Đặc sắc văn hóa dân tộc Dao

Thứ hai, 22/11/2021 20:18
(ĐCSVN) – Sinh sống lâu đời ở các tỉnh phía Bắc đất nước, đồng bào dân tộc Dao đã tạo dựng nên một đời sống vật chất, tinh thần đặc sắc. Góp phần làm phong phú cho sự đa dạng của bức tranh văn hóa cộng đồng 54 dân tộc anh em.

Theo thống kê dân số năm 2019, đồng bào Dao có 891151 người, sinh sống chủ yếu tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Cũng như nhiều dân tộc anh em cùng chung sống trên dải đất hình chữ S, đời sống văn hóa – tinh thần của người Dao rất phong phú thể hiện qua hệ thống lễ hội cổ truyền, các phong tục tập quán lâu đời. Nền văn hóa có ngôn ngữ, chữ viết, phong tục tập quán, truyện, thơ, tục ngữ, dân ca, dân vũ, mỹ thuật...trong đó có nhiều lễ tục, diễn xướng dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tiêu biểu trong các là nghi lễ là: Lễ cúng Bàn Vương, Lễ Cấp sắc và Lễ hội Tết Nhảy.

Trong các nghi lễ cổ, Tết Nhảy là một hoạt động dân gian phản ánh văn hóa tâm linh, thế giới quan, vũ trụ quan, nhân sinh quan cũng như quan niệm về 3 tầng thế giới của người Dao. Truyền thuyết về Bàn Hồ kể về lai lịch, sự hình thành các nhóm Dao và quá trình di cư của người Dao, được nghi thức hóa trong Tết Nhảy (hay múa Rùa). Tết Nhảy nhằm mục đích cúng Bàn Vương và luyện tinh binh bảo vệ cuộc sống. Tết Nhảy là cách người Dao thể hiện ý niệm về nguồn gốc và lịch sử của dân tộc mình. Một số dòng họ Triệu, Bàn, Phùng, Dương làng Bình Sơn, xã Cẩm Bình (Thanh Hoá), vẫn còn duy trì nghi lễ này.

 Tết Nhảy của người Dao giới thiệu tại Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô (Sơn Tây – Hà Nội).

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tín ngưỡng của người Dao là tín ngưỡng đa thần nguyên thủy. Đó là mọi vật đều có linh hồn và có nhiều loại ma, nhiều vị thần. Trong lễ hội, ngoài nghệ thuật biểu diễn độc đáo, đặc sắc của loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian mang đậm nét văn hóa tâm linh của người Dao.

Cũng như nghi lễ Tết Nhảy, Lễ Cấp Sắc là một nghi lễ dân gian nổi bật của người Dao đỏ, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời người đàn ông. Được cấp sắc nghĩa là họ đã trưởng thành, đã có thể làm thầy, làm chỗ dựa vững chắc cho gia đình và được dòng họ, xóm làng tôn trọng. Đây là nghi lễ lớn cả về vật chất, tinh thần - tâm linh, nên gia đình làm Lễ hết sức cẩn thận, phải chuẩn bị 3 con lợn, khoảng 40 lít rượu, 5 con gà và 1,5 tạ gạo, sau đó mời 7 thầy cúng làm lễ suốt 2 ngày 2 đêm. Đây là nghi lễ quan trọng, thẩm thấu trong đời sống người Dao nên được đồng bào ở một số địa phương duy trì đến ngày nay. Cùng những lễ nghi truyền thống trên, người Dao (nhóm Quần Chẹt) còn duy trì một số lễ hội đặc trưng như lễ Cầu mùa vào tháng tư hay tết cổ truyền vào tháng 12 âm lịch...

Về canh tác sản xuất của người Dao, đồng bào làm nương rẫy, thổ canh trên hốc đá và canh tác ruộng. Cây lương thực chính của họ là lúa, ngô và các loại rau màu như bầu, bí, khoai... Nghề trồng bông, dệt vải phổ biến ở các nhóm Dao và họ ưa dùng vải nhuộm chàm. Các bản làng người Dao hầu hết đều có lò rèn để sửa chữa nông cụ, nhiều nơi còn làm súng hoả mai, súng kíp, đúc những hạt đạn bằng gang. Người Dao cũng có nghề thợ bạc là nghề gia truyền, chủ yếu làm những đồ trang sức...

 Lễ cấp sắc của người Dao đỏ (Sa Pa - Lào Cai).

  Trong trang phục truyền thống, phụ nữ Dao mặc rất đa dạng, thường mặc áo dài, yếm, váy hoặc quần, y phục thêu có gam mầu rực rỡ. Bộ y phục chính của người phụ nữ Dao là chiếc áo được thiết kế dài đến gần đầu gối. Cổ áo được thiết kế theo hình chữ V có thêu hoa văn, lưng áo cũng thêu hoa văn. Còn đàn ông Dao, trước đây để tóc dài, búi sau gáy hoặc để chỏm tóc dài trên đỉnh đầu, xung quanh cạo nhẵn.

Đồng bào Dao có kho tàng tri thức về y học phong phú, do quá trình dài sinh sống trên núi cao, người dân trong bản ốm đau đều tự chữa bằng cây thuốc mọc trong tự nhiên. Do vậy người Dao đúc kết được những bài thuốc dân gian quý, khá đa dạng và phong phú. Bà con hái thuốc từ rừng, trên vách đá, bên bờ khe suối, có loại lấy lá, loại lấy vỏ, quả. Có vị thuốc sắc để chữa đường ruột, đau xương, có vị đun lấy nước tắm gội chữa các bệnh ngứa, lở loét…

Trong đời sống văn hoá, hát Páo Dung là một báu vật văn hóa của dân tộc Dao. Loại hình văn hoá này thể hiện tâm tư, tình cảm và ước vọng của người Dao trong cuộc sống. Ở mỗi ngành Dao, hát Páo Dung có sự thể hiện khác nhau qua âm điệu trầm kéo dài, cao hay bay bổng. Dù có sự khác nhau về cách thể hiện giữa các ngành Dao, nhưng những làn điệu Páo Dung mang đặc điểm chung đề cao lẽ sống, cách ứng xử, ca ngợi thiên nhiên và tinh thần lao động sáng tạo. Nghệ thuật hát Páo Dung của người Dao đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bài, ảnh: Thanh Bình

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực