Khai thác nét đẹp văn hóa dân tộc thông qua các lễ hội truyền thồng Việt Nam để phát triển du lịch

Thứ hai, 22/11/2021 10:48
(ĐCSVN) - So với các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam được coi là quốc gia có nhiều lễ hội truyền thống nhất. Các lễ hội truyền thống tại Việt Nam diễn ra quanh năm, mang nhiều nét văn hóa đặc trưng của địa phương và quốc gia. Nhưng thực tế hiện nay cho thấy, các lễ hội dân gian hiện nay đang bị khai thác tràn lan, không mang tính hiệu quả kinh tế - xã hội mong muốn, trong đó có lĩnh vực du lịch. Trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm tổ chức lễ hội của Thái Lan, hy vọng ngành du lịch Việt Nam có thể khai thác được tài nguyên của mình để ngày càng phát triển, cạnh tranh được với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
 Tái hiện lễ hội Tịch điền của Vua Hùng.

Khái quát về các lễ hội truyền thống của Việt Nam

Trong các loại hình du lịch, du lịch lễ hội, trong đó có các lễ hội truyền thống địa phương, luôn được du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, ưa thích và chọn lựa. Ở Việt Nam, theo thống kê hiện nay quanh năm đều có lễ hội, khắp các vùng miền đều có lễ hội, đã có rất nhiều lễ hội cổ truyền và lại thêm không ít các lễ hội mới. Ngành văn hóa đã đưa ra một thống kê sơ sơ như sau: Hiện cả nước có gần 9000 lễ hội, trong đó có khoảng 7000 lễ hội dân gian truyền thống, gần 1400 lễ hội tôn giáo, hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng,... và ngoài ra còn khoảng gần 30 lễ hội du nhập từ nước ngoài vào. Đó là chưa kể các lễ hội nội bộ (ngành, địa phương, đơn vị, dòng họ,...) mà ngành văn hóa không nắm hết được. Có người đã nhẩm tính: bình quân mỗi ngày nước ta có đến trên dưới 20 lễ hội đã có đăng ký!

Như chúng ta đều biết, không kể các lễ hội tôn giáo, mỗi lễ hội cổ truyền cũng như lễ hội lịch sử, cách mạng đều được hình thành trong quá trình lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Mỗi lễ hội đều có nét tiêu biểu riêng và chứa đựng trong đó nhiều giá trị văn hóa cao đẹp, đậm đà bản sắc Việt. Mỗi lễ hội đều hướng tới một nhân vật (hoặc một tập thể nhân vật) được coi là linh thiêng, cần được tôn kính, ghi ơn, và phải được các đời sau tưởng nhớ, cúng giỗ chân thành. Đó là các anh hùng dân tộc trong chống ngoại xâm, là các danh nhân văn hóa, là những người có công lao to lớn đối với việc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế- xã hội ở từng địa phương cũng như với cả nước, là những người có công truyền nghề, chống thiên tai, khai phá đất hoang mở đất, lập làng ấp mới, là những người hy sinh vì nghĩa lớn, là những người giàu lòng nhân ái trong hoạt động cứu trợ đồng bào,...Lễ hội chính là thái độ thể hiện lòng biết ơn “uống nước nhớ nguồn” và sự ngưỡng vọng, tôn vinh của người đời sau đối với công lao và đức độ của các đối tượng đáng kính nói trên. Do vậy mà lễ hội được coi là nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại, là một trong những môi trường giáo dục truyền thống và văn hóa dân tộc rất tốt cho lớp trẻ, là một nhu cầu tinh thần chính đáng của mọi người, cần được trân trọng. Một đất nước có nhiều lễ hội như nước ta chứng tỏ người Việt ta đã có một bề dày văn hóa phong phú và lâu đời, rất đáng tự hào! Chúng ta còn biết phần lớn các lễ hội dân gian truyền thống đều khởi nguồn từ nhu cầu sinh hoạt tinh thần của cộng đồng làng xã thời xưa, nó gắn bó mật thiết với văn hóa làng xã, và trong buổi ban đầu lễ hội được tổ chức ở địa bàn làng xã là chủ yếu. Xét đại thể thì lễ hội về cơ bản là một hiện tượng văn hóa đẹp, lành mạnh, cần được khai thác những yếu tố tích cực để phát huy, làm cho đời sống tinh thần của xã hội thêm phong phú, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển tiến bộ. Từ ngày đất nước đổi mới đến nay, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã được phục hồi, tôn vinh và nâng cấp, trong đó đáng chú ý là các lễ hội.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia văn hóa và ngay cả người dân cũng cho rằng sự phục hồi và khai thác, tổ chức các lễ hội hiện nay hơi thái quá, thiếu sự quản lý chặt chẽ, đi chệch định hướng của Nghị quyết TW 5 về xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ đất nước phát triển và hội nhập. Cụ thể:

Thứ nhất, chủ trương xã hội hóa việc tổ chức lễ hội đã bị hiểu sai và làm sai, dẫn đến thả lỏng cho các địa phương tùy nghi vận dụng mà hệ quả là có quá nhiều biểu hiện tiêu cực trong việc tổ chức lễ hội, bao trùm lên tất cả là xu hướng thương mại hóa. Trong rất nhiều lễ hội hình như là người ta quá coi trọng mục tiêu hiệu quả kinh tế mà quên đi mục đích tôn vinh văn hóa, phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội. Rất nhiều lễ hội còn nặng hình thức, phô trương và coi nhẹ nội dung giáo dục, văn hóa. Xu hướng thương mại hóa hoạt động lễ hội bộc lộ ra quá rõ và quá nhiều đến mức bị coi là phản văn hóa, ở mọi lễ hội, kể cả lễ hội cấp quốc gia, gây phản cảm nặng nề đối với du khách trong nước và nước ngoài. Trước hết là những biến tướng trong việc xây dựng các kịch bản lễ hội. Từ nội dung đến hình thức của khá nhiều lễ hội đã bị biến dạng so với nguồn gốc ban đầu, bị pha tạp, lai căng, thậm chí cố bắt chước nước ngoài! Chẳng hạn: coi trọng phần hội hơn phần lễ, tăng cường một cách thiếu thận trọng việc sân khấu hóa nội dung cả phần lễ và phần hội, gán ghép một cách khiên cưỡng nội dung và hình thức hiện đại vào nội dung và hình thức vốn là dân gian truyền thống của lễ hội cổ truyền, gây ra sự khập khiễng, trái khoáy,... nhưng có lẽ lại phù hợp với thị hiếu của lớp trẻ! Ví dụ như các tiết mục văn nghệ trên sân khấu trong các lễ hội dân gian lại mang tính thời đại, trẻ trung, trang phục của ca sỹ phản cảm, các bài hát, điệu múa hiện đại, thị trường ... Tất cả chỉ nhằm thu hút khách đến tham dự lễ hội càng đông càng tốt để tăng nguồn thu cho địa phương và người đầu tư. Do vậy mà giá trị văn hóa của lễ hội đã bị lu mờ, nhiều lễ hội đã “mất thiêng” chính vì những biến tướng này! Xu hướng thương mại hóa còn thể hiện ở việc cho phát triển quá lộn xộn và không quản lý chặt chẽ các dịch vụ ăn theo lễ hội. Từ đấy đã nảy sinh nhiều hành vi phản văn hóa trong việc phục vụ khách, nảy sinh vô số tệ nạn xã hội ngay trong địa bàn tổ chức lễ hội : bắt chẹt khách, chèo kéo khách, cờ bạc, trộm cắp, “buôn thần, bán thánh”, gây ô nhiễm môi trường, tự động lập bàn thờ, xây miếu thờ trong khu di tích để tranh khách,...Chính sự lộn xộn này đã góp phần tai hại phá vỡ kỷ cương và không khí tôn nghiêm vốn có của lễ hội, làm lu mờ và méo mó đi các giá trị văn hóa đích thực của lễ hội. Chỉ riêng hai biểu hiện chủ yếu nêu trên của xu hướng thương mại hóa cũng đủ làm cho lễ hội ngày nay đang bị biến dạng một cách nghiêm trọng, không còn là một hoạt động văn hóa đích thực nữa!

Thứ hai, sự đồng phục hóa các lễ hội trong khâu tổ chức. Chính sự đua chen tổ chức lễ hội một cách vô tội vạ, sự học tập, tiếp thu một cách xô bồ, thiếu chọn lọc của những thôn, làng, xã tại nhiều địa phương nước ta càng làm cho bộ mặt văn hóa lễ hội thêm méo mó. Theo thống kê, nước ta hiện có gần 9000 lễ hội, tức là mỗi ngày, bình quân có tới trên dưới 20 lễ hội. Song thực tế cho thấy, hiếm tìm được lễ hội vẫn còn giữ được bản sắc riêng. Ði hội chùa Hương cũng na ná đi hội Bà Chúa Kho, đi hội Yên Tử cũng từa tựa đi hội cố đô Hoa Lư... Không khó để nhận ra, các lễ hội đang tăng mạnh về lượng, nhưng cũng giảm mạnh về chất. Ðấy là chưa tính chuyện, các địa phương còn đang có xu hướng thi nhau tổ chức các lễ hội du lịch du lịch nhưng tổ chức không đến "độ" nên hiệu quả thu được chẳng là bao.

Thứ ba, không có sức hấp dẫn với du khách: Tại sao các lễ hội ở ta nhiều như vậy, lại  được đầu tư lớn như thế song lại không đạt được kết quả như mong muốn về mục tiêu thu hút khách quốc tế? Trước hết, nhìn vào các lễ hội của chúng ta vừa qua, có thể nói vẫn còn mang nặng tính “sân khấu hóa”. Các lễ hội bao giờ cũng được mở đầu bằng một buổi lễ khai mạc với các bài diễn văn dài dòng (mà không phải khách nào cũng có thể hiểu), tiếp đó là những màn biểu diễn văn nghệ trên sân khấu. Rồi bế mạc lễ hội cũng lại thêm một buổi “sân khấu hóa” tiễn bạn nữa với những màn biểu diễn nặng về hình thức. Mô hình “sân khấu hóa” làm cho người tham gia, đặc biệt là du khách nước ngoài, cảm thấy như bị lẻ loi, lạc lõng, thay vì được hòa mình vào dòng không khí đầy lễ hội mang tính cộng đồng.

Từ những phân tích trên, rõ ràng trong khâu khai thác, tổ chức các lễ hội truyền thống của Việt Nam còn nhiều bất cập, chưa nói đến việc phát huy trong phát triển du lịch và thu hút du khách.

Bài học từ Thái Lan

Lễ hội đầu pháo biểu diễn chào năm mới của người Tày - Nùng ở Cao Bằng. 

Nhìn sang quốc gia Thái Lan, mặc dù xét về mặt số lượng, lễ hội dân gian của người Thái không thể bằng Việt Nam, nhưng khi đánh giá về chất lượng, không khó để nhận ra sự cách biệt rõ ràng. Nhìn hình ảnh hàng ngàn du khách nước ngoài nở những nụ cười hả hê khi tham gia các hoạt động của lễ hội té nước đón năm mới, một lễ hội truyền thống ở Thái Lan là một ví dụ, nhiều người đã phải thán phục về tài nghệ làm du lịch của người Thái. Tài nghệ ở đây chính là ở chỗ họ đã biến những lễ hội truyền thống cứ ngỡ của riêng dân tộc mình trở thành ngày hội chung của du khách tất cả các màu da, trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo của chỉ riêng người Thái.

Để làm được điều này, họ đã có những chiến lược và giải pháp bài bản và cụ thể. Trong đó, trước hết là công tác xúc tiến quảng bá cho lễ hội. Tại Thái Lan, trước khi diễn ra các lễ hội, từ nhiều tháng trước, các công ty lữ hành đã nhận được chương trình cụ thể của lễ hội: thời gian, địa điểm các hoạt động, kèm theo là các chương trình khuyến mãi. Từ đó, hàng loạt thông tin về lễ hội, đặc biệt là nội dung và ý nghĩa của lễ hội, đã được các doanh nghiệp lữ hành, hàng không, khách sạn... nước này chuyển đến cho du khách khiến không ít người đến với lễ hội chỉ vì tò mò.

Thứ hai, trong khâu tổ chức, họ xậy dựng kịch bản rất bài bản, hạn chế những khâu hình thức rườm rà, mất thời gian và không cần thiết (ví dụ như các bài phát biểu của hết lãnh đạo này đến nhà tài trợ nọ, các tiết mục văn nghệ không liên quan…), tập trung vào khâu biểu diễn lễ hội sao cho du khách từ khắp mọi nơi đều có thể hiểu được. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm nhưng không tẻ nhạt, khó hiểu, ngược lại, họ sử dụng cách dẫn dắt vấn đề vừa thu hút vừa mang tính đặc trưng văn hóa địa phương, ví dụ như diễn kịch, miêu tả nội dung và ý nghĩa của phần lễ với trang phục và đạo cụ truyền thống…Phần hội được tổ chức trong không gian rộng và mở, tạo điều kiện cho du khách được chiêm ngưỡng và tự mình trải nghiệm.

Thứ ba, người dân Thái luôn được biết đến với sự thân thiện, họ sẵn lòng mời khách du lịch cùng tham gia và cùng chia sẻ ý nghĩa của lễ hội đó.

Nhờ đó, các lễ hội truyền thống của Thái Lan được bạn bè trên khắp thế giới tôn trọng và yêu thích. Đây cũng là cơ sở để du lịch Thái Lan khai thác, phát triển và ngày càng hấp dẫn du khách quốc tế.

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm về cách thức tổ chức lễ hội của Thái Lan, ngoài việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, để thu hút du khách trong và ngoài nước, thiết nghĩ Việt Nam cần phải thực thi đồng thời các giải pháp sau:

Thứ nhất, cần chấn chỉnh lại công tác tổ chức mang tính chuyên nghiệp hơn. Hiện nay, việc khai thác các lễ hội văn hóa, đặc biệt là các lễ hội vùng dân tộc thiểu số để phát triển du lịch còn hạn chế do công tác quản lý, tổ chức các lễ hội còn bất cập. Một số lễ hội ngày càng bị mất đi giá trị nguyên gốc, bị sân khấu hóa, bổ sung, xen kẽ những yếu tố hiện đại, lai căng không phù hợp gây phản cảm cho khách du lịch. Nhiều lễ hội được tổ chức tràn lan, bị thương mại hóa; thậm chí bị lợi dụng cho mục đích mê tín dị đoan đã gây bức xúc trong dư luận. Vì thế, để tổ chức lễ hội dân gian vừa giữ được bản sắc văn hóa dân tộc vừa phục vụ phát triển du lịch, ngành văn hóa cần kết hợp với ngành du lịch, chính quyền địa phương rà soát lại tất cả lễ hội dân gian; có công trình nghiên cứu khoa học mang tính tổng thể về lễ hội truyền thống, phải chỉ ra được những giá trị tích cực của lễ hội, phải rạch ròi đâu là tín ngưỡng văn hóa dân gian, đâu là mê tín dị đoan, đâu là giá trị vốn có, đâu là những yếu tố lai tạp, vay mượn… Từ đó, chúng ta mới có thể lựa chọn và khai thác giá trị của lễ hội, cái nào có thể biến thành sản phẩm phục vụ đối tượng khách nào, vào thời điểm nào, ở đâu và như thế nào. Đồng thời, phải uốn nắn ngay công tác quản lý tổ chức lễ hội, tập trung vào yêu cầu chống xu hướng thương mại hóa, từ nội dung cho đến hình thức tổ chức lễ hội, cùng với việc tổ chức các dịch vụ ăn theo. Hạn chế tối đa các biểu hiện hình thức, phô trương. Phải cân nhắc thận trọng đối với những dự kiến cải tiến nội dung và hình thức tổ chức lễ hội (sân khấu hóa, học theo nước ngoài,...).

Thứ hai, phải tôn trọng giá trị văn hóa thực chất của lễ hội. Diện mạo văn hóa của lễ hội chỉ có thể trở nên gần gũi với truyền thống khi người tổ chức, quản lý lễ hội và người tham gia lễ hội thật sự am hiểu về giá trị, ý nghĩa của lễ hội, từ đó điều chỉnh hành vi và có ứng xử văn hóa khi tham gia lễ hội. Việc tổ chức, quản lý lễ hội hiện đang đứng trước mâu thuẫn: người được đào tạo về chuyên môn tổ chức thì thiếu hiểu biết kỹ lưỡng về lễ hội, người am hiểu văn hóa lễ hội thì lại ít tham gia vào khâu phục dựng và tổ chức, dẫn đến lễ hội vẫn diễn ra nhưng càng lúc càng xa rời ý nghĩa và giá trị lịch sử. Vì thế, để giữ gìn tính nguyên gốc của lễ hội, các cơ quan chức năng cần điều phối, ủy nhiệm và phân công các nhà nghiên cứu có tri thức về văn hóa lễ hội, những người có chuyên môn làm việc với ban tổ chức, giúp khẳng định đâu là giá trị cốt lõi của lễ hội ở địa phương mình, ai sẽ là người thực hành các giá trị đó và thực hành như thế nào để lễ hội gìn giữ, phát huy được nét đẹp văn hóa vốn có. Ðồng thời, để bảo đảm giá trị nhân văn sâu sắc và yếu tố tâm linh của lễ hội, cơ quan tổ chức lễ hội nên tuân thủ nghiêm ngặt về thời gian, địa điểm, nghi thức hành lễ, đạo cụ, trang phục, nội dung lễ hội. Khi phục dựng lễ hội, nhất thiết phải xác định các giá trị gốc, tiêu chí nhận dạng cũng như những biểu hiện đặc trưng của lễ hội, tránh làm sai lệch lễ hội sau mỗi lần khai thác.

Thứ ba, cần hạn chế tiêu cực và các tệ nạn xã hội trong các lễ hội truyền thống. Hiện nay nhu cầu của con người càng cao nên việc họ muốn an toàn và thoải mái trong dịp lễ hội là điều tất yếu. Vì vậy, cách phục vụ khách du lịch cũng là một việc quan trọng để khai thác giá trị của lễ hội. Những tệ nạn xã hội như cờ bạc, móc túi, lừa đảo.. phải được kiểm soát chặt chẽ. Những địa điểm quanh khu vực lễ hội cần có thêm một số dịch vụ giải trí lành mạnh cho khách tham quan. Cơ sở hạ tầng, đường xá phải được nâng cấp để phục vụ khách một cách thuận lợi nhất.

Thứ tư, cần chú trọng công tác xúc tiến, quảng bá về lễ hội với mọi đối tượng. Trong việc tổ chức lễ hội, cái chưa “được” lớn nhất và rõ nhất là: Mục đích tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội, cũng như tác dụng giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ đều chưa đạt được! Có nhà nghiên cứu văn hóa đã làm một số điều tra ngắn đối với một số khách thanh thiếu niên sau khi các em rời khỏi địa bàn lễ hội thì đã thu được một kết quả đáng buồn (không biết gì để trả lời !) từ những câu hỏi đơn giản, như : Lễ hội này tôn vinh ai? Người này sống ở thế kỷ nào? Hoàn cảnh đất nước lúc ấy thế nào? Người này có công lao gì? Giá trị văn hóa gì đáng để bạn học ở lễ hội này ?... Ðây là hệ quả tất yếu mà trách nhiệm đầu tiên thuộc về người tổ chức, quản lý. Vì trên thực tế, lễ hội khó có thể phát huy được bản sắc nguyên gốc khi ngay bản thân người tổ chức còn chưa (không) nắm vững ý nghĩa và giá trị đích thực của lễ hội. Do vậy trước tiên người dân địa phương phải được hiểu về ý nghĩa lễ hội tại ngay chính quê hương của mình, để từ đó có thái độ tôn trọng, tự hào và có thể chia sẻ cho du khách viếng thăm.

Ngoài ra, trong khâu tổ chức, để đảm bảo phát huy tính hiệu quả, chính quyền địa phương cũng cần làm tốt công tác quảng bá, giới thiệu về lễ hội trên các kênh thông tin khác nhau như các website du lịch, các website địa phương để du khách biết đến. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng cần nắm được các thông tin cần thiết về lễ hội tại các địa phương để xây dựng chương trình du lịch, lên kế hoạch tổ chức và quảng bá phù hợp nhằm hấp dẫn và thu hút du khách trong và ngoài nước. Từ đó làm cho các hoạt động lễ hội có sức hấp dẫn hơn.

Trên đây là một số ý kiến để góp phần phát huy giá trị văn hóa dân tộc thông qua các lễ hội truyền thống tại Việt Nam, trên cơ sở học tập kinh nghiệm của Thái Lan. Trong tương lai không xa, hy vọng ngành du lịch Việt Nam có thêm lợi thế để phát triển du lịch, cạnh tranh được với các quốc gia khác trong Đông Nam Á trên nền tảng thế mạnh về văn hóa, thông qua các lễ hội truyền thống của mình.

- - - - - - -

Tài liệu tham khảo

1, Các biện pháp khai thác lễ hội, http://hamo.vn/cac-bien-phap-khai-thac-le-hoi.html/

2, Ðể lễ hội vẫn giữ được bản sắc văn hóa, http://lehoi.cinet.vn/Pages/ArticleDetail.aspx?siteid=1&sitepageid=310&articleid=2693

3, Từ chuyện "té nước" ở Thái Lan, http://vietbao.vn/Xa-hoi/Tu-chuyen-te-nuoc-o-Thai-Lan/40074441/124/

4, Lễ hội nở rộ không đồng hành với phát huy văn hóa, http://www.tinmoi.vn/Le-hoi-no-ro-khong-dong-hanh-voi-phat-huy-van-hoa-01152462.html

 

Bài: Dương Thị Hồng Nhung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực