Hoàng Cầm là tác giả văn học nổi tiếng và được mến mộ trong văn học Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp của ông gồm nhiều tập thơ, kịch thơ, văn xuôi, nhưng ông được biết đến nhiều nhất như một nhà thơ. Tác phẩm tiêu biểu nhất của ông là tập thơ “Về Kinh Bắc” (viết năm 1959, được chép truyền tay trước khi xuất bản lần đầu năm 1994), một sử thi trữ tình về miền Kinh Bắc, vùng văn hoá cổ điển của Việt Nam xưa.
|
Sách "Hoàng Cầm về Kinh Bắc". Ảnh: HC100
|
"Hoàng Cầm về Kinh Bắc" được in lại trang trọng trong lần kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ. Cuốn sách gồm tác phẩm thơ "Về Kinh Bắc" của Hoàng Cầm và những bài viết chọn lọc của các tác giả Hoàng Hưng, Nguyễn Thuỵ Kha, Đỗ Lai Thuý, Chu Văn Sơn, Phạm Xuân Nguyên, Trần Thanh Cảnh, Nguyễn Đức Tùng, Lê Thị Thanh Tâm, Lê Hồ Quang, và nhiều tác phẩm hội họa và âm nhạc cùng một số tư liệu quý về thơ Hoàng Cầm.
Để thực hiện cuốn sách này, nhóm biên soạn đã dựa vào và đối chiếu ba phiên bản xuất bản trước đó: Về Kinh Bắc (Nhà xuất bản Văn học 1994), Hoàng Cầm - Tác phẩm - Thơ (Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây, 2002), Hoàng Cầm - Thơ (Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, 2011).
Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh năm 1922 quê gốc Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nhưng sinh tại Phúc Tằng, Việt Yên, Bắc Giang. Hoàng Cầm là dịch giả, nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch, nghệ sĩ. Sự nghiệp sáng tác ông để lại rất phong phú, bao gồm tập thơ “Về Kinh Bắc”, “Mưa Thuận Thành”, “99 Tình Khúc”… truyện thơ “Men đá vàng”, kịch thơ “Hận Nam Quan”, “Kiều Loan”, “Trương Chi”, “Bên kia sông Đuống”. Ông đạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật năm 2007./.