Gia đình – cái nôi hình thành và nuôi dưỡng nhân cách mỗi con người

Thứ sáu, 28/06/2024 16:47
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng để hình thành đạo đức và giáo dục nhân cách của mỗi con người, là nơi truyền dạy những giá trị đạo đức tốt đẹp, lòng nhân ái, tính trách nhiệm và truyền thống văn hóa cho thế hệ tương lai.
Ảnh minh họa.

Gia đình – môi trường đầu tiên giúp con người trưởng thành

Gia đình là môi trường đầu tiên, trường học đầu tiên, xã hội đầu tiên và mãi mãi ảnh hưởng đến đời sống đạo đức của con người. Thiện là gốc rễ của đạo đức. Tính thiện - gốc rễ của đạo đức, được bắt đầu hình thành từ gia đình. Hành vi đạo đức của mỗi con người cũng xuất hiện, hình thành, phát triển cùng với thế hệ trẻ từ gia đình. Bởi lẽ, gia đình là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và quan hệ giáo dục. Ngay từ khi ra đời, đứa trẻ đã được tiếp cận với các mối quan hệ, cách cư xử văn hóa rất tình người. Họ dạy cho đứa trẻ lời ăn, tiếng nói, cách tạo lập các mối quan hệ người - người bằng cách thiết lập mối quan hệ từ người thân trong gia đình. Giáo dục gia đình giúp trẻ tiếp cận, làm quen và lĩnh hội được một thế giới văn hóa hiện thực. Những chuẩn mực của nền văn hóa xã hội được đứa trẻ tiếp nhận thông qua giáo dục gia đình.

Đạo đức hiếu thảo là nền tảng đạo lý con người. Người xưa đã dạy “Trăm hạnh hiếu là gốc/Muôn đức hiếu là nguồn”. Con người không có hiếu, có nghĩa thì sẽ không đạt được những đạo lý khác. Từ xưa đến nay, nền tảng đạo đức gia đình của người Việt Nam được hình thành và phát triển dựa trên đạo đức truyền thống với nếp gia đạo, gia phong và gia lễ. Gia đạo là đạo đức của gia đình lấy chữ “hiếu” làm đầu. Gia đạo của gia đình như đạo hiếu nghĩa (đạo hiếu là hiếu nghĩa của con cháu đối với ông bà, cha mẹ), đạo ông bà (kính trọng, lễ phép), đạo cha con (thương yêu, hiếu thuận), đạo vợ chồng (tình nghĩa, thủy chung), đạo anh em (nhường nhịn, sẻ chia, kính trên nhường dưới), đạo con cháu (hiếu nghĩa, ân tình); Gia lễ là phép ứng xử của con người theo một nguyên tắc có tôn ti trật tự theo lễ tiết, đặc biệt là việc thờ cúng tổ tiên…; Gia lễ, gia đạo được hình thành qua nhiều năm, nhiều đời thì tạo nên gia phong. Nói cách khác, gia phong hình thành từ mối quan hệ giữa con người với con người, từ lòng nhân ái, tình yêu thương, thuần phong mỹ tục của dân tộc được thấm đậm trong tâm hồn mỗi con người của gia đình; bởi vậy, nó mang tính nhân văn cao cả.

Gia đình còn là nơi đặt những viên gạch đầu tiên trong việc hình thành nhân cách con người, giáo dục nhân cách con người về tình cảm yêu thương, sự hy sinh chia sẻ, đạo lý, trách nhiệm, nghĩa vụ, bổn phận của mỗi cá nhân trong môi trường gia đình. Khi các giá trị nhân văn của văn hóa gia đình được thấm sâu trong trái tim, trí tuệ của mỗi thành viên và hình thành thói quen tâm lý trong đời sống gia đình, mỗi gia đình sẽ góp phần tạo ra những công dân tốt cho xã hội, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, đẩy lùi bạo lực gia đình, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, xây dựng gia đình Việt Nam với những giá trị truyền thống nhân văn tốt đẹp. Trong đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 9, khóa XI đã đề ra chủ trương: “Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”. Đặc biệt, Đảng ta đã xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 “giáo dục gia đình” kết hợp với “giáo dục nhà trường” và “giáo dục xã hội”, đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân. Đây là cũng là mục tiêu quan trọng trong giáo dục đạo đức lối sống của gia đình Việt Nam. 

Không ngừng xây dựng và vun đắp hạnh phúc gia đình

Con người mới được xây dựng từ trong gia đình, từ những dòng sữa tươi mát đầu tiên, từ những cử chỉ âu yếm, những lời khuyên bảo, dỗ dành của mẹ cha, nghĩa là từ sự chăm sóc đầu tiên của gia đình. Có thể khẳng định rằng ở bất kỳ giai đoạn nào, gia đình đều giữ vai trò là tế bào của xã hội, là một trong những nhân tố quyết định sự hưng thịnh của quốc gia.

Sự nghiệp giáo dục, đào tạo con người là trách nhiệm của toàn xã hội, nhưng đầu tiên phải là gia đình. Những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức gia đình, được ông bà, cha mẹ truyền dạy sẽ là những bài học đầu tiên, cần thiết để con người làm hành trang bước vào cuộc sống. Việt Nam đang trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng, bảo vệ đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, chặng đường này cần sự đồng sức đồng lòng của toàn xã hội, trong đó gia đình, giáo dục đạo đức gia đình có vai trò hết sức quan trọng. Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII của Đảng đã khẳng định: “Trong sự nghiệp ấy, gia đình và các bà mẹ Việt Nam có vai trò cực kỳ to lớn, là những người truyền thụ hiểu biết và nhân cách cho các thế hệ Việt Nam từ thuở lọt lòng”.

Trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng ta đã xác định “Giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ. Coi trọng xây dựng gia đình văn hoá. Xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội”. Bởi lẽ, ngay từ trong gia đình, môi trường giáo dục đầu tiên và suốt đời của con người, mỗi người được giáo dục đầy đủ các chuẩn mực đạo đức, đạo lý gia phong, những phép tắc trong đối nhân xử thế thì những giá trị đạo đức đó sẽ thấm sâu trong suy nghĩ và hành động, nếp ăn, ở của họ và khi bước ra môi trường xã hội những con người đó sẽ dễ suy nghĩ và hành động một cách có đạo đức, góp phần xây dựng đạo đức xã hội. Chính những quy định, chuẩn mực đạo đức được hình thành, được giáo dục trong gia đình sẽ trở thành động lực thôi thúc, nhắc nhở mỗi người về trách nhiệm, bổn phận của mình trong mối quan hệ gia đình, để rồi từ đó mở rộng ra đối với quê hương, đất nước.

Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. Ngày Gia đình Việt Nam là một ngày lễ, sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam.

Ngày Gia đình Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”, trong đó nội dung “Xây dựng nhân cách con người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”; “Gia đình là nơi nuôi dưỡng, trao truyền các giá trị văn hóa tốt đẹp” được chú trọng quan tâm; nhằm mục đích nhằm nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và toàn xã hội về vị trí, vai trò của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Thông qua các hoạt động nhằm tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; tạo sự lan tỏa về các chuẩn mực, giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam góp phần nâng cao, làm chuyển biến trong nhận thức của đông đảo quần chúng nhân dân về vai trò, vị trí của gia đình, từ đó có hành động thiết thực xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; góp phần thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030./.

Nguyễn Nhị Ninh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực