Bình Dương: Lan tỏa các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác tuyên giáo

Bài 2: Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác tuyên giáo
Thứ hai, 06/11/2023 08:40
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Trước những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, cũng như trước những thách thức của thời kỳ hội nhập, sự bùng nổ thông tin, ngành Tuyên giáo tỉnh Bình Dương xác định rõ việc đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền là nhiệm vụ hàng đầu, trong đó đặc biệt chú trọng tới hình thức trực tuyến, góp phần lan tỏa hiệu quả nguồn thông tin đến mọi tầng lớp Nhân dân trong xã hội.

Bình Dương: Lan tỏa các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác Tuyên giáo

Sử dụng hiệu quả các mô hình trực tuyến

Hội nghị trực tuyến chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022 tại điểm cầu truyền hình trực tuyến Huyện ủy Bắc Tân Uyên.  

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin hiện nay, các hội nghị, lớp học dưới hình thức trực tuyến đã thể hiện được rõ những lợi thế và được áp dụng tại nhiều lĩnh vực, nhiều đơn vị. Ngành Tuyên giáo Bình Dương cũng là một trong những nơi nhanh nhạy và linh hoạt với hình thức mới này trong các hoạt động công tác của mình.

Tại huyện Bắc Tân Uyên, đồng chí Lưu Hữu Duyên, Trưởng Ban Tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện cho biết, hiện nay, họp trực tuyến đem lại rất nhiều lợi ích, trong đó đặc biệt là khả năng kết nối nhiều người ở nhiều địa điểm khác nhau một cách cực kỳ nhanh chóng. Với tính năng ưu việt đó, ngành tuyên giáo Bắc Tân Uyên đã nhanh chóng triển khai mô hình “hội nghị trực tuyến”, “học trực tuyến” đồng thời áp dụng và phổ biến rộng rãi từ huyện đến cơ cở trên toàn địa bàn. Tới nay, toàn huyện có 11 điểm cầu trực tuyến phục vụ các hoạt động học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. “Trong thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin để học tập, quán triệt và tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, thông tin tình hình thời sự cho cán bộ, đảng viên đã đem lại hiệu quả và chất lượng”, đồng chí Duyên chia sẻ.

Nhận thấy rõ lợi thế của hình thức trực tuyến, huyện Bắc Tân Uyên còn mở các lớp bồi dưỡng kết hợp hình thức học trực tuyến từ huyện đến các xã, thị trấn đồng thời đổi mới nội dung học tập các lớp bồi dưỡng cho đoàn viên, hội viên. Đây là những mô hình hay, sáng tạo, góp phần nâng cao kiến thức, bồi dưỡng tư tưởng chính trị cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới; rèn luyện đạo đức, lối sống, năng lực công tác, vận dụng sáng tạo đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn hiện nay.

Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo huyện Bắc Tân Uyên cũng cho biết thêm, mô hình này rất hiệu quả trong giai đoạn đại dịch COVID-19 vừa qua. “Trong lúc đại dịch COVID-19  bùng phát mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Trung tâm Chính trị Huyện đã tổ chức các lớp học, bồi dưỡng chuyên đề với hình thức trực tuyến kết nối với 10 xã, thị trấn cho các học viên tham gia học tập đầy đủ. Nhờ triển khai các lớp học trực tuyến như vậy, chúng tôi đã đảm bảo vừa phòng, chống dịch bệnh an toàn song cũng vừa đảm bảo nội dung theo chương trình đề ra”, đồng chí Lưu Hữu Duyên cho biết.

Dù là hình thức trực tuyến nhưng các nội dung cung cấp cho học viên rất đầy đủ, nhanh chóng, thuận lợi. Trong thời gian gần đây, nội dung học tập các lớp bồi dưỡng cho đoàn viên, hội viên được Trung tâm Chính trị huyện Bắc Tân Uyên còn được đổi mới, tích cực phối hợp với các ngành, đoàn thể Huyện lồng ghép vào chương trình bồi dưỡng nội dung các chuyên đề hàng năm, các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cập nhật tình hình thời sự, tình hình kinh tế xã hội - quốc phòng an ninh trên địa bàn huyện một cách kịp thời, hiệu quả, tránh nhàm chán trong nội dung học tập.

Đồng chí Duyên cho rằng, các mô hình này đã tạo sự thống nhất cao trong đảng và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Thông qua mô hình hay, cách làm sáng tạo trên đã giúp người dân hiểu rõ, nắm chắc nghị quyết, tạo sự nhất quán về mặt tư tưởng để vận dụng nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống. Đồng thời qua đó giúp ngành tuyên giáo nắm bắt được diễn biến tư tưởng, dư luận xã hội của nhân dân trong việc thực hiện nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Trong nửa nhiệm kỳ qua, bên cạnh các mô hình trực tuyến tại huyện Bắc Tân Uyên, ngành tuyên giáo Bình Dương cũng ghi nhận nhiều mô hình hay, thiết thực và hiệu quả khác trong đó có mô hình của Đảng ủy Khối các cơ quan và Doanh nghiệp Tỉnh trong việc tổ chức các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đảng viên mới.

Đại diện Đảng Ủy Khối chia sẻ, xuất phát từ điều kiện thực tế Đảng bộ Khối có  nhiều tổ chức cơ sở đảng với đa dạng các loại hình (cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, trường học, bệnh viện, các hội đặc thù, các khu  công nghiệp, các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực Nhà nước), bên cạnh đó ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 trong những năm 2020-2021 (không thể tổ chức lớp trực tiếp và tập trung đông người), nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất  để các học viên, nhất là đảng viên, quần chúng ưu tú đang lao động, học tập, làm việc ở các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, trường học trong Khối có thể tham gia học tập tốt các lớp bồi dưỡng nhận thức về đảng, bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đảng viên mới, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã tổ chức tốt các lớp học theo hình thức trực tuyến (học trực tuyến, thi trực tuyến). Các lớp học vừa tạo thuận lợi cho học viên, báo cáo viên vừa đảm bảo nội dung, chương trình theo quy định của Trung ương. Nhờ đó, hoạt động của các lớp học bồi dưỡng lý luận chính trị trên địa bàn không bị gián đoạn đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ. Kết quả, từ năm 2020 đến nay, Đảng ủy Khối đã tổ chức được 7 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho  895 đảng viên mới đạt 70% chỉ tiêu nghị quyết cả nhiệm kỳ; 18 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đối tượng kết nạp đảng có 2.663 quần chúng ưu tú học tập đạt 90% chỉ tiêu nghị quyết cả nhiệm kỳ.

Phát huy hiệu quả mạng xã hội trong công tác tuyên truyền

Huyện đoàn Bắc Tân Uyên triển khai hiệu quả mô hình “Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục của Đoàn thông qua các trang mạng xã hội” .

 Việc nắm bắt, phân tích, dự báo tình hình tư tưởng trong Đảng và xã hội trước đây được thực hiện bằng những phương pháp truyền thống, như: tổ chức các cuộc họp giao ban, qua các báo cáo định kỳ hoặc đột xuất của các ban, ngành, đoàn thể, báo chí chính thống, các cuộc thăm dò dư luận xã hội… Tuy nhiên, để làm tốt công tác tuyên truyền của Đảng trong bối cảnh mới, cần phải xem mạng xã hội như một kênh tuyên truyền hiện đại, một công cụ tiện dụng để nắm bắt tư tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; là công cụ sắc bén trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.  Nguồn thông tin trên mạng xã hội vốn nhanh, nhạy, nhiều chiều, giúp cho việc nắm, phân tích, dự báo tình hình tư tưởng kịp thời, đa dạng, khách quan hơn, nhất là việc nắm bắt những thông tin trái chiều, thông tin thuộc lĩnh vực nhạy cảm mà qua con đường chính thống thường khó nắm bắt được.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương Trương Thị Bích Hạnh cho biết, nhận thức được rõ những mặt tích cực, tiêu cực từ mạng xã hội, trong thời gian qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương đã phát huy hiệu quả các trang mạng xã hội của Ban Tuyên giáo các cấp, cung cấp các thông tin chính thống và đăng tải trên các trang, nhóm fanpage trên mạng xã hội để tuyên truyền thu hút được đông đảo người xem và chia sẻ rộng rãi góp phần lan tỏa thông tin chính thống, thông tin tích cực đến người dân. Đặc biệt, trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Ban Tuyên giáo thường xuyên tham mưu Ban Chỉ đạo 35 Tỉnh ủy củng cố, kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo và các tổ, nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo 35 để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Các nhóm đấu tranh và tuyên truyền công khai trên Facebook của Tỉnh và các nhóm của các địa phương, đơn vị tiếp tục đăng tải, chia sẻ tin, bài viết tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bài viết của các chuyên gia Trung ương về đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Tại huyện Bắc Tân Uyên, địa phương đã xây dựng “nhóm tác chiến kín”, “Tổ lực lượng nòng cốt” trên địa bàn 10 xã, thị trấn với sự tham gia của hơn 165 thành viên là cán bộ công chức, cán bộ, đảng viên, bí thư chi bộ khu phố, ấp. Nhóm do các đồng chí lực lượng cộng tác viên nòng cốt Ban Chỉ đạo 35 Huyện thuộc các xã, thị trấn làm Tổ trưởng có trách nhiệm chủ động khai thác thông tin trên không gian mạng, kịp thời nắm bắt tình hình dư luận xã hội, các ý kiến sai trái, thù địch trên mạng xã hội liên quan đến huyện Bắc Tân Uyên, đồng thời, cung cấp, chia sẻ những thông tin chính thống, lan tỏa những tin, bài, hình ảnh với nội dung tích cực, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, thông báo các phương thức, thủ đoạn của tội phạm, chia sẻ, lan tỏa thông tin chính thống, tích cực,… trên trang cá nhân, trang Fanpage, nhóm Zalo của cơ quan, đơn vị, địa phương; phối hợp tham gia đấu tranh, phản bác theo chỉ đạo của Huyện.

Bắc Tân Uyên cũng là một trong những địa phương ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác tuyên giáo đặc biệt là các trang mạng xã hội. Đồng chí Lưu Hữu Duyên, Trưởng Ban Tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện cho biết, địa phương đã xây dựng trang thông tin của Đảng ủy xã, MTTQ và các đoàn thể, cơ quan, đơn vị nhằm truyền tải thông tin đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên thực hiện tốt chủ trương Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước một cách hiệu quả. Đặc biệt, trên địa bàn thời gian qua có mô hình “Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục của Đoàn thông qua các trang mạng xã hội” do Ban Thường vụ Huyện Đoàn triển khai đã góp phần thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục cũng như việc định hướng cho đoàn viên thanh niên trong giai đoạn công nghệ số phát triển mạnh mẽ như hiện nay rất hiệu quả.

Theo đó, Huyện Đoàn và mỗi cơ sở Đoàn xây dựng 1 trang fanpage, facebook của đơn vị, có phân công cán bộ quản trị trang fanpage, facebook đơn vị mình; đồng thời có sự kết nối giữa trang của Huyện với các trang của đoàn cơ sở và các trang mạng xã hội của các cơ sở đoàn ngoài huyện, ngoài tỉnh. Sau hoạt động đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của từng đơn vị, địa phương, quản trị viên các trang mạng xã hội của đoàn có nhiệm vụ viết các tin bài, kèm theo hình ảnh để báo cáo hoạt động của đơn vị mình. Ngoài ra, cán bộ, đoàn viên, thanh niên có nhiệm vụ tương tác, chia sẻ các bài viết này, thông tin từ các trang mạng xã hội của Tỉnh, Huyện về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, những sự kiện lịch sử, những câu chuyện đẹp; gương người tốt việc tốt; các mô hình có cách làm hay, sáng tạo trong phát triển kinh tế của đoàn viên, thanh niên và người dân, nhằm tạo hiệu ứng xã hội và sức lan tỏa rộng trong cộng đồng, góp phần tạo môi trường mạng lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của thanh thiếu nhi, với phương châm “Càng nhiều người biết càng tốt”. Từ khi triển khai thực hiện đến nay, các trang fanpage,  facebook của Huyện Đoàn và các cơ sở Đoàn từ Huyện đến cơ sở đã đăng tải, chia sẻ trên 7.000 tin, bài, hoạt động và có cả ngàn tài khoản theo dõi; riêng các trang của Đoàn cơ sở trung bình có khoảng 200 tài khoản theo dõi.

Nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, Huyện Đoàn Bắc Tân Uyên tiếp tục củng cố, kiện toàn, tổ chức các buổi tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức, hướng dẫn sử dụng mạng xã hội tích cực trong thanh thiếu niên. Bên cạnh đó, tăng cường thông tin tích cực kịp thời để hạn chế thông tin xấu độc trên mạng xã hội, chủ động đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc, nói xấu nói sai sự thật trên mạng xã hội, đẩy mạnh thực hiện tốt cuộc vận động mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp, góp phần lan tỏa, truyền tải thông điệp tích cực, lối sống đẹp, đầy hoài bão cống hiến cho lực lượng đoàn viên, thanh niên trên địa bàn./.

V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực