|
Người dân Buôn Đôn vệ sinh ao nuôi cá trước khi nuôi thả vụ cá mới. |
Chú trọng thay đổi tư duy sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số
Huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắc Lắc) là vùng đất có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra mưa lũ và hạn hán, đất đai cằn cỗi. Nền nông nghiệp kém phát triển, nông dân chủ yếu làm lúa một vụ và trồng điều, thu nhập bấp bênh. Xác định nông nghiệp vẫn là mặt trận hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã chú trọng công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thay đổi tư duy sản xuất cho người dân, đặc biệt là đồng bào vùng dân tộc thiểu số.
Dưới sự chỉ đạo tích cực, kịp thời của Huyện ủy, HĐND huyện; UBND huyện chỉ đạo các ngành, UBND các xã triển khai, thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong kế hoạch, khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế của huyện trong sản xuất, chú trọng công tác an sinh xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Nhiều nông dân trên địa bàn huyện được tham gia tập huấn, trang bị được kiến thức, kinh nghiệm các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt. Cùng với đó, đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển kinh tế trang trại giai đoạn 2016 - 2020” do UBND huyện Buôn Đôn triển khai quyết liệt đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của người dân, đặc biệt là khu vực biên giới. UBND huyện Buôn Đôn cho triển khai thí điểm các mô hình cây trồng phù hợp với chất đất của từng vùng trong huyện và hỗ trợ, tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt đối với vùng biên giới có điều kiện kinh tế khó khăn và người dân tộc thiểu số, trong đó hướng đến phát triển cây nông nghiệp có múi. Bước đầu đã có nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Buôn Đôn cho biết, từ khi triển khai đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển kinh tế trang trại giai đoạn 2016 - 2020”; Nghị quyết số 24 về việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất gắn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, huyện đã có hơn 600 ha cam, quýt, bưởi, mít… đang phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch. Không chỉ mở ra hướng đi mới trong phát triển sản xuất, đề án còn giúp đồng bào thay đổi “cách nghĩ, cách làm”, tuân thủ quy trình canh tác, áp dụng khoa học - kỹ thuật. Nhiều mô hình đã đạt tiêu chuẩn VietGAP và dần xây dựng được thương hiệu trong tỉnh.
Phát triển kinh tế từ thế mạnh tự nhiên đem lại
|
Hồ thủy lợi Sêrêpôk 3 |
Buôn Đôn còn có hồ thủy lợi Sêrêpôk 3 rộng khoảng 3.700 ha, với đặc điểm không khi nào hết nước, kể cả mùa khô cao điểm; có thể dẫn nguồn nước tưới về cho các xã mà không cần lắp máy bơm. Trước lợi thế tự nhiên của hồ thủy lợi Sêrêrpôk, tập thể lãnh đạo huyện Buôn Đôn quyết định thực hiện Dự án dự án xây dựng Hệ thống sử dụng nước tưới Buôn Đôn từ hồ Sêrêpôk 3. Theo đồng chí Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn Ya Toan Ênuôl cho biết” Nhờ lợi thế tự nhiên mà dự án hệ thống tưới nước này chỉ cần đầu tư hệ thống đường ống dẫn nước, chi phí hợp lý, thời gian sử dụng lâu; quá trình thực hiện dự án, có thể tận dụng mặt nước hồ để cho thuê làm du lịch sinh thái, điện năng lượng mặt trời.
Được biết hiện nay, HĐND tỉnh Đắk Lắk vừa thông qua danh mục 3 dự án đầu tư trong thời gian tới, trong đó có dự án xây dựng Hệ thống sử dụng nước tưới Buôn Đôn từ hồ Sêrêpôk 3. Mục tiêu của dự án là cấp nước tưới tự chảy cho diện tích đất nông nghiệp canh tác đang thiếu nước, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt, chăn nuôi cho người dân ở khu vực hạ du hồ Sêrêpôk 3; góp phần thực hiện thắng lợi tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, giữ vững an ninh chính trị, củng cố an ninh quốc phòng vùng biên giới.
Dự án này cấp nước tưới tự chảy có mục tiêu phục vụ cho 7.500 ha đất canh tác của 4 xã (từ cao trình tự nhiên 260m trở xuống); tạo nguồn tưới bơm cho khoảng 1.500 ha chủ yếu của xã Tân Hòa (từ cao trình tự nhiên 260m đến 300m); cấp sinh hoạt cho 4 xã với dân số 32.000 người; cấp nước phục vụ chăn nuôi 1,5 triệu m3/năm. Khi công trình này hoàn thành không chỉ giải quyết được khâu nước tưới cho hàng ngàn ha trồng lúa, hoa màu, cây ăn quả mà còn cung cấp lượng nước sinh hoạt cho hàng ngàn người dân khu vực lân cận.