binh xã Nấm Dẩn, huyện  Xín Mần đã tuyên truyền, vận động 34 gia đình hội viên và nhân dân bỏ thách cưới; vận động 22 hộ/22 hộ có việc tang không để quá 48 giờ; vận động được 05/22 hộ không mổ gia súc và 16 hộ chỉ mổ 01 con...

Tôn trọng vai trò chủ thể văn hoá của người dân

Đồng bào các dân tộc là chủ thể của văn hoá. Họ là người sáng tạo, duy trì, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, đồng thời là người quyết định sẽ loại bỏ những phong tục tập quán nào không còn phù hợp.

 Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn ở huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) giờ đã lược giản tối đa các yếu tố tâm linh, mê tín để trở thành một hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng gắn với phát triển du lịch tạo sinh kế cho người dân địa phương (ảnh: TQ)

Huyện Vị Xuyên đã tổ chức nhiều cuộc mạn đàm, hội thảo, hội nghị chuyên đề tại huyện và cơ sở; mời già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ các dân tộc, nghệ nhân dân gian, người có uy tín thảo luận, bàn, thống nhất các giải pháp thực hiện xóa bỏ hủ tục lạc hậu để đưa vào quy ước, hương ước của thôn, tổ dân phố.

Nhờ đó, tục thách cưới cao, đòi nhiều sính lễ, tổ chức cưới dài ngày đã giảm đáng kể; tục ép hôn, gả bán đã được loại bỏ; tảo hôn đã giảm từ 43 cặp năm 2021 xuống còn 09 cặp năm 2022.

Trong việc tang, nhân dân các dân tộc dần thay đổi hình thức phúng viếng, đi lễ, trả lễ bằng gia súc, gia cầm, hiện vật sang hình thức trả lễ, phúng viếng bằng tiền mặt; nghi lễ tế của con cháu nội, ngoại, anh em họ tộc, thông gia được vận động gộp chung lại chỉ còn 2-3 lễ.

Trong đời sống sinh hoạt, các xã, thị trấn đã tổ chức 1.300 buổi vệ sinh thôn, tổ dân phố, công trình công cộng; vận động 106 hộ gia đình đưa chuồng trại gia súc, gia cầm ra xa nhà; vận động 475 hộ gia đình cải tạo, làm mới nhà vệ sinh; 354 hộ gia đình cải tạo, làm mới nhà tắm...

Tại huyện Bắc Mê, sau 07 tháng xây dựng, qua 05 lần dự thảo, tổ chức 42 cuộc mạn đàm tại các thôn, nhóm hộ, với hàng nghìn lượt người tham gia đề xuất các nội dung cần cải tiến, xóa bỏ trong tổ chức đám tang, Đề án về cải tiến đám tang các dân tộc giai đoạn 2022 - 2024 đã được ban hành và tập trung vào dân tộc Dao (nhánh Dao đỏ), dân tộc Tày và dân tộc Mông.

Đối với nhánh Dao đỏ quy định: khi có người chết được đưa vào áo quan; được khiêng người chết, các tranh thờ cúng qua sau nhà.

Đối với dân tộc Tày, công của thầy tạo và đội trống, kèn không vượt quá 3,5 triệu đồng. Gộp chung lễ tế đối với các con, cháu bên nội, ngoại, thông gia. Bỏ dựng lán khi các con rể đến viếng mà tập trung tại nhà đám chính; bỏ không đi thăm viếng tại nhà riêng anh em có người thân mất, không tổ chức ăn uống.

Đối với Dân tộc Mông, đưa thi thể vào áo quan trước khi làm đám; chỉ tổ chức ăn 2 bữa chính, ăn bằng mâm cơm, bát đũa; huyệt chôn sâu từ 1,2 m trở lên, không để lộ áo quan; bỏ bắn súng theo tục lệ; bỏ tục té nước. Về đám ma bò, thời gian làm ma không quá 24 tiếng; công thầy cúng từ 2-3 kg thịt bò; mổ gia súc trị giá không quá 10 triệu đồng; bỏ lễ xua đuổi vía lành, vía dữ…

Từ khi triển khai đến nay, trên địa bàn huyện đã có 254/281 đám tang thực hiện việc đưa thi thể vào áo quan trước khi làm đám; 221/281 đám tổ chức đám tang dưới 48 tiếng; 194/281 đám không mổ trâu, bò; 20 đám đưa thi thể người chết đi hỏa táng. Đám tang của dân tộc Mông vì thế tiết kiệm từ 20 triệu đồng đối với hộ nghèo, tiết kiệm từ 40 - 70 triệu đồng đối hộ gia đình trung bình, khá trở lên; đám tang của dân tộc Tày tiết kiệm được từ 15 - 35 triệu đồng.

Tương tự, thành phố Hà Giang đã tổ chức hơn 200 hội thảo, hội nghị các cấp để rà soát, nhận diện các hủ tục lạc hậu, thống nhất đề nghị bổ sung, sửa đổi quy ước, hương ước thôn, tổ dân phố. Đến nay, 100% thôn, tổ dân phố đã được UBND thành phố phê duyệt cho điều chỉnh nội dung quy ước, hương ước.

Phường Trần Phú là đơn vị đi đầu “Nói không với vòng hoa, bức trướng trong đám hiếu”. Cách làm được chia ra làm 03 bước. Bước 1, khi gia đình có người mất đến khai tử tại UBND phường, UBND phường có thư chia buồn, trong thư nhắc nhở gia đình thực hiện tốt Nghị quyết số 27 của Tỉnh ủy. Bước 2, Ban tang lễ vận động gia đình ghi nội dung xin phép không nhận vòng hoa, bức trướng trong đám hiếu dưới bảng phó cáo. Bước 3, gia đình chụp ảnh bảng phó cáo gửi cho người thân và anh em nội tộc về thực hiện không viếng vòng hoa, bức trướng.

Cách làm trên đã lan tỏa rộng khắp toàn thành phố, được nhân dân đồng tình thực hiện. Kết quả là 79 đám tang đã thực hiện không vòng hoa, bức trướng, ở các xã không có tục này; không còn tình trạng rải tiền vàng xuống đường mà thay bằng cánh hoa cúc; không sử dụng loa nén trong đám hiếu. Đa số người Kinh chết thực hiện hỏa táng; dân tộc Dao, Tày hạn chế ăn uống linh đình trong tục đưa hồn người chết lên ban thờ… Từ năm 2022 đến tháng 04/2023, toàn thành phố có 288 đám tang thì điện hỏa táng tới 190 trường hợp.

Phát huy vai trò của dòng họ

Ở thôn Sủng Lủ, xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc, dòng họ Sùng (dân tộc Mông) có 63 hộ, 323 khẩu. Trước đây, khi có đám cưới, nhà trai tổ chức một đoàn 13 người sang nhà gái, thống nhất tổ chức hôn lễ trong 3 ngày 3 đêm, giết mổ nhiều gia súc, nghi lễ rất rườm rà. Khi có đám tang, các gia đình làm lễ kéo dài tới 7 ngày, mổ 2-3 con bò, chi phí lên tới trên 100 triệu đồng đối với hộ giàu, hộ nghèo thì cũng tiêu tốn chừng 50 triệu. Sau đám tang người thân, không ít gia đình rơi vào cảnh nợ nần hoặc tiếp tục là hộ nghèo.

Được sự tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương, toàn thể dòng họ Sùng đã họp bàn, thống nhất nghi lễ đám ma dài nhất là 36 giờ, ngắn thì 12 giờ, chỉ mổ một con lợn và các hộ tự nấu. Nhờ đó, chi phí đám ma chỉ mất vài ba triệu đồng, giảm hàng chục lần so với trước đây. Đám cưới cũng tổ chức không quá một ngày, không giết mổ nhiều gia súc, gia cầm; con em trong dòng họ không kết hôn cận huyết thống, không tảo hôn.

Hiệu quả hoạt động tự quản của dòng họ Sùng là một dẫn chứng cho cách làm của Hà Giang là phát huy vai trò của các dòng họ lớn. Các dòng họ họp bàn với sự tư vấn của cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở, sau đó ban hành quy ước nội bộ và các thành viên trong họ ký cam kết thực hiện. Khi dòng họ này làm được và làm tốt, sẽ lan toả sang các dòng họ khác và lan rộng ra toàn tỉnh.

Đề cao vai trò của người có uy tín và hội nghệ nhân dân gian

Khởi nguồn từ mô hình Hội Nghệ nhân dân gian xã Hồ Thầu thành lập năm 2006, đến nay, huyện Hoàng Su Phì đã nhân rộng ra tất cả 24 xã, thị trấn với tổng số 782 hội viên tham gia. Thành viên Hội là những người có ảnh hưởng với cộng động như: người có uy tín trong đồng bào DTTS, nghệ nhân dân gian, thầy cúng… Các thành viên Hội nghiên cứu, chọn lọc xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu, thống nhất quy định để hội viên thực hiện. Ví dụ, Hội quy định không thách cưới bằng đồng bạc và quy đổi 1 triệu đồng/1 đồng bạc; quy định tiền công đối với thầy cúng chỉ từ 30 nghìn đồng đến không quá 300.000 đồng/lần; hướng dẫn cách tính tuổi và yêu cầu các thầy cúng, thầy bói chỉ xem ngày cưới cho các đôi đúng tuổi. Gia đình nào cố tình tổ chức cưới khi con chưa đủ tuổi theo quy định thì tất cả các thành viên của Hội không được xem ngày, không làm chủ hôn, đưa đón dâu… Nhà nào con chưa đủ tuổi mà cưới thì bị phạt...

Mô hình Hội Nghệ nhân dân gian ở Hoàng Su Phì đã thúc đẩy ý thức tự giám sát của chính cộng đồng, làm cho việc thực hành nghi lễ, phong tục tập quán lành mạnh hơn, quy củ hơn; góp phần điều chỉnh các phong tục tập quán, thói quen... không còn phù hợp; điều chỉnh mức tiền công khai và hợp lý hơn với điều kiện kinh tế của người dân địa phương.

Từ mô hình ở Hoàng Su Phì, hiện tỉnh Hà Giang đã thành lập được 188 Hội Nghệ nhân dân gian, với 8.812 hội viên. Nhận xét về hiệu quả của mô hình này, TS. Vũ Thị Hà, Bảo tàng Dân tộc học bình luận: "Hội Nghệ nhân dân gian chính là “bộ lọc” hiệu quả trong hoạt động thực hành nghi lễ tại địa phương"

Đưa công tác tuyên truyền vào trường học

Nhận thấy mạng internet đã phủ khắp bản làng, một nhóm học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS-THPT Xín Mần, huyện Xín Mần đã thực hiện Dự án: “Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong tuyên truyền bài trừ hủ tục lạc hậu” với mong muốn tạo ra hệ thống thông tin liên quan đến vấn đề này, giúp mọi người dễ dàng tiếp cận tìm hiểu.

Website Bài trừ hủ tục lạc hậu (http://baitruhutuc.com) do Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS-THPT Xín Mần (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) quản lý và vận hành

Được sự ủng hộ, giúp đỡ của các cấp, các ngành, các thầy cô giáo, trang Web có địa chỉ http://baitruhutuc.com đã hình thành, gồm các thông tin về văn hoá lễ hội truyền thống; Những hủ tục lạc hậu và tục lệ biến tướng (Nhận diện, hậu quả, phương pháp giải quyết và quy định pháp luật); Tài liệu tuyên truyền về bài trừ hủ tục lạc hậu; Trắc nghiệm online tìm hiểu kiến thức và khảo sát liên quan về bài trừ hủ tục lạc hậu; Thông tin, hỗ trợ về bài trừ hủ tục lạc hậu.

Trên trang Web còn cung cấp những audio nhận diện về hủ tục lạc hậu bằng tiếng Mông, Nùng; liên kết với những video do các cơ quan báo chí trong nước thực hiện về chủ đề có liên quan. Toàn bộ thông tin được xây dựng dựa trên các công cụ và phần mềm miễn phí trực quan, mọi lúc, mọi nơi, là một kênh tuyên truyền, tương tác, hỗ trợ và nguồn tư liệu tham khảo giúp mọi người cùng tìm hiểu, chia sẻ thông tin, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong việc bài trừ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống mới văn minh.

Cách làm trên là một trong những sáng kiến trong công tác thông tin tuyên truyền bài trừ hủ tục trong trường học ở Hà Giang. Hiện nay, ngành Giáo dục tỉnh đã hoàn thành biên soạn và đưa cuốn tài liệu bài trừ, xóa bỏ hủ tục vào sử dụng đại trà trong các cơ sở giáo dục; chỉ đạo các cơ sở giáo dục tích hợp, lồng ghép nội dung cuốn tài liệu vào các môn học, các hoạt động giáo dục phù hợp100% các đơn vị trường học đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền bài trừ hủ tục lạc hậu; 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành đã ký cam kết thực hiện bài trừ hủ tục.

Còn rất nhiều mô hình, cách làm sáng tạo khác của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể ở Hà Giang mà chúng tôi chưa có điều kiện phản ánh hết. Có thể nói, Chỉ thị 09 và Nghị quyết số 27 của Tỉnh uỷ Hà Giang đã nhanh chóng và thực sự đi vào cuộc sống nơi mảnh đất địa đầu cực Bắc của Tổ quốc. Những nỗ lực đó đã tạo sự chuyển biến về nhận thức, từng bước hình thành tư duy mới trong cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc Hà Giang về việc tổ chức lễ cưới, tang ma và lễ hội theo hướng bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời tiếp thu có chọn lọc văn hóa tiến bộ của nhân loại./.

 

Bài 5: “Văn hoá soi đưng cho quc dân đi”!

Phương Liên - Trần Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực