Nhiều đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc Khmer huyện Long Phú

Thứ tư, 27/10/2021 16:08
(ĐCSVN) – Long Phú là một trong những huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tập trung đông tại tỉnh Sóc Trăng, chiếm gần 30% dân số sinh sống trên địa bàn. Những năm qua, UBND các xã, thị trấn trong huyện đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm chăm lo đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho đồng bào nơi đây.
 Công tác chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm. Ảnh: Sung Đức

Nâng cao nhận thức, xoá đói giảm nghèo

Long Phú là một trong những xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Trước đây, điều kiện đi lại trong phum, sóc gặp nhiều khó khăn. Phần lớn bà con trong huyện sản xuất nông nghiệp theo cách truyền thống, chậm đổi mới, ít áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật nên thu nhập chưa cao. Trước thực trạng trên, UBND các xã, thị trấn trong huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo như: Tạo mô hình sinh kế, hỗ trợ vốn sản xuất, hỗ trợ nhà tình thương, tặng quà, đào tạo nghề, tạo việc làm…

Nhờ hàng loạt hỗ trợ dành cho hộ nghèo, cận nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống đồng bào ngày càng được cải thiện, an sinh xã hội được nâng cao. Tính riêng trên địa bàn huyện Long Phú hiện đã có gần 300 hộ Khmer vươn lên thoát nghèo, toàn huyện còn 309 hộ Khmer nghèo, chiếm 3,9% (tính đến cuối năm 2020); Tỷ lệ tham gia Bảo hiểm Y tế đạt gần 100.000 người tham gia; trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn là đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện được tiếp cận các chương trình khám sàng lọc, phẫu thuật tim, phẫu thuật dị tật, hở môi, hàm ếch … hầu hết những trường hợp có chỉ định phẫu thuật đều được hỗ trợ chi phí từ 30 đến 100%. Các xã trên địa bàn huyện đều có đường giao thông nông thôn liên xã, liên ấp, trạm y tế, Đài truyền thanh và có trường trung học kiên cố… Những kết quả trên đã cho thấy hiệu quả tích cực bước đầu, góp phần đổi thay bộ mặt phum sóc và cải thiện đời sống đồng bào Khmer tại địa phương.

Phó Chủ tịch UBND huyện Long Phú Lê Thanh Phương chia sẻ thêm: Thời gian tới, huyện tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương, của tỉnh và các chương trình, dự án lồng ghép để đầu tư hạ tầng, hỗ trợ sản xuất cho đồng bào Khmer, giúp các hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Gia đình anh Sơn Chanh The (ở ấp Tân Qui A, xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) vốn là hộ nghèo của xã, trước kia kinh tế gia đình anh The chủ yếu dựa vào tiền đi thuê hàng ngày. Nhờ chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, chính quyền nên gia đình anh Sơn Chanh The được hỗ trợ 25 triệu đồng nhằm sửa chữa lại nhà ở đã xuống cấp. Khoản hỗ trợ thiết thực này đã giúp giảm gánh nặng với gia đình anh. “An cư, lập nghiệp” quả là đúng với trường hợp của anh The, nhìn căn nhà được sửa chữa, anh chị càng có thêm động lực phấn đấu, cố gắng làm ăn. Đến nay, gia đình anh The đã thoát nghèo, các con anh được đi học đầy đủ.

Niềm vui thoát nghèo, có của ăn cửa để

 Nhiều hộ bà con Khmer nghèo huyện Long Phú vươn lên thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ của nhà nước. Ảnh: Sung Đức

Anh Sơn Chanh The không giấu được niềm vui: “Tôi được hỗ trợ 25 triệu đồng cất nhà ở, không còn lo nhà dột nữa, vợ chồng tôi cố gắng làm ăn đã vươn lên thoát nghèo và lo được cho đứa con gái học hành đến nơi, đến chốn. Tôi rất cảm ơn Nhà nước, Chính quyền đã giúp đỡ gia đình tôi”.

Gia đình ông Sơn Đời (ở ấp Kokô, xã Tân Hưng, huyện Long Phú) trước đây gặp rất nhiều khó khăn, tuy gia đình có 5 công ruộng nhưng do còn sản xuất nông nghiệp theo cách truyền thống nên thu nhập còn thấp, cuộc sống gia đình rất vất vả. Nhờ được hưởng lợi từ các hỗ trợ dành cho hộ nghèo, cận nghèo dân tộc thiểu số, gia đình ông Sơn Đới được Nhà nước hỗ trợ 2 con bò, lại cho vay tiền xây chuồng nuôi và được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, nên ông yên tâm phát triển mô hình. Nhờ cặp bò giống ban đầu, đàn bò nhà ông dần đông hơn, 3 con, 4 con, rồi 9 con… đã đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng/năm cho gia đình ông. Trả hết nợ, ông Sơn Đới còn xây được căn nhà khang trang trị giá hơn 80 triệu đồng.

Ở Long Phú, những năm qua công tác chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn được quan tâm. Đặc biệt, trẻ em là đối tượng nhận được các cấp chính quyền đặc biệt ưu tiên nhằm tạo điều kiện để các em phát triển toàn diện hơn về trí tuệ và thể chất, giảm tỷ lệ còi xương, suy dinh dưỡng ở trẻ em vùng dân tộc thiểu số.

Em Sơn Đức Thịnh, (ở ấp Khoan Tang, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) vô cùng hồ hởi tại Chương trình “Khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số”, em bày tỏ: “Dù ở trường em đã được các thầy cô giáo dạy về việc giữ gìn vệ sinh cá nhân và bảo vệ sức khỏe để có thể học tập tốt, nhưng khi đến đây khám, em được các bác sỹ tận tình tư vấn và dạy cho em thêm nhiều điều bổ ích, nhất là trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân”.

Nhận xét về sự thành công của huyện Long Phú trong việc chăm lo đời sống cho người dân, đồng chí Thạch Hoàng Tha, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Long Phú cho biết: Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã đầu tư nhiều chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó đời sống được nâng lên rõ rệt. Trong thời gian tới, Phòng Dân tộc huyện tiếp tục tham mưu cho Huyện ủy, ubnd huyện thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh ủy về công tác dân tộc, tôn giáo, đặc biệt là đồng bào Khmer trên địa bàn huyện, Phòng Dân tộc huyện sẽ phối hợp với đảng ủy, Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn rà soát về thực hiện các chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025.

Bài, ảnh: Sung Đức

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực