Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 3/2008 đến 11/2012. Khu đền tháp Chăm được quy hoạch xây dựng trên diện tích 4000m2, trục chính của khu tháp nằm theo hướng Đông Tây, toàn bộ nhóm đền tháp nằm trên quả đồi gồm các công trình: Kalan (Tháp A), Tháp cổng Gopura (Tháp C), Tháp hoả Kosaghara (Tháp B), Sân lễ hội, Hệ thống tường bao có 4 trụ tại 4 góc, 2 đường bậc lên xuống tham quan, 2 nền gạch tượng trưng cho phần móng những tháp đã mất cho thời gian và chiến tranh.
Khu đền tháp Chăm được coi là một trong những điểm nhấn trong Khu các Làng dân tộc III - khu vực tái hiện không gian văn hóa của cộng đồng dân tộc thuộc vùng Nam Trung Bộ, Nam Bộ. Ngôi Tháp được xây dựng theo đúng nguyên mẫu và tỷ lệ tương đương với tháp Poklong Garai xây dựng (cuối thể kỉ 13, đầu thế kỉ 14), tại tỉnh Ninh Thuận.
|
Khu Tháp Chăm tại Làng Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam. |
Để đảm bảo sự chuẩn xác về nghệ thuật kiến trúc, xây dựng và các giá trị lịch sử, văn hoá, nhiều nghệ nhân, kỹ thuật viên, các hoạ sỹ, nhà điêu khắc, thợ tay nghề cao đến từ tỉnh Ninh Thuận trực tiếp thiết kế và xây dựng.
Khu tháp Chăm tại Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam gồm 3 ngôi tháp - tháp chính, tháp lửa và tháp cổng được xây bằng loại gạch nung đỏ sẫm, có kỹ thuật xây dựng vô cùng tinh tế. Trong ba ngôi tháp cổng và tháp lửa không được sử dụng để thờ cúng, chỉ có tháp chính là nơi thờ vua theo tín ngưỡng của đồng bào Chăm. Tháp Chăm được xem là biểu tượng và cũng là niềm tự hào của cộng đồng người Chăm sinh sống tại Ninh Thuận.
|
Tháp chính – nơi diễn ra các nghi thức hành lễ thành kính, huyền bí đầy tính tâm linh của đồng bào Chăm. |
Không gian tâm linh này có ý nghĩa đặc biệt với đồng bào Chăm. Vì vậy, công trình xây dựng tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có một ý nghĩa quan trọng với đồng bào Chăm khi ra sinh hoạt tại Thủ đô. Nơi đây công chúng Thủ đô và du khách đã không ít lần đã được thưởng lãm những nét văn hoá độc đáo trong nền văn hoá Chăm đậm đà bản sắc, do chính các chủ thể văn hoá giới thiệu.
Khu đền tháp Chăm còn góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm. Cùng với cảnh quan nơi đây góp phần tôn lên vẻ đẹp bức tranh văn hoá của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Nền văn hóa Chăm đa sắc màu
Trải qua chiều dài lịch sử, đồng bào Chăm hình thành, lưu giữ một nền văn hoá phong phú, đặc sắc được phản chiếu qua những sinh hoạt của cộng đồng, không gian lễ hội truyền thống, các phong tập, tục quán, tín ngưỡng lâu đời.
Trong năm, đồng bào Chăm có nhiều lễ hội, thu hút sự tham gia của cộng đồng. Trong đó có lễ hội cầu mưa, lễ hội Ka-tê, lễ hội Ranuwan, lễ hội Roya Phik-trok, lễ hội Tháp Bà Po Nagar, lễ mở cửa tháp…
Nổi bật trong nền văn hoá Chăm đó là Tết Katê - một lễ hội dân gian đặc sắc tàng lưu một kho tàng văn hoá Chăm (tỉnh Ninh Thuận). Đây là dịp đồng bào sum họp, thực hiện các nghi thức tín ngưỡng thiêng liêng và trình diễn nền nghệ thuật dân gian giàu bản sắc. Lễ hội Katê người Chăm (đạo Bà La Môn) được tổ chức vào tháng 7 hàng năm (theo lịch Chăm) khoảng 25/9 - 25/10 dương lịch để tưởng nhớ các vị thần Pô Klong Garai, Pô Pôme... bày tỏ lòng kính trọng tới ông bà, tổ tiên.
Lễ hội diễn ra trên không gian rộng lớn, lần lượt từ đền tháp đến làng rồi về từng gia đình tạo thành một hoạt động đa dạng, phong phú với sự tham gia sôi nổi của cộng đồng. Trong dịp này, người Chăm dọn dẹp nhà cửa, diện những bộ trang phục mới, thăm hỏi chúc nhau những lời tốt lành và vui chơi, giải trí sau một năm miệt mài lao động...
|
Điệu múa rực rỡ của các vũ nữ Chăm trong Tết Katê, tổ chức tại Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam. |
Lễ hội Katê luôn gắn với các đền tháp cổ kính, nơi lưu giữ những giá trị kỹ thuật và mỹ thuật cao nhất của nền văn hoá Chăm. Lễ hội gắn với nhiều lĩnh vực khác của văn hoá Chăm như: đồ cúng tế, y phục, nhạc cụ; những bài thánh ca, ca ngợi các vị anh hùng dân tộc có công với nước với dân. Katê diễn ra trong ba ngày với hai phần Lễ và Hội. Trong phần Lễ có các nghi thức như: Đón rước phục y, lễ mở cửa tháp, lễ tắm tượng thần, lễ mặc phục y cho tượng thần, đại lễ...
Tất cả các bước hành lễ, đều có thầy cả đọc kinh, thầy đàn, thầy hát mời gọi các vị thần về chứng giám dự lễ, bà bóng thì rót rượu, dâng lễ vật lên thần linh. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm có khoảng hơn 30 bài hát trong lễ Katê tương ứng với lời mời hơn 30 vị thần. Những nghi thức hành lễ thành kính, huyền bí đầy tính tâm linh, tạo nên nét riêng có của lễ hội Katê.
Khi điệu múa thiêng kết thúc phần Lễ thì ngoài tháp Chăm bắt đầu diễn ra phần Hội. Nét văn hóa đặc trưng vùng đất Ninh Thuận hấp dẫn với nhiều tầng văn hóa giao thoa và lôi cuốn. Các điệu múa, làn điệu dân ca cộng hưởng với tiếng kèn Saranai, tiếng trống Paranưng, trống ginăng bập bùng... làm vui nhộn cả một vùng được kết thúc vào chiều tối ngày thứ hai của Lễ./.