Nét đẹp kiến trúc và lễ hội đình Bình Minh

Thứ năm, 28/03/2024 11:25
(ĐCSVN) - Trong 2 ngày 26 - 27/3 ( tức 17, 18 tháng 2 âm lịch), đã diễn ra Lễ hội đình Bình Minh tại Gia Lâm, Hà Nội. Đến với lễ hội, du khách được khám về nét đẹp, cổ kính của ngôi đình, cùng trải nghiệm, khám phá các trò chơi dân gian truyền thống.
 Đình Bình Minh

Bình Minh xưa thuộc đất Cổ Bi trấn Kinh Bắc, một địa danh có truyền thống văn hóa lâu đời nằm ven sông Đuống của người Việt cổ, là nơi có phong cảnh hữu tình, nên thơ. Đình Bình Minh còn gọi là Hành cung Cổ Bi, nơi thờ phụng chúa Trịnh Cương, một vị chúa triều đại Lê - Trịnh đầu thế kỷ XVIII.

Nhân vương Trịnh Cương là người thông hiểu phong thủy, chọn đất Cổ Bi cho xây dựng hành cung để nghỉ ngơi mỗi khi đi tuần du, bởi nơi đây có vị trí đắc địa, nhiều gò đống nổi lên, có sông Đuống sau lưng, sông Hồng trước mặt che chắn và sông Nghĩa Trụ bao quanh.

Theo tài liệu, An Đô Vương Trịnh Cương cho chọn đất để vẽ thiết kế Hành cung Cổ Bi. Tháng 11 năm Đinh Mùi 1727, Chúa lệnh cho xây Hành cung theo kiến trúc nghệ thuật điêu khắc gỗ dân tộc. Đến thời Ân Vương Trịnh Doanh (1740-1761) Hành cung Cổ Bi lại được xây dựng với quy mô lớn hơn. Trải qua thời gian và những biến cố của lịch sử, đình Bình Minh có những bước thăng trầm. Sang thời Nguyễn, hành cung chỉ là một phế tích với những pho tượng sấu đá, voi đá, hổ đá bằng đá xanh còn sót lại. Nhiều năm sau, người dân trong vùng dựng lên một ngôi đình trên gò đất và thờ chúa Trịnh Cương làm Thành hoàng làng.

Năm 1947, ngôi đình bị phá hủy bởi cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm 1998, nhân dân sở tại quyên góp xây dựng lại đình Bình Minh trên nền đình cũ, trong khuôn viên rộng khoảng 1.300m2. Năm 2005, tiếp tục đóng góp kinh phí, xây tường bao quanh khuôn viên, mở rộng ngôi đình thành 5 gian và dựng thêm nghi môn. Năm 2020, hạ giải đại đình ra xây lại, sửa sang hai dãy tả hữu vu và giếng tròn ở phía trước bên hữu đình.

 Du khách thăm quan lễ hội Bình Minh

Đến đây, du khách hết sức ấn tượng về cảnh quan, không gian của đình Bình Minh. Cổng đình xây kiểu nghi môn tứ trụ, thân trụ đắp nổi câu đối. Sau cổng là các bậc dẫn khách đi giữa hai hàng tượng linh thú lên sân đình. Hai dãy tả, hữu vu nằm đối diện qua sân. Tòa đại bái gồm 2 gian, 3 chái, cửa có bức màn nhìn về phía Nam. Bốn mái lợp ngói ri, các đầu đao uốn cong. Tòa hậu cung sâu 3 gian kết nối với gian giữa đại bái theo hình chữ Đinh. Trong hậu cung có bàn thờ và tượng chúa Trịnh Cương ngồi trên long ngai. Hiện di tích còn bảo tồn, lưu giữ 6 linh thú tạo bằng đá nguyên khối từ thời Lê - Trịnh quý hiếm: đôi voi, đôi sấu, đôi hổ. Xung quanh di tích có nhiều cây cổ thụ, nổi bật là 2 cây đại cổ có tuổi đời trên 400 năm, xum xuê tạo cho quần thể hành cung thêm uy nghi, bề thế. Đình Bình Minh đã được UBND Thành phố Hà Nội ra Quyết định xếp hạng là di tích Lịch sử Nghệ thuật năm 2007. 

Đến với lễ hội đình Bình Minh, du khách được tham gia các nghi thức tế lễ, dâng hương, khai trống hội, xem múa lân rồng. Du khách được xem và cùng tham gia các trò chơi dân gian truyền thống như: Đập niêu, bắt lợn, bắt vịt và các hoạt động thi đấu bóng bàn, bóng chuyền.

 Biểu diễn hát quan họ tại lễ hội đình Bình Minh

Ông Đoàn Văn Lộc - Trưởng Ban Quản lý Di tích đình Bình Minh cho biết: Trước đây, lễ hội duy trì tổ chức hàng năm, chính hội là ngày 18/2 âm lịch, những năm chẵn cứ 5 năm sẽ tổ chức lễ rước kiệu. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các hoạt động gắn với lễ hội tạm dừng, năm 2023 lễ hội đình Bình Minh được tổ chức lại, thu hút rất đông người dân và du khách thập phương về dự hội, dâng hương và tham gia các trò chơi dân gian truyền thống. Ông Lộc chia sẻ: là di tích lịch sử thuận tiện giao thông, gần nhiều điểm di tích, danh thắng nổi tiếng của Hà Nội cũng như Bắc Ninh, Hưng Yên, tuy nhiên điểm đến này chưa được nhiều du khách biết tới. “Ban Quản lý di tích đình Bình Minh rất mong các cơ quan quản lý về văn hóa, du lịch, các Công ty Lữ hành của Hà Nội nghiên cứu, đưa điểm tham quan đình Bình Minh nằm trong tuyến du lịch tâm linh ngoại thành Hà Nội, kết nối với các điểm đến theo lộ trình: Đền Ghềnh - đình Bình Minh - đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan - làng gốm cổ Bát Tràng, nhằm góp phần khai thác và phát huy giá trị của di tích”, ông Lộc kiến nghị. /.                                                                            

Dương Sơn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực