Còn nhiều lạc hậu trong việc uống, việc ở
Uống rượu nhiều trong đồng bào DTTS đến nay vẫn còn rất phổ biến. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tỷ lệ người DTTS uống rượu cao hơn rất nhiều so với người Kinh. Cụ thể, tỷ lệ uống rượu ở nam giới người dân tộc Nùng là hơn 76%, dân tộc Dao là hơn 80%, dân tộc Mường là hơn 84%; dân tộc Tày là hơn 85%.
Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số (DTTS) do Uỷ ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện, toàn quốc vẫn còn 24,4% hộ DTTS đang nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn hoặc sát cạnh nhà ở. Lối sống này ảnh hưởng đến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của đồng bào. Một số dân tộc có tỷ lệ hộ nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm hoặc sát cạnh nhà ở còn cao như: Lự (49,8%), La Chí ( 48,2%), Ơ Đu (45%), Mông (43,1%). Các dân tộc này chủ yếu sinh sống ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, địa hình đi lại khó khăn.
Trên 41% hộ DTTS chưa sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Tình trạng không có hố xí, đi vệ sinh bừa bãi gây ô nhiễm môi trường ở một số dân tộc còn cao như: La Hủ (41,7%), Raglai (47,9%), Mảng (55,9%), Si La (57,5%), Co (58,7%)…
Việc sử dụng nước sinh hoạt có tiến bộ hơn với tỷ lệ 88,6% đồng bào tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh nhưng vẫn có những dân tộc có tỷ lệ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh thấp dưới 50%, gồm: Vân Kiều (48,5%), Si La (48,3%), Cống (43,5%) và Chứt (39,2%).
|
Bảng so sánh các tỷ lệ: tuổi kết hôn trung bình; tảo hôn; hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số (nguồn: Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng KT-XH của 53 DTTS lần II năm 2019) |
Tảo hôn còn cao và thủ tục cưới xin còn tốn kém và kéo dài
Vấn nạn tảo hôn mà lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh trăn trở và nhiều lần nhắc nhở vẫn diễn biến phức tạp. 9 năm trước, khi Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê tiến hành Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS lần thứ I (năm 2014), tỷ lệ 26,6% người DTTS tảo hôn được công bố khiến cả nhà quản lý và người làm công tác dân số hết sức bất ngờ. Bất ngờ là bởi tỷ lệ đó quá cao, tồn tại dai dẳng nhiều năm và gây ra nhiều hậu quả trên nhiều góc độ khác nhau.
Năm 2019, cuộc điều tra lần thứ II được tiến hành. Kết quả công bố cho thấy, tỷ lệ tảo hôn của người DTTS còn tới 21,9%. Dân tộc Mông có tỷ lệ tảo hôn cao nhất với 51,5%, dân tộc Cờ Lao 47,8%, Mảng 47,2%, Xinh Mun 44,8%.
Những nghiên cứu về tảo hôn trong cộng đồng dân tộc Mông cho thấy lý do “phong tục tập quán dân tộc, địa phương” chiếm tỷ lệ cao nhất. Kết hôn trẻ em thường được xem là một vấn đề gắn liền với tập tục và tập quán truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số. Trong tập tục làm dâu, người phụ nữ thường lấy chồng khi còn trẻ và chuyển về sống chung với gia đình nhà chồng, sinh con và lo vun vén cho gia đình nhà chồng.
Theo điều tra, ở độ tuổi 15 - 19, các DTTS đạt mức sinh 89 con/1.000 phụ nữ, cao hơn nhiều so với mức chung của toàn quốc 35 con/1.000 phụ nữ, nghĩa là phụ nữ DTTS sinh sớm hơn rất nhiều so với mô hình sinh chung. Trong đó, dân tộc Mông đạt tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi ở mức khá cao ngay ở nhóm tuổi trẻ từ 15 - 19 tuổi với 200 con/1.000 phụ nữ và đạt cực đại ở nhóm tuổi từ 20 - 24 với 208 con/1.000 phụ nữ. Như vậy, phụ nữ Mông sinh con từ rất sớm, đa phần trong độ tuổi từ 15 - 24. Trong các DTTS có quy mô lớn trên 1 triệu người, dân tộc Mông cũng là dân tộc có mức sinh cao nhất (3,57 con/phụ nữ) trong khi mức sinh bình quân của cả nước là 2,09 con/phụ nữ.
Ông Vàng Nỏ Sính, dân tộc Mông ở xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang thừa nhận: một bộ phận đồng bào vẫn giữ tư duy theo lối cổ xưa là lấy vợ, lấy chồng sớm cho con để có người giúp việc nhà, đáp ứng nhu cầu nhân lực lao động sản xuất và đây là động cơ quan trọng.
Bên cạnh tập tục tảo hôn, trong đồng bào DTTS còn tồn tại tình trạng kết hôn cận huyết thống, với tỷ lệ 5,6 phần nghìn. Một số DTTS có tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống cao như: La Chí, Vân Kiều, Lô Lô, Gia Rai, La Ha.
Hiện, đồng bào DTTS vẫn tồn tại một số tập quán lạc hậu như cưỡng ép kết hôn do xem “lá số”, mê tín dị đoan; cản trở hôn nhân do khác dân tộc, tôn giáo; cấm kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi 4 đời trở lên; thách cưới cao, nhiều hiện vật; đám cưới trải qua nhiều lễ nghi và kéo dài trong nhiều ngày, ăn uống linh đình, giết mổ nhiều gia súc. Nếu nhà trai không có tiền cưới và đồ sính lễ thì sau khi kết hôn, người con rể buộc phải ở rể để trả công cho bố mẹ vợ…
Đồng bào dân tộc Giẻ Triêng còn duy trì tục “Củi hứa hôn”. Các cô gái bước vào tuổi 16 phải vào rừng chặt củi để làm của hồi môn về nhà chồng. Quy ước bất thành văn là nhà gái chuẩn bị từ vài chục đến vài trăm bó củi để làm của hồi môn. Loại củi được người Giẻ Triêng ưa chuộng nhất là củi cây Dẻ do cháy nhanh nhưng lâu tàn. Sau khi nhà gái cõng củi về nhà trai, nhà trai mở tiệc đáp lễ bằng việc giết mổ bò, heo, gà, rượu cần và cho nhà gái một phần thịt mang về.
Tập tục “củi hứa hôn” với số lượng lớn tác động xấu đến nhiều mặt. Để tìm đủ số lượng lớn củi khiến cô gái và người thân mất nhiều thời gian, công sức. Gỗ dẻ là gỗ nhóm II hiếm quý, nếu khai thác là vi phạm quy định Luật Lâm nghiệp. Khai thác số lượng lớn lại chỉ lựa chọn các cành cùng kích cỡ dẫn đến phí phạm tài nguyên. Việc đáp lễ bằng cách giết mổ bò, heo, gà, rượu cần để mở tiệc mời nhà gái có thể gây áp lực, ảnh hưởng kinh tế gia đình nhà trai, đặc biệt là các hộ nghèo và cận nghèo.
|
Tình trạng uống nhiều rượu trong đồng bào DTTS đã gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần
(ảnh: otofun) |
Đám tang, làm ma tốn kém, kéo dài, mất vệ sinh
Là người dân tộc Mông, chị Sùng Thị Mai, Chuyên viên Vụ Tuyên truyền, Uỷ ban Dân tộc cho biết, tang ma là nghi lễ quan trọng bậc nhất trong đời người của đồng bào Mông. Người Mông có câu nói rằng: “Học làm ăn, làm uống của người khác thì được nhưng làm ma thì không thể theo người ta được”. Từ lúc gia đình có người chết đến khi chôn phải qua hơn 30 nghi lễ chính, chưa kể các nghi thức sau chôn cất như: Ma khô; Ma rượu gà; Ma rượu lợn, Ma bò… nên rất tốn kém thời gian, chi phí của gia chủ.
Cũng là người dân tộc Mông, chị Giàng Thị Phương, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên chia sẻ, nhiều nơi còn để người chết lâu ngày trong nhà với lý do chưa chọn được ngày lành, giờ tốt để chôn cất.
Trước năm 2000, người chết dưới 60 tuổi phải tổ chức đám tang trong 05 ngày, người chết trên 60 tuổi tổ chức 07 ngày. Nếu người chết là thày cúng hoặc có điều kiện thì 09 ngày - chị Sùng Thị Mai cho biết thêm.
Trong cuốn sách “Bài trừ hủ tục để cuộc sống tốt đẹp hơn” do Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật phối hợp xuất bản cung cấp cho tủ sách cơ sở nêu dẫn chứng: “Người Mông ở Mường Lát - Thanh Hóa, người chết không được bỏ vào quan tài ngay mà để nằm ở bên ngoài từ 5 đến 7 ngày. Đồng bào cho rằng nếu người vừa chết mà bỏ ngay vào quan tài là trái với tục lệ, sau khi chôn cất linh hồn người chết sẽ không được “siêu thoát”, không được tổ tiên đón lên trời, quay lại gây phiền hà, bệnh tật, ốm đau, làm ăn lụn bại cho người còn sống. Do đó, khi gia đình có người thân mất, họ thường đặt người chết vào cáng hay để trên một tấm ván treo lên sát vách giữa nhà. Việc để xác người chết trong nhà lâu ngày làm bốc mùi hôi thối không chỉ gây ô nhiễm môi trường cho gia chủ mà còn ảnh hưởng đến cả những hộ gia đình ở xung quanh…”
Trước đây, đồng bào một số dân tộc ở Tây Nguyên cũng có tập tục để người chết trên sạp được đan bằng cây tre, lồ ô. Thi hài được đắp tấm chăn thổ cẩm truyền thống, đến khi đi chôn mới đưa vào quan tài; thậm chí đến nghĩa địa mới đưa người chết vào quan tài. Hiện nay, đa số đồng bào đã sử dụng quan tài mua sẵn để chôn cất người chết. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng để người chết trên sạp, đến khi chuẩn bị chôn mới khâm liệm đưa vào quan tài. Việc để người chết lộ thiên trên sạp không đảm bảo vệ sinh, có thể làm lây lan dịch bệnh nếu người chết vì yếu tố bệnh truyền nhiễm, gây ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần cho người còn sống.
Đồng bào dân tộc Giẻ Triêng, Xơ Đăng, Gia Rai còn có tục tưởng nhớ và cho người chết ăn. Lúc chưa chôn thì rải cơm, rượu xung quanh thi hài (một số làng đã sửa đổi bằng cách đặt mâm cơm giữa nhà). Sau khi chôn thì cắm một ống lồ ô rỗng ruột xuống lòng mộ, người nhà mang cơm, rượu ra đổ vào đó mỗi ngày 1 đến 2 lần, kéo dài trong 1 tháng thì chấm dứt.
Tập tục này có tính chất mê tín dị đoan, người dân tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, dễ lây lan dịch bệnh, kéo dài tâm lý u uất, ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc của những người thân trong gia đình, gây lãng phí, ảnh hưởng đến kinh tế.
Đối với dân tộc Thái, khi gia đình có người chết, họ nhờ thầy cúng, thầy mo xem ngày đẹp để mang đi chôn, có thể chôn ngay ngày hôm đó nếu xem được giờ đẹp nhưng cũng có thể phải đến 3 - 4 ngày sau.
Dân tộc La Chí ở thôn Mục Lạn và thôn Vinh Ngọc, xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang có tục lệ sau khi khâm niệm vẫn mở 1/3 nắp quan tài. Các con trai đội nón mê ngồi quạt cho người chết đến khi đưa đi chôn. Khi đi đưa ma phải mở nắp quan tài, nắp quan tài bê đi trước, quan tài đi sau. Nếu gặp đoạn đường quá khó đi còn bỏ thi thể ra ngoài khênh… Người chết đưa đi chôn, đem theo 01 con chó con đập chết vứt cạnh mộ, nếu chó chưa chết thì chưa được chôn vì cho rằng linh hồn con chó sẽ dẫn linh hồn người chết xuống âm phủ.
Không chỉ làm đám tang dài ngày, mà trong những ngày đó, các gia đình còn tổ chức cỗ bàn ăn uống kéo dài, tốn kém. Do phải giết mổ nhiều trâu, bò, lợn, gà phục vụ ăn uống nên nhiều gia đình rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, khánh kiệt.
|
Việc phải giết mổ nhiều trâu, bò, lợn, gà trong đám tang, đám ma làm cho nhiều gia đình DTTS rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, khánh kiệt (ảnh: CTV cung cấp) |
Đã có chuyện một đám tang ở huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang mổ gần 20 con bò, chi phí tang ma hết 150 - 160 triệu đồng/đám. Đây là mức chi phí quá cao bởi thu nhập bình quân đầu người DTTS chỉ bằng khoảng 30% so với bình quân chung và tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 55,27% hộ nghèo của cả nước. Một số nhóm DTTS có tỷ lệ hộ nghèo đang ở mức rất cao, lên đến 70 - 80% như: Ơ Đu, Co, Khơ Mú, Xinh Mun, La Ha, Kháng, Mông, Xơ Đăng... nên chi phí đám tang như vậy là quá tốn kém, ngoài khả năng kinh tế của đại bộ phận người dân.
Nguyên nhân của việc ăn uống linh đình dài ngày là do tục “nợ miệng”. Chẳng hạn khi một nhà người Gia Rai nào đó có tang, bà con thân thuộc thường phúng điếu bằng gia súc để gia đình giết thịt làm cỗ, phục vụ việc ăn uống nhiều ngày và biếu thịt mang về. Gia chủ phải ghi nhớ số người mang gia súc đến để sau này nhà ai có tang sẽ mang con vật ngang giá trị đến trả nghĩa.
Trong báo cáo tổng kết, đánh giá chính sách dân tộc giai đoạn 2011 - 2020 và đề xuất, kiến nghị giai đoạn 2021 - 2030, Ủy ban Dân tộc nhận định: “Các tệ nạn xã hội (nghiện ngập, nhất là nghiện rượu), tập quán về tảo hôn, vấn đề hôn nhân cận huyết thống… đã làm suy thoái giống nòi, đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn tại của các dân tộc”./.
Bài 3: Tại sao tập tục lạc hậu vẫn tồn tại ở vùng dân tộc thiểu số?
Bài 4: Đa dạng cách thức bài trừ hủ tục lạc hậu - Nhìn từ Hà Giang
Bài 5: “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”!