Lễ hội mùa Thu Sa Pa năm 2024 với nhiều hoạt động hấp dẫn sẽ diễn ra từ trung tuần tháng 8 đến cuối tháng 9, tập trung cao điểm vào dịp nghỉ lễ Ngày Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9.
Lễ hội là hoạt động thường niên của địa phương được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, cảnh quan thiên nhiên, qua đó xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo riêng có của vùng cao Sa Pa; tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong toàn Đảng, toàn quân và nhân dân các dân tộc trong thị xã, hăng hái thi đua lập thành tích chào mừng Cách mạng tháng 8, Quốc khách 2/9 và các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị lớn của đất nước, dân tộc, của tỉnh Lào Cai và của thị xã Sa Pa trong quý III/2024.
|
Lễ hội là hoạt động thường niên của địa phương được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, cảnh quan thiên nhiên. |
Sự kiện cũng nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch đặc sắc của Sa Pa, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, tạo ra sự đột phá về du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thị xã Sa Pa trong những năm tiếp theo. Đồng thời, tăng cường sự liên kết phát triển du lịch giữa Sa Pa và các tỉnh, các khu vực và địa phương khác trong cả nước và các quốc gia trên thế giới nhằm thúc đẩy hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thu hút mạnh mẽ các nguồn lực để phát triển du lịch, nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và vùng đất Sa Pa - Lào Cai nói riêng.
Lễ hội mùa Thu Sa Pa 2024, thuộc chuỗi sự kiện của Lễ hội mùa Thu "Sa Pa Mùa vàng". Mở đầu cho các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội mùa thu Sa Pa, ngày 17/8, Lễ hội mùa vàng bản Mây sẽ diễn ra tại bản Mây Fansipan, mở ra không gian văn hóa sôi động, đầy sắc màu cho vùng cao Sa Pa, và tạo nên một điểm đến trải nghiệm mới đặc biệt thú vị dịp Quốc khánh 2/9.
Lễ hội mùa vàng bản Mây tại khu du lịch Sun World Fansipan Legend là sự kiện đặc biệt, tái hiện những nghi lễ và sinh hoạt truyền thống của các dân tộc Lào Cai trong mùa vàng bội thu. Cho đến hết 1/9, bản Mây sẽ ngập tràn sắc vàng của lúa chín, tạo nên khung cảnh đẹp mắt với rơm rạ, ngô lúa tỏa hương và sắc vàng no đủ. Lễ hội gồm nhiều hoạt động như Khai mạc chung và Lễ hội Khô Già Già dân tộc Hà Nhì, Lễ hội Then Kin Pang dân tộc Thái, Lễ hội cơm mới Bản Mây các dân tộc Tây Bắc. Đặc biệt, vào mỗi cuối tuần, một lễ hội đặc sắc của các dân tộc sinh sống tại đây sẽ được tổ chức, dành tặng du khách những trải nghiệm nghi lễ truyền thống, sinh hoạt văn hóa địa phương và các trò chơi dân gian Tây Bắc vô cùng đa dạng.
|
Lễ hội mùa thu Sa Pa năm 2024 sẽ diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn. |
Chương trình khai mạc Lễ hội mùa Thu Sa Pa năm 2024 và đón nhận Bằng di tích danh thắng cấp tỉnh đối với thác Bạc và đỉnh Fansipan chính thức diễn ra vào ngày 30/8, tại Sân Quần - thị xã Sa Pa, với nhiều hoạt động phong phú, ý nghĩa, hấp dẫn du khách.
Sau khai mạc Lễ hội mùa thu Sa Pa là Ngày hội Văn hóa bản Mông tổ chức tại Khu Du lịch Cát Cát, xã Hoàng Liên. Sự kiện diễn ra trong kỳ nghỉ lễ 2/9 với các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian của dân tộc Mông; các trò chơi dân gian; trình diễn nghề thủ công truyền thống dân tộc Mông; rèn đúc nông cụ, chạm khắc bạc, se lanh, dệt vải, nhuộm chàm, vẽ hoa văn sáp ong trên vải lanh, nghề đan thồ, bện hài, gian hàng ẩm thực xôi ngũ sắc; trình diễn quá trình làm cốm, thưởng thức các món ăn từ cốm và tham gia các trò chơi dân gian của cộng đồng các dân tộc thiểu số Sa Pa…
Ngoài ra, Lễ hội mùa Thu Sa Pa năm 2024 còn có các chương trình thú vị như: Biểu diễn Xiếc nghệ thuật “Mường Hoa cổ tích”, Đêm hội Trăng rằm năm 2024, Giải Marathon vượt núi Việt Nam 2024, Giải Tennis “Sa Pa mùa vàng”, Giải bóng đá nam - Hiệp hội Du lịch Lào Cai năm 2024…
Bên cạnh Lễ hội mùa Thu Sa Pa 2024, UBND thị xã Sa Pa còn triển khai chương trình hợp tác giữa thị xã Sa Pa (Lào Cai) và huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) năm 2024.
Trong chương trình, UBND thị xã Sa Pa và UBND huyện Mù Cang Chải phối hợp tổ chức Diễn đàn liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa thị xã Sa Pa và huyện Mù Cang Chải lần thứ nhất năm 2024, với chủ đề: “Cung đường kết nối di sản Ruộng bậc thang”; Trưng bày, triển lãm ảnh Kết nối Di sản văn hóa Ruộng bậc thang, với chủ đề “Cung đường Di sản"; phối hợp xúc tiến thương mại và thương mại điện tử trong quý III/2024.
Ngoài ra, trong dịp này, để triển khai hiệu quả các nội dung thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Du lịch Lào Cai tổ chức một số hoạt động khảo sát, đánh giá tính khả thi để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Kết nối di sản từ Sin Suối Hồ (Lai Châu) qua đường đá cổ Pavie - Bát Xát - Bắc Hà (Lào Cai) - Xín Mần (Hà Giang). Hoạt động này nhằm đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch; xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch mới, đặc sắc; tăng cường kết nối, trao đổi thị trường khách du lịch giữa các địa phương, hoạt động lữ hành, liên kết giữa các đơn vị doanh nghiệp dịch vụ du lịch trong Nhóm hợp tác và quảng bá tại các thị trường trong nước, quốc tế./.