|
Không gian triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” tại tòa nhà Quốc hội (Ảnh: baovanhoa) |
Triển lãm là sự kiện chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc do Ban Tuyên Giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” trưng bày 320 hình ảnh, hơn 123 tài liệu, hiện vật quý về nhiều nội dung.
Đầu tiên là nội dung văn hóa Việt Nam trước năm 1930, giới thiệu khái quát về lịch sử văn hóa Việt Nam qua hình ảnh về quá trình dựng nước, giữ nước từ thời vua Hùng dựng nước, nêu cao truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của nhân dân ta...
Ở nội dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam khắc họa tư tưởng của Bác về văn hóa thông qua hình ảnh, hiện vật, tài liệu, thư, bản thảo, tác phẩm của Người về văn hóa nghệ thuật, với các văn nghệ sỹ, nhà trí thức, nhà khoa học Việt Nam. Người có rất nhiều bài nói, bài viết, tác phẩm, thư gửi các hội nghị trong lĩnh vực này: Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị cán bộ Văn hóa, ngày 28/2/1957; Sách “Con người xã hội chủ nghĩa” xuất bản năm 1961… Trong đó, Người không chỉ nhấn mạnh vị trí, vai trò của văn hóa mà còn đề ra nhiều chiến lược, nhiệm vụ quan trọng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn hóa, đó là văn hóa phải được coi trọng ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/1946, trong diễn văn khai mạc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Lời dạy của Bác đã trở thành kim chỉ nam xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Điều này đặc biệt có giá trị sâu sắc trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Việt Nam hội nhập quốc tế ngày nay. Phần nội dung này cũng giới thiệu một số hiện vật quý liên quan đến phong cách và lối sống giản dị của Bác, sự giản dị, thanh cao toát lên từ những việc nhỏ nhất, trở thành bài học quý giá cho mỗi chúng ta học tập, noi theo.
Tiếp theo, ở nội dung các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với sự nghiệp phát triển văn hóa, tập trung giới thiệu các văn bản, nghị quyết của Đảng về văn hóa qua các kỳ Đại hội Đảng. Trong đó Bản Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ. Cũng không thể không nhắc đến dấu mốc Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (tháng 7/1998) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 03-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, trong đó khẳng định “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội”. Bên cạnh đó là một số hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội qua các thời kỳ thăm và làm việc với các đơn vị, tỉnh, thành phố về lĩnh vực văn hóa.
Phần nội dung văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước giới thiệu vai trò của văn hóa trong các giai đoạn lịch sử khác nhau. Trong đó, giai đoạn 1930-1945 là các hình ảnh về lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, Đảng lãnh đạo các phong trào đấu tranh giành độc lập như phong trào Xô viết - Nghệ Tĩnh, các cuộc khởi nghĩa khắp Bắc - Trung - Nam… Giai đoạn 1945-1954 trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật làm nổi bật đóng góp của văn hóa nghệ thuật phục vụ cách mạng trong giai đoạn này với các hình thức khác nhau như triển lãm, sinh hoạt văn nghệ, xuất bản sách báo…
Giai đoạn 1954-1975, miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, văn hóa đã phát triển toàn diện, đi sâu vào hoạt động theo chuyên ngành, nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp ra đời, phim ảnh và các hình thức nghệ thuật khác ngày càng phong phú. Các phong trào văn hóa lan tỏa sâu, rộng, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện chiến trường miền Nam. Các hình ảnh, hiện vật đã nêu bật tinh thần yêu nước của nhân dân ta, quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà… Phần trưng bày giai đoạn này sẽ giới thiệu nhóm hiện vật gồm máy quay phim đầu tiên của Bắc Bộ từ 1950; máy quay phim 16 ly của điện ảnh Nam Bộ dùng ghi lại chiến công đánh Mỹ của quân ta; máy chiếu phim đầu tiên của Xưởng cơ khí điện ảnh Bộ Văn hóa, sản xuất năm 1959…
Nội dung thứ 5 là về văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước. Các hiện vật, hình ảnh trưng bày làm nổi bật những thành tựu về lĩnh vực văn hóa, gia đình, du lịch và thể thao ở trong nước. Văn hóa đối ngoại là hình ảnh, tài liệu về hoạt động triển lãm, quảng bá, giao lưu văn hóa Việt Nam tại nước ngoài; Việt Nam tham dự Olympic, liên hoan phim quốc tế, các sự kiện thể thao; các chương trình hợp tác, nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam và các nước…
Điều này cho thấy, văn hóa đối ngoại đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước đậm bản sắc dân tộc, con người Việt Nam thân thiện mến khách, thúc đẩy sự phát triển của du lịch, đưa nước ta trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách quốc tế. Hình ảnh các di sản, khu dự trữ sinh quyển, công viên địa chất toàn cầu được UNESCO ghi danh và các di sản, danh thắng tiêu biểu của cả nước cũng được trưng bày ở phần này.
Phần nội dung bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc trưng bày ảnh, tư liệu và số liệu về Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc trong những năm vừa qua. Bên cạnh việc chú trọng bảo tồn di sản văn hóa vật thể, bảo quản, tu bổ, phục hồi di sản đã được UNESCO ghi danh, các di tích lịch sử quốc gia được xếp hạng, các dự án chỉnh trang nội dung trưng bày, nâng cấp thiết bị, hệ thống trưng bày bảo tàng… Văn hóa của các dân tộc đã góp phần làm phong phú và đậm đà bản sắc văn hóa Việt, tạo nên một nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng…