Mộc Châu là huyện miền núi, cao nguyên và biên giới, nằm ở hướng Đông Nam của tỉnh Sơn La, cách Hà Nội 180km về hướng Tây Bắc. Cao nguyên Mộc Châu với địa hình tương đối bằng phẳng, độ cao trung bình khoảng 1.050m so với mặt nước biển, diện tích rộng, đất đai màu mỡ, khí hậu cao nguyên ôn hòa, mát mẻ quanh năm.
Mộc Châu được thiên nhiên ban cho hệ sinh thái đa dạng, vùng thảo nguyên cảnh quan đẹp (đồng cỏ, vườn hoa), với nhiều điểm danh thắng, như: Ngũ Động bản Ôn, thác Dải Yếm, đỉnh Pha Luông, khu hồ sinh thái rừng thông bản Áng, đồi chè, vườn đào, vườn mận, trang trại chăn nuôi bò sữa...
Ngoài những danh lam thắng cảnh, sự đa dạng văn hóa từ 12 dân tộc anh em cùng sinh sống là điều mà ít vùng miền có được. Sự hội tụ này đã mang lại cho địa phương nhiều nghề thủ công, sản vật, văn hóa ẩm thực và các lễ hội truyền thống.
|
Khu hồ sinh thái rừng thông bản Áng vào ban đêm. (Ảnh: Phoenix Mộc Châu). |
Từ lợi thế này, huyện Mộc Châu đã đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, qua đó góp phần bảo vệ môi trường cảnh quan, đa dạng loại hình dịch vụ, đồng thời nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc trong vùng. Mộc Châu đã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp tương hỗ cho phát triển du lịch, kết hợp giữa phát triển sản phẩm nông nghiệp với hoạt động du lịch và dịch vụ, như: Xây dựng mô hình thăm quan bò sữa, đồi chè; khuyến khích người nông dân trồng, khai thác dịch vụ thăm quan hoa cải, hoa tam giác mạch, trồng đào, mận; khuyến khích cơ sở kinh tế xây dựng các mô hình mẫu cho phát triển du lịch, như: mô hình tham quan trang trại trồng trọt, chăn nuôi, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm trồng, chăm sóc, thu hoạch cây ăn quả, cây hoa cảnh, cây hoa màu...
Ngoài ra, nhiều hộ còn xây mới, sửa chữa, tận dụng những ngôi nhà truyền thống để làm nhà nghỉ cộng đồng hoặc mở nhà hàng, làm các món ăn địa phương phục vụ khách tham quan. Du khách đến với Mộc Châu được trải nghiệm cùng đồng bào hái quả, trồng rau sạch, quan sát quy trình chế biến các sản phẩm từ sữa bò, hòa mình vào những điệu xòe Thái, những điệu dân ca cổ, ngủ nhà sàn truyền thống, nằm đệm bông gạo, thưởng thức đặc sản núi rừng như: thịt trâu gác bếp, cá suối nướng, bê chao, xôi ngũ sắc, rau rừng cùng hương nồng của rượu ngô men lá.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng cùng sự khảo sát của các công ty lữ hành, khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm không đồng đều, hệ thống hạ tầng du lịch chưa đồng bộ; hệ thống nhà nghỉ homestay đạt tiêu chuẩn còn ít; tính liên kết trong phát triển du lịch chưa cao; sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương đơn điệu; hoạt động xúc tiến, quảng bá chưa thường xuyên liên tục; đa số người dân chưa có ý thức cao trong bảo vệ môi trường; hoạt động xử lý rác thải sinh hoạt chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, một số chính sách hỗ trợ đã có nhưng mức hỗ trợ thấp, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch cộng đồng.
Để du lịch Mộc Châu phát triển tương xứng với tiềm năng và trở thành điểm nhấn của du lịch vùng Tây Bắc, ngày 03/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg về phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2030. Theo đó, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu có tổng diện tích tự nhiên 206.150ha, nằm trên địa bàn 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ, với định hướng phát triển thành trung tâm du lịch trọng điểm gồm 3 khu: Trung tâm nghỉ dưỡng Mộc Châu; Trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu; Trung tâm vui chơi giải trí Mộc Châu. Mục tiêu đến năm 2030 đón khoảng 3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 50.000 lượt; phấn đấu tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 6.000 tỷ đồng vào năm 2030.
Nhằm đạt được mục tiêu trên, huyện, thành phố cần liên kết với các cơ sở đào tạo về du lịch, lữ hành tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng làm du lịch cơ bản, như: Kỹ năng nghiệp vụ lễ tân; thuyết minh viên du lịch; hướng dẫn viên du lịch; vận hành cơ sở lưu trú nhỏ; chế biến ẩm thực dân tộc; phục vụ nhà hàng. Tiếp tục nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất tiền vay cho các hộ gia đình đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch; đa dạng hóa sản phẩm du lịch; phối hợp với tổ chức, cá nhân, các công ty lữ hành xây dựng các tour, tuyến du lịch liên tỉnh... tạo sinh kế cho người dân và góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.