|
Xăm cằm đã từng là một nghi thức quan trọng của người Mảng.
|
“Mảng” trong tiếng dân tộc của họ có nghĩa là người đi lang thang, gắn liền với cuộc sống “du mục” luôn di chuyển, không cố định. Điều này đã được người Mảng kể lại với nhau thông qua câu chuyện về sự ra đời của dân tộc mình. Truyền thuyết người Mảng kể rằng, ông trời thả con người từ một quả bầu xuống nhân gian, trong quả bầu có rất nhiều dân tộc, người Mảng đi ra sau cùng, nên phải ở gần những con suối, cũng phải thường xuyên di cư nay đây, mai đó.
Người Mảng là cư dân "ăn nương" chuyên sống bằng nông nghiệp nương rẫy theo lối sống du canh, du cư. Cuộc sống của họ từ xa xưa gắn liền với những nương rẫy không mấy màu mỡ, vì vậy, họ thường thiếu thốn lương thực. Cũng bởi lẽ đó, người Mảng đề cao tính nết chăm chỉ, siêu năng của tất cả mọi người trong cộng đồng.
|
Gia đình phải chuẩn bị lễ vật thật cẩn thận, nghiêm túc cho con cháu đến tuổi xăm cằm.
|
Tục lệ xăm cằm của người Mảng, để biểu thị cho sự chăm chỉ, ngoan ngoãn, biết vâng lời của họ. Điều này, bắt nguồn từ một truyền thuyết xa xưa kể lại. Ngày xưa có đôi vợ chồng trẻ ban đầu rất yêu thương nhau, chăm chỉ lao động. Nhưng từ khi chị vợ sinh được một bé trai kháu khỉnh thì trở nên lười biếng, hay mắng nhiếc, đay nghiến chồng.
Người chồng đi làm nương rẫy vất vả nhưng về nhà vẫn phải làm đủ mọi việc. Hôm ấy, sau một ngày ra suối lặn ngụp bắt cá nhưng chỉ bắt được vài con cá bé tý, chị vợ hết lời mắng nhiếc chồng. Buồn tủi, anh chồng ra bờ suối ngồi than thở thì Thần Chông Gô Chươi Lụa hiện ra đưa cho anh chồng một sợi dây đen và bày cho anh về nhà cắm lá xanh ở hai đầu cầu thang rồi lấy kim khâu bớt mồm vợ lại. Tuy nhiên, vì người vợ không chịu, nên anh chồng quyết định lấy kim chọc từng lỗ dưới cẳm, rôi bôi nước từ lá chàm lên để giả vờ làm vết chỉ khâu. Từ đó, người vợ trở nên chăm chỉ, cùng chồng làm nương rẫy. Người trong bản làng thấy vậy, cũng học tập theo, lâu dần hình xăm được biến đổi nhiều hoa văn, họa tiết trở nên đẹp hơn rất nhiều.
Cũng bởi truyền thuyết này, thanh niên người Mảng từ 12 tuổi trở lên sẽ được xăm cằm và ngày chọn để tổ chức lễ xăm cằm phải những ngày đẹp trong tháng 10 âm lịch hàng năm. Để xăm cằm, mỗi gia đình người Mảng sẽ phải lo đồ cúng, mời thầy cúng và chuẩn bị lễ lạt cho con cháu trong nhà.
Thầy cúng làm lễ thắp hương thần linh, tổ tiên của người được xăm cằm, để chứng nhận con cháu là người trong dòng họ và đã trưởng thành. Lễ vật cúng gồm một con gà luộc, hai con sóc sấy khô, hai quả trứng, một bát gạo, rượu và nước lã. Sau đó, bắt đầu nghi lễ xăm cằm, việc xăm dùng kim và một loại nước lá. Có nhiều hình xăm, nhiều hoa văn, họa tiết khác nhau để người Mảng lựa chọn.
Việc xăm cằm không chỉ đại diện cho tính cách chăm chỉ, siêng năng, cần cù mà mỗi người Mảng cần. Nó còn đại diện sự hòa hợp giữa đất trời, mong muốn được về với tổ tiên, cội nguồn sau khi hết kiếp người. Bởi lúc ở trần gian, những người Mảng ngoan ngoãn, siêng năng, chăm chỉ, thì khi chết đi, họ mới có thể được siêu thoát về với ông bà tổ tiên, dòng họ của mình.
Chính vì vậy, xưa kia, đây là một nghi thức không thể thiếu của mỗi người Mảng. Bởi nó không chỉ liên quan đến người sống, mà còn ảnh hưởng đến cả cái chết của họ. Nếu như đến các bản làng của người Mảng hiện nay, vẫn còn thấy những hình xăm mờ mờ của các cụ già. Đối với họ, hình xăm từng là niềm tự hào đại diện cho sự trưởng thành được cả cộng đồng chấp nhận.
Ngày nay, con cháu người Mảng đã không còn duy trì tục lệ xăm cằm này nữa. Vì họ cảm thấy nó không đẹp, không phù hợp đời sống, quan niệm thẩm mỹ hiện đại. Cho nên, chỉ còn những người già trong làng là có ký ức về nghi thức trưởng thành này.