Bắc Hà: Người Mông lan tỏa từ Chỉ thị số 05 tới đồng bào

Thứ tư, 27/10/2021 16:43
(ĐCSVN) - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị 05-CT/TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã xác định những nội dung trọng tâm, trọng điểm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Trong đó, việc chú trọng động viên, khuyến khích, tạo cơ hội cho người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Mông nêu gương sáng đã tạo sự lan toả, chuyển biến tích cực.
Khởi sắc nông thôn mới vùng cao Bắc Hà. 

Cao nguyên trắng Bắc Hà hôm nay chứng kiến những đổi mới to lớn đang diễn ra ở 1 trong 3 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, của tỉnh Lào Cai. Đưa chúng tôi đi thăm thú vùng đất này, ông Đoàn Ngọc Tuyến, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Bắc Hà tự hào cho biết, có được kết quả này bên cạnh sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, đã tạo động lực cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Bắc Hà nêu cao tinh thần đoàn kết, thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, chung sức xây dựng nông thôn mới và để tạo được sự đổi thay kỳ diệu này  có công sức đóng góp của những già làng, người cao tuổi, cán bộ hưu trí vốn là người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Mông nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số, gương mẫu, đầu tầu thực hiện và làm tốt công tác vận động quần chúng, "dân vận khéo" ở cơ sở gắn với việc học Bác…

Đến nay, Bắc Hà đã khôi phục và tổ chức theo lịch trình nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số và đồng bào Mông nói riêng, tiêu biểu như: Lễ hội Say Sán, lễ cúng rừng… Hiện, cao nguyên trắng đã và đang nổi tiếng trong nước với giải đua ngựa truyền thống Bắc hà mở rộng và các hoạt động văn hóa- văn nghệ, thể thao dân tộc truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có các trò chơi dân gian bắn cung, đánh quay, kéo co, đẩy gậy, múa sênh tiền, múa khèn, võ cổ truyền, dân ca Mông… đã tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn khách du lịch và Giải này đã được duy trì tổ chức đều đặn vào dịp hè hàng năm kể từ năm 2007 đến nay…

Bắc Hà có dân số trên 6,5 vạn người, thuộc 14 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 85% dân số, riêng người Mông chiếm trên 48,3% dân số. Đời sống của đồng bào vẫn còn không ít khó khăn, nghèo khó, trình độ dân trí của một bộ phận còn hạn chế… nên vẫn còn tồn tại các hủ tục lạc hậu trong việc cưới việc tang, mê tín, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước và đặc biệt đây còn là “điểm nóng” về an ninh - chính trị, một bộ phận đồng bào do nhận thức hạn chế đã bị kẻ xấu dụ dỗ lôi kéo chống phá, hoạt động đạo trái pháp luật, di cư tự do… tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, xuất cảnh trái phép sang bên kia biên giới làm thuê và bao hệ lụy vẫn còn dai dẳng trong đời sống…

Chính vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp gắn với thực hiện Nghị quyết trung ương 4, khóa XII của Đảng và chỉ thị số 05 của Bộ Vhính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… huyện Bắc Hà đã chú trọng quan tâm phát hiện, bồi dưỡng phát huy vai trò của người có uy tín, nhất là trong cộng đồng dân tộc Mông. Qua đó, họ đã và đang phát huy vai trò là "cầu nối" giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân; là hạt nhân tiêu biểu, gương mẫu trong công tác tuyên truyền, vận động, triển khai các phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh ở cơ sở.  

Đồng bào Mông Bắc Hà tích cực chung sức xây dựng nông thôn mới.

"Mong rằng đồng bào các xã miền ngược thi đua với Bản Phố trong công việc xóa nạn mù chữ, đồng bào Bản Phố thì nên thi đua học bổ túc văn hóa để nâng cao hơn nữa trình độ hiểu biết của mình” - những lời nhắn nhủ, khen ngợi ấy được Hồ Chủ tịch viết trong bài báo “Một thắng lợi mới” đăng trên báo Nhân Dân năm 1962 ghi nhận thành tích thực hiện xóa mù chữ cho đồng bào Mông bằng tiếng Mông ở xã Bản Phố, huyện Bắc Hà. Và cho đến tận hôm nay, những lời nhắn nhủ, tin tưởng ấy là nguồn động lực to lớn để cán bộ, đảng viên và đồng bào dân tộc Mông xã vùng cao Bản Phố nói riêng và các xã vùng cao, vùng đồng bào Mông khác của huyện Bắc Hà thi đua phấn đấu học tập, rèn luyện, lao động và sản xuất, xứng đáng với sự tin yêu của Người.

Nổi bật như tấm gương học Bác của ông Lý Xuân Diu, xã Bản Phố và ông Tráng A Vu, xã Tả Văn Chư - người sáng lập ra dòng họ Lý và họ Tráng hiếu học tiêu biểu. Đây là 2 trong số 3 dòng họ hiếu học trong cộng đồng dân tộc thiểu số tiêu biểu của tỉnh Lào Cai đã được các cấp, các ngành tôn vinh, Trung ương và tỉnh trao tặng Bằng khen gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học tiêu biểu và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Tre già măng mọc, phát huy truyền thống tự hào quê hương, suốt gần 15 năm qua, Đại úy Tráng Seo Phong, Bí thư Chi bộ, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Bắc Hà và cũng là người có uy tín trong cộng đồng người Mông hiện nay đã và đang tích cực rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu tốt chức trách, nhiệm vụ, xứng đáng danh hiệu chiến sỹ công an nhân dân.

Anh Phong chia sẻ: "Với đặc thù của lực lượng An ninh. Bắc Hà là huyện nghèo, trên 85% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào Mông chiếm trên 48% dân số cư trú ở xã xã vùng cao, vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn luôn tiềm ẩn nguy cơ phá hoại của các thế lực chống phá cách mạng, ảnh hưởng an ninh- chính trị, an ninh nông thôn… Được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng giao nhiệm vụ, tôi và các chiến sỹ chủ động bám cơ sở, nhất là các điểm nóng để nắm bắt, có phương án xử lý kịp thời, trong đó chú trọng làm công tác dân vận khéo, tạo niềm tin với đồng bào”.

Trong 5 năm gần đây, Đội An ninh, Công an huyện Bắc Hà đã vinh dự được Bộ Công an tặng Bằng khen, Giám đốc Công an tỉnh tặng nhiều Giấy khen và là đơn vị quyết thắng nhiều năm liền vì có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua vì an ninh tổ quốc. Riêng với bản thân Đại úy Tráng Seo Phong cũng đã vinh dự được nhận Bằng Khen của Bộ Công an, nhiều năm liền là chiến sỹ thi đua cơ sở và nhiều danh hiệu thi đua khác…

Trở lại câu chuyện với Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Bắc Hà Đoàn Ngọc Tuyến, anh được nhiều người dân biết đến nhờ chú trọng phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là vùng đồng bào Mông đã phát huy vai trò là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với người dân, tuyên truyền, vận động đồng bào Mông không nghe kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo chống phá cách mạng, di dịch cư trái phép, xuất cảnh làm thuê trái phép ảnh hưởng an ninh - chính trị, trật tự - an toàn, xã hội, ổn định đời sống và sản xuất, từng bước an cư, lạc nghiệp, tích cực học Bác,  thi đua yêu nước, sản xuất và kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế, góp phần thực hiện thành công, thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, đặc biệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2015- 2020.

Toàn huyện hiện có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây thực sự là thành tích nổi bật đáng biểu dương đối với một huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, tạo động lực niềm tin để Bắc Hà vững bước trên đường Đổi mới.

Bài, ảnh: KC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực