|
Chương trình nước sạch đã được dầu tư cho 11 xã, thị trấn huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
|
Ông Nguyễn Quang Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé cho biết: Nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo, những địa bàn khó khăn, người nghèo có điều kiện sản xuất, đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo hơn 74% vào năm 2015 đến nay giảm đi chỉ còn gần 59%, có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, văn hóa, xã hội chuyển biến tích cực, chất lượng sự nghiệp giáo dục, y tế được nâng lên.
Một trong những chính sách đã làm thay đổi diện mạo huyện Mường Nhé (Điện Biên) những năm qua chính là thực hiện Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ. Toàn huyện đã hoàn thành việc hỗ trợ làm nhà ở cho hơn 3.300 hộ dân, điều này đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của vùng nông thôn miền núi biên giới. Mường Nhé là vùng đất có rất nhiều dân tộc ít người sinh sống như: La Hủ, Hà Nhì, Cống, Kháng, Xạ Phang, Dao, Si La, Khơ Mú, Mông, Thái… Nhằm đảm bảo người dân nghèo có ngôi nhà ở vững chắc, nhiều ban ngành vào cuộc, nhất là các đơn vị Bộ đội Biên phòng đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Huyện chỉ đạo cho các xã rà soát, bình xét và thống kê các hộ nghèo thật sự cần được hỗ trợ nhà ở để có kế hoạch thực hiện. Triển khai cán bộ xuống các bản tổ chức tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số về chủ trương, chính sách Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ các hộ nghèo làm nhà.
Các xã đã hoàn thành việc định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số như: Mường Nhé, Sín Thầu, Chà Cang, Mường Toong, Chung Chải, Huổi Lếch, Leng Su Sìn, Nậm Kè, Pá Mỳ, Sen Thượng... "An cư - lạc nghiệp" điều mà các hộ dân nghèo của huyện Mường Nhé hằng mơ ước đến nay đã thành hiện thực. Sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở, các hộ nghèo đã ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất phát triển kinh tế. Tại các bản định cư, đồng bào dân tộc thiểu số còn được các chương trình nước sạch sinh hoạt, cung cấp giống cây trồng, cấp muối I ốt… Việc đầu tư xây dựng trường học, trạm y tế xã tại 11 xã, thị trấn, ngoài ra còn được các tổ chức xã hội, từ thiện quan tâm đầu tư lớp học tại cụm bản vùng cao cho trẻ em học mầm non hoặc tiểu học.
Mường Nhé từ một huyện nghèo, giao thông không thuận lợi, tiềm năng thế mạnh không có gì đáng kể nhưng nhờ sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước cùng những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mường Nhé mà cuộc sống người dân được cải thiện rất nhiều so với trước đây.
Ông Lò Văn Vanh, bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé cho biết: Trước đây, đời sống của người dân rất khó khăn, thiếu thốn. Nhưng nhờ được Nhà nước đầu tư về cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi,…người dân bản Phiêng Vai chúng tôi triển khai mô hình trồng cây cam, mô hình chăn nuôi lợn, trâu bò giúp nhiều hộ gia đình có đời sống ổn định. Mỗi năm thu nhập từ nuôi lợn, chăn nuôi trâu, bò, nhiều gia đình có thu nhập hàng chục triệu đồng.
Chia sẻ về những đổi thay trong cách nghĩ, cách làm trong hỗ trợ người dân, ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé cho biết: Quá trình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới đã có sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cấp, các ngành và người dân. Các cấp ủy Đảng, chính quyền thường xuyên đổi mới nội dung lãnh đạo, xác định đúng nội dung, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện trong xây dựng Nông thôn mới. Xác định rõ nội dung trọng tâm cần tập trung, tránh dàn trải; thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng Nông thôn mới theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, hoàn thành tiêu chí nào chắc tiêu chí đó.
Nhờ đó, đến nay huyện Mường Nhé đạt bình quân 9,64 tiêu chí/xã; có 1 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới (xã Sín Thầu); có 4 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 6 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí và không còn xã dưới 5 tiêu chí. Về kết quả triển khai thực hiện xây dựng thôn, bản Nông thôn mới, đến nay bình quân số tiêu chí đạt 8,2 tiêu chí/bản. Quá trình triển khai xây dựng Nông thôn mới đã thực sự tạo ra những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển mọi mặt trong toàn huyện.
Trong năm 2022, huyện Mường Nhé phấn đấu số tiêu chí đạt bình quân/xã tăng từ 9,64 tiêu chí lên 10,45 tiêu chí; có thêm 1 xã đạt chuẩn Nông thôn mới; có 1 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 4 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 5 xã còn lại đạt từ 6 - 9 tiêu chí. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm trên 7% so với năm 2021; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 25%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 99%; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia đạt 95%. Để đạt được mục tiêu đề ra đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thời gian tới.
Thiếu tá Chu Ngọc Lệ, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Leng Su Sìn cho biết: Đơn vị đã phối hợp với chính quyền hai xã Leng Su Sìn, Chung Chải triển khai hiệu quả phong trào thi đua "Bộ đội biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”. Hơn 20 bản của các địa phương trên xây dựng nếp sống văn hóa mới, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông, Hà Nhì. Già làng, trưởng bản nơi đây nhắc nhở con cháu nhớ ơn Anh hùng Lực lượng Vũ trang Trần Văn Thọ, cán bộ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, người đã gom dân, lập bản, về xuôi gùi lên thóc giống, lưỡi cày, dạy dân trồng lúa nước, dạy trẻ em múa, hát, học chữ, vận động người dân từ bỏ hủ tục, không nghe theo lời kẻ xấu.
Mường Nhé hôm nay đã mang một diện mạo mới. Đồng bào các dân tộc thiểu số ổn cư, kinh tế - xã hội phát triển, giao thông thuận lợi, tình hình an ninh quốc phòng ổn định, đời sống nhân dân được nâng lên. Nạn chặt phá rừng làm nương, di dịch cư không còn xảy ra; an ninh biên giới đất liền, chủ quyền lãnh thổ được giữ vững. Những thành quả đó có một phần đóng góp không nhỏ của đồng bào các dân tộc, ý Đảng hợp lòng dân.