Nghị quyết nhằm thực hiệu có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa trên cơ sở kế thừa những tinh hoa văn hóa của các thế hệ trước, làm cho giá trị của các di sản văn hóa thấm sâu, lan tỏa trong đời sống xã hội. Khai thác, phát huy có hiệu quả di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình gắn với phát triển du lịch bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Nghị quyết, từ nay đến năm 2025, Hòa Bình sẽ phấn đấu tổ chức lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường trình tổ chức UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. 30% di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc tỉnh Hòa Bình được kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, trong đó lập hồ sơ 6 di sản văn hóa phi vật thể đề nghị công nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 50% di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc tỉnh Hòa Bình trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được bảo tồn, phát huy. Đầu tư xây dựng 02 mô hình bảo tồn làng, bản văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Tiếp tục xét đề nghị phong tặng danh hiệu cho 02 "Nghệ nhân Nhân dân" và 10 "Nghệ nhân ưu tú" trong các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc tỉnh Hòa Bình; 80% Nghệ nhân nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc tỉnh Hòa Bình được tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Khôi phục, bảo tồn 6 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc tỉnh Hòa Bình gắn với xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, có sức hấp dẫn. Đầu tư xây dựng Khu không gian bảo tồn di sản văn hóa Mo Mường gắn với dịch vụ du lịch tại huyện Cao Phong. 70% hiện vật, cổ vật, bảo vật tại Bảo tàng tỉnh được quản lý trên phần mềm; tiến hành số hóa để quảng bá giới thiệu trên môi trường mạng. 05 di tích cấp quốc gia và 10 di tích cấp tỉnh có giá trị tiêu biểu có dấu hiệu xuống cấp được đầu tư tu bổ, phục hồi. 10% di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng được quảng bá, thu hút đầu tư khai thác phục vụ phát triển du lịch.
|
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình. (Ảnh minh họa: Thu Thủy) |
Định hướng đến năm 2030 sẽ có 50% di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc tỉnh Hòa Bình (tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian, tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian) được kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, trong đó lập hồ sơ 7 di sản văn hóa phi vật thể đề nghị công nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 80% di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc tỉnh Hòa Bình trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được bảo tồn, phát huy. Đầu tư xây dựng 02 mô hình bảo tồn làng, bản văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Tiếp tục xét đề nghị phong tặng danh hiệu cho 05 "Nghệ nhân Nhân dân" và 20 "Nghệ nhân ưu tú" trong các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc tỉnh Hòa Bình; 50% Nghệ nhân nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc tỉnh Hòa Bình được tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Bên cạnh đó, khôi phục bảo tồn lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc Hòa Bình gắn với xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, có sức hấp dẫn. Đầu tư xây dựng Khu không gian bảo tồn di sản văn hóa Mo Mường gắn với du lịch tại huyện Tân Lạc. 90% hiện vật, cổ vật, bảo vật tại Bảo tàng tỉnh được quản lý trên phần mềm; tiến hành số hóa để quảng bá giới thiệu trên môi trường mạng. 05 di tích các cấp quốc gia và 15 di tích cấp tỉnh có giá trị tiêu biểu có dấu hiệu xuống cấp được đầu tư tu bổ, phục hồi. 10% di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng được quảng bá thu hút đầu tư khai thác phục vụ phát triển du lịch. Hỗ trợ bảo tồn 2 xóm, bản còn lưu giữ được nhà sàn truyền thống của các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông tỉnh Hòa Bình gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Nghiên cứu đề xuất lập hồ sơ 01 di sản văn hóa văn hóa tiêu biểu của tỉnh trình UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa của nhân loại.
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc; Tăng cường quản lý Nhà nước đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc. Hỗ trợ nghiên cứu, bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa phi vật thể của các dân tộc có nguy cơ mai một gồm: Tiếng nói, chữ viết, trang phục truyền thống, các môn thể thao và trò chơi dân gian tiêu biểu của 05 dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông.
Hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ dân ca, dân vũ và nhạc cụ truyền thống các dân tộc tỉnh Hòa Bình tại cộng đồng. Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc. Xây dựng chính sách và cơ chế tài chính đặc thù để huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại để phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng các sản phẩm văn hóa chất lượng cao; đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ 4.0, ứng dụng công nghệ thông minh vào hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc. Nâng cao năng lực làm chủ công nghệ, nghiên cứu phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp văn hóa phục vụ thương mại nhằm quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa các dân tộc Hòa Bình trong nước và trên thế giới. Sưu tầm, biên soạn, phát hành sách giới thiệu về các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc tỉnh Hòa Bình, các di tích văn hóa - lịch sử, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của tỉnh; xây dựng phim tư liệu giới thiệu văn hóa phi vật thể tiêu biểu của 05 dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông tỉnh Hòa Bình.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình sẽ tuyên truyền nâng cao nhận thức, tổ chức phổ biến, truyền dạy các di sản văn hóa. Tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư hằng năm để thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực du lịch để giới thiệu những di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình; tuyên truyền đến người dân, du khách nâng cao ý thức và tinh thần tự hào đối với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tổ chức các hoạt động giao lưu giới thiệu di sản văn hóa giữa các dân tộc và giữa các vùng miền thông qua các hội thi, liên hoan hát dân ca, trình diễn trang phục truyền thống, nghề thủ công, ẩm thực... của các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Đẩy mạnh liên kết sản xuất hàng hóa công nghiệp văn hóa; Huy động các nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc.