|
Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Chi Mai) |
Nhân kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Trung tướng Nguyễn Bình (30/7/1908 - 30/7/2023), ngày 21/7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Trung tướng Nguyễn Bình - Nhà quân sự tài năng, đức độ” nhằm khẳng định và tôn vinh những đóng góp, cống hiến của Trung tướng Nguyễn Bình đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Quân đội nhân dân Việt Nam, với Sài Gòn - Chợ Lớn – Gia Định – TP Hồ Chí Minh.
Để lại cho cách mạng Việt Nam nhiều kinh nghiệm quý báu
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết: Đồng chí Nguyễn Bình tên là Nguyễn Phương Thảo, sinh ngày 30 tháng 7 năm 1908 tại thôn Yên Phú, xã Tịnh Tiến (nay là xã Giai Phạm), huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ngay từ nhỏ, đồng chí ra Hải Phòng ăn học và có điều kiện tiếp xúc với nhiều trí thức thông qua hoạt động của anh trai mình là Nguyễn Thế Nức - người trí thức yêu nước, tham gia sáng lập Hội Trí Tri và Hội Dục Anh.
Năm 1925, khi mới 17 tuổi, đồng chí Nguyễn Phương Thảo tham gia vận động học sinh Trường Kỹ nghệ Hải Phòng bãi khóa phản đối chính sách hà khắc của thực dân Pháp, tổ chức lễ truy điệu nhà chí sĩ Phan Chu Trinh. Sau đó, đồng chí làm thủy thủ trên tàu viễn dương của Pháp, chạy tuyến Sài Gòn - Marseille (Pháp). Làm thủy thủ một thời gian, đồng chí bỏ việc, về sống ở Sài Gòn và được đồng chí Trần Huy Liệu móc nối, gia nhập Việt Nam Quốc dân Đảng (1928). Năm 1930, sau vụ khởi nghĩa Yên Bái của Quốc dân Đảng thất bại, đồng chí Nguyễn Phương Thảo cùng đồng chí Trần Huy Liệu bị bắt, rồi bị Tòa đại hình Sài Gòn kết án 6 năm tù và đày ra Côn Đảo.
Năm 1935, sau khi ra tù, đồng chí bị chính quyền thực dân trục xuất khỏi Sài Gòn, quản chế tại Hải Phòng. Tại đây, đồng chí đổi tên thành Nguyễn Bình với ý nghĩa cùng ước vọng “bình thiên hạ”.
Tháng 10 năm 1945, trước âm mưu và hành động gây hấn của thực dân Pháp hòng quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, tình hình cực kỳ khó khăn trong buổi đầu của cuộc kháng chiến ở miền Nam, đồng chí Nguyễn Bình được Bác Hồ tin cậy cử vào chỉ huy cuộc kháng chiến ở Nam Bộ.
|
Đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo. (Ảnh: Chi Mai) |
Ngay khi vào đến Nam Bộ, ngày 22/10/1945, đồng chí Nguyễn Bình đã viết bản Thông cáo số 1 gửi Nhân dân Nam Bộ. Không chỉ kêu gọi, ngày 20/11/1945, đồng chí Nguyễn Bình lấy tư cách là phái viên của Chính phủ Trung ương đã mời tất cả chỉ huy các lực lượng vũ trang ở Nam Bộ về họp tại An Phú Xã. Dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Bình, Hội nghị nhanh chóng thống nhất đặt tên các đơn vị thành chi đội, bầu đồng chí Nguyễn Bình là Tư lệnh Quân Giải phóng Nam Bộ.
Ngày 06/01/1946, đồng chí triệu tập Hội nghị để thống nhất các chi đội, phân đội vũ trang nội thành, lấy tên là Ban Công tác thành, có nhiệm vụ vừa tiêu diệt địch, vừa tuyên truyền, vận động nhân dân kháng chiến ở nội thành. Đây cũng chính là tiền thân của lực lượng vũ trang biệt động Sài Gòn.
Tháng 6/1946, đồng chí Nguyễn Bình được Trung ương Đảng phê chuẩn kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Tháng 01/1948, đồng chí được Nhà nước phong quân hàm Trung tướng và là vị Trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Năm 1951, đồng chí được Trung ương triệu tập ra Bắc báo cáo tình hình Nam Bộ. Trên đường thi hành nhiệm vụ, đồng chí bị địch phục kích và hy sinh ngày 29/9/1951 tại Campuchia. Năm 2000, với sự giúp đỡ của Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Đoàn công tác Bộ Quốc phòng đã tìm thấy và đưa hài cốt Trung tướng Nguyễn Bình về nước và mai táng tại Nghĩa trang liệt sĩ TP Hồ Chí Minh. Đồng chí Nguyễn Bình được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Tại hội thảo, tham luận của các đại biểu đã tập trung làm rõ về những đóng góp của Trung tướng Nguyễn Bình trong tổ chức và chỉ huy chiến đấu, xây dựng các cơ sở cách mạng, hình thành thế trận vững chắc tại Hải Phòng, chiến khu Đông Triều, Duyên Hải - Bắc Bộ… trước năm 1945; những cống hiến và đóng góp của Trung tướng Nguyễn Bình tại chiến trường Nam Bộ, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1951) đã góp phần tạo ra thế và lực mới cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân miền Nam từng bước đi đến thắng lợi vững chắc; cuộc đời và sự nghiệp của Trung tướng Nguyễn Bình là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân Thành phố và các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam học tập và noi theo.
Trình bày tham luận tại hội thảo, đồng chí Trần Quốc Việt, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên cho biết, thừa hưởng truyền thống văn hiến và anh hùng của quê hương Hưng Yên, tư tưởng cách mạng và tài năng quân sự của Trung tướng Nguyễn Bình sớm được bộc lộ từ nhỏ. Tài năng quân sự của đồng chí không ai có thể phủ nhận được. Tuy không qua bất cứ một trường lớp đào tạo về quân sự nào, nhưng với tình yêu nước, yêu dân tộc, với tư duy nhạy bén, một bản lĩnh chính trị kiên cường, bất khuất; một tinh thần kiên quyết tiến công, táo bạo, quyết đoán, mưu trí, chớp thời cơ; một khí phách hiên ngang, phóng khoáng song lại rất cương trực, đồng chí Nguyễn Bình đã để lại cho cách mạng Việt Nam nhiều kinh nghiệm quý báu trong lãnh đạo, chỉ đạo quân sự, làm giàu thêm truyền thống quân sự Việt Nam.
Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Bình, các đội biệt động, Ban công tác thành tuy hoạt động bí mật nhưng đã đánh phá hàng trăm trận lớn, nhỏ, tiêu diệt nhiều lực lượng địch trong đó có nhiều tên phản động đầu sỏ như Nguyễn Văn Sâm, Trần Tấn Phát... gây tiếng vang lớn khắp Nam Bộ. Đồng chí Nguyễn Bình đã làm cho quân thù thán phục, nể sợ.
Vận dụng bài học quý giá từ cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương đạo đức cách mạng của Trung tướng Nguyễn Bình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
|
Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh: Chi Mai) |
Đưa ra ý kiến tham luận tại Hội thảo, Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử quân sự Việt Nam chia sẻ: Đồng chí Nguyễn Bình là vị tướng luôn gần dân, sáng tạo trong công tác vận động quần chúng làm cách mạng, là người có uy tín trong mọi tầng lớp nhân dân.
Sinh ra từ một vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, lớn lên và gắn bó với phong trào quần chúng nhân dân, Nguyễn Phương Thảo - Nguyễn Bình luôn ý thức rõ về vai trò và sức mạnh của quần chúng nhân dân. Chính đồng chí ngay từ lúc còn là học sinh đã làm công tác vận động thanh niên học sinh. Khi vào Sài Gòn, sống cuộc sống của người lao động, đồng chí càng gắn bó hơn với công nhân, với người lao động nghèo. Khi được giác ngộ cách mạng, mặc dù chưa là đảng viên cộng sản nhưng bản thân đã tự đặt mình vào phong trào của Việt Minh, hết lòng làm mọi việc được Việt Minh giao cho. Trong tất cả mọi việc ấy, Nguyễn Bình luôn biết vận động quần chúng để lo việc cung cấp súng đạn, vũ khí, tiền bạc cho tổ chức chuẩn bị giành chính quyền. Khi được giao nhiệm vụ đánh địch, ông luôn chú trọng công tác binh vận, xây dựng lực lượng ngay trong lòng địch, phối hợp chặt chẽ với lực lượng này trong tiến công địch, trong khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
Khi quay trở lại Sài Gòn, về Nam Bộ trên cương vị mới, vốn sống và kinh nghiệm hoạt động ở đây càng giúp đồng chí gần gũi với các giới đồng bào. Đồng chí không chỉ có uy tín với công nhân, nông dân, mà giới trí thức cũng rất mến mộ và sẵn sàng theo đồng chí trong việc ủng hộ, tham gia kháng chiến. Khi vào đến Nam Bộ, ngay trong Thông cáo số 1, đồng chí Nguyễn Bình đã khẳng định: “Đây là cuộc toàn dân kháng chiến cứu nước, không phân biệt già, trẻ, gái, trai. Đồng bào hãy đồng tâm quyết đánh và quyết thắng”.
Nguyễn Phương Thảo - Nguyễn Bình, vị Trung tướng đầu tiên của Quân đội, cũng là vị Tướng liệt sĩ đầu tiên của Quân đội đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Cuộc đời, sự nghiệp của Trung tướng mãi là tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau học tập.
Cùng quan điểm trên, Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Thành ủy viên, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Trung tướng Nguyễn Bình, một vị tướng quả cảm, nghĩa hiệp, giàu đức hy sinh, một lòng trung kiên với sự nghiệp cách mạng. Phong cách và tài thao lược của đồng chí đã thu phục, đoàn kết, tập hợp được lòng dân; tên tuổi của Trung tướng Nguyễn Bình cũng trở thành nỗi kinh hoàng đối với đội quân viễn chinh Pháp. Đồng chí là vị Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sắc phong. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trung tướng Nguyễn Bình gắn liền với những chặng đường đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng, oanh liệt và vẻ vang của Đảng và nhân dân ta, đặc biệt trên chiến trường miền Nam và Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Những cống hiến, những quyết sách của Trung tướng Nguyễn Bình trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp trên chiến trường miền Nam nói chung và Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định nói riêng vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn. Đồng chí đã để lại cho chúng ta những bài học kinh nghiệm quý báu về công tác tổ chức, thống nhất lực lượng, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt của Đảng đối với các lực lượng vũ trang; đặc biệt là công tác tổ chức xây dựng lực lượng chiến đấu nội thành, tiền thân của lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định với cách đánh nổi tiếng “nở hoa trong lòng địch”; tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ quân sự, xây dựng hậu phương, căn cứ kháng chiến lâu dài... góp phần đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Đảng và Nhân dân ta đến thắng lợi cuối cùng. Những năm tháng hoạt động cách mạng, những cống hiến xuất sắc của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam, với Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi còn in đậm trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.
Để vận dụng bài học quý giá từ cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương đạo đức cách mạng của Trung tướng Nguyễn Bình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đại diện Ban Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh phân tích, Trung tướng Nguyễn Bình được người dân Nam Bộ xem như một huyền thoại, với tài năng, đức độ, bản lĩnh đã tập hợp được các lực lượng tại Nam bộ thành một lực lượng cách mạng thống nhất mà không phải dùng bạo lực. Đồng chí chỉ đạo hoạt động quân sự rất khoa học, có nhiều sáng tạo trong việc vận động gây dựng cơ sở ban đầu cho cách mạng, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý về công tác dân vận. Từ những bài học quý giá được đúc kết trong cuộc đời và sự nghiệp của Trung tướng Nguyễn Bình, có thể áp dụng vào thực tiễn của đất nước và TP Hồ Chí Minh trong mọi hoàn cảnh, trong công tác vận động, huy động các tầng lớp nhân dân và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện các nhiệm vụ chính trị là vấn đề cốt lõi nhất.
|
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu kết luận Hội thảo. (Ảnh: Chi Mai). |
Phát biểu kết luận Hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê khẳng định, Hội thảo khoa học “Trung tướng Nguyễn Bình - Nhà quân sự tài năng, đức độ” đã đạt được mục đích, yêu cầu. Các tham luận được các tác giả thể hiện đầy tâm huyết và trách nhiệm, giúp suy ngẫm, soi rọi và liên hệ với trách nhiệm của cá nhân mình, cơ quan, đơn vị, địa phương mình; góp phần bồi dưỡng nhận thức, củng cố vững chắc niềm tin, tiếp tục thực hiện lý tưởng cách mạng mà toàn Đảng, toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh tụ của Đảng đã dày công xây dựng, bảo vệ, phát triển, trao truyền lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau.
Ban Tổ chức Hội thảo trân trọng tiếp thu tất cả các ý kiến, tham luận và tổng hợp, biên tập làm tài liệu phục vụ công tác nghiên cứu, học tập tấm gương đạo đức cách mạng kiên trung, bất khuất, suốt đời phấn đấu vì đất nước, vì nhân dân của Trung tướng Nguyễn Bình, cũng như các nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Những giá trị tinh thần và bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc đời hoạt động cách mạng của Trung tướng Nguyễn Bình góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước, hun đúc niềm tự hào dân tộc và truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau, đồng thời vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay./.