Ngân hàng Chính sách Xã hội – “mẹ đỡ đầu” của các hộ nghèo

Thứ tư, 22/06/2022 16:52
(ĐCSVN) - Trong những năm qua, vốn vay tín dụng chính sách đã góp phần thay đổi đời sống kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhiều hộ đồng bào đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay chính sách.
leftcenterrightdel

Nhờ vốn vay ưu đãi, nhiều hộ dân vùng DTTS, miền núi đã có sinh kế bền vững để thoát nghèo. 

Chúng tôi gặp anh Sùng Seo Lự, dân tộc Mông ở thôn Pao Mã Phìn, xã Tả Ván, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang khi anh vừa làm xong thủ tục vay cho chính sách ưu đãi khoản tiền 60 triệu đồng để phát triển chăn nuôi.

Anh Lự chia sẻ: Địa hình ở đây phù hợp với chăn nuôi gia súc. Gia đình anh từ lâu đã muốn phát triển chăn nuôi, nhất là nuôi vỗ béo trâu bò nhưng không có vốn. Giờ được vay ưu đãi tôi rất mừng. Tôi sẽ mua 3 con bò về nuôi. Nếu mọi việc thuận lợi, gia đình tôi có thể phát triển đàn bò để làm giàu”, anh Lự cho hay. 

Giống như anh Lự, nhiều gia đình khác ở Tả Vản đã được vay hàng chục triệu đồng để nuôi bò vỗ béo – một hướng đi mới, đã được chứng minh tính hiệu quả trong việc giúp người dân thoát nghèo làm giàu ở Tả Ván.

Còn ở xã Phú Lũng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang, khi biết được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình anh Chẻo Văn Sơn, đã đăng ký vay 30 triệu đồng. Với số vốn này, anh Sơn đầu từ vào nuôi lợn, mở rộng diện tích nương trồng ngô, lúa. Đến nay, gia đình anh Sơn mỗi năm cho xuất chuồng 20-30 con lợn và có 10 con bò. Gia đình anh chính thức ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Cũng nhờ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị H’Lan dân tộc Mạ ở xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông đã thoát khỏi diện hộ nghèo từ năm 2017. Hiện thu nhập của gia đình chị lên tới 180 triệu đồng/năm.

Hiện nay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được “phủ sóng” đến 100% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hầu hết số hộ đồng bào DTTS được thụ hưởng chính sách xã hội, đặc biệt có hộ vay vốn từ 2 đến 3 chương trình tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo bền vững.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn cho vay hộ nghèo DTTS những năm qua chủ yếu được đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi trâu, bò, xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, hỗ trợ kinh phí học tập… đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho hàng triệu lượt hộ, giúp cho hộ nghèo, đặc biệt là hộ dân tại huyện nghèo, vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, hộ đồng bào DTTS từng bước quen dần với cơ chế thị trường. Hộ đồng bào DTTS ở vùng khó khăn đã mạnh dạn vay vốn để sản xuất kinh doanh, từng bước vươn lên phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng.

leftcenterrightdel
 Hộ nghèo dân tộc thiểu số chăn nuôi bò từ vốn vay thoát nghèo của Ngân hàng Chính sách Xã hội

Thực hiện các chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo các quy định của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bắc Kạn đã hỗ trợ cho trên 10.000 lượt hộ có đất sản xuất, có nước sinh hoạt, có máy móc, nông cụ để phát triển kinh tế. Đồng thời, thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân tộc thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bắc Kạn đã hỗ trợ trên 17 tỷ đồng cho trên 43.000 lượt hộ để mua giống cây trồng, vật nuôi, thuốc thú y… phục vụ phát triển sản xuất.

Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo các quy định của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân tộc thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Bắc Kạn đã dần được đổi thay, khởi sắc. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa từng bước được cải thiện, nâng cao.

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, các chính sách giảm nghèo có tính đặc thù như Nghị quyết 30a của Chính phủ, Nghị quyết số 04-NQ/TU về Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 của BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ năm… được triển khai đã tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ưu tiên bố trí các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, đầu tư xây dựng các công trình đã có tác động trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người nghèo. Nông thôn miền núi tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có nhiều thay đổi, cải thiện về nhà ở, các công trình trường học, trạm y tế, điện, giao thông, thủy lợi… nâng cao mức độ hưởng thụ, trình độ dân trí cho người dân.

Theo đánh giá của các chuyên gia, vốn tính dụng chính sách xã hội đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống trong vùng DTTS và giúp đồng bào DTTS dần nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng bào DTTS được tiếp cận nguồn vốn của Chính phủ để làm ăn, tạo việc làm, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh cũng như trình độ quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình. Đặc biệt, thông qua sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội đã tác động đến nhận thức, giúp đồng bào DTTS tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.

Trong giai đoạn 2021 - 2030, Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm tới các chủ trương, chính sách tập trung phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó có chính sách tín dụng ưu đãi. Trong giai đoạn mới, chính sách tín dụng xã hội đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi cần tiếp tục đổi mới và mở rộng theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng cho vay liên quan đến các dự án sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS.

Bài, ảnh: KC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực