|
Bà con cùng nhau lên nương thu hái thảo quả. |
Có mặt ở nhà anh Vàng A Sài, từ sáng sớm. Các thành viên trong gia đình anh đang chuẩn bị bữa sáng để ăn xong sẽ lên nương thảo quả thu hoạch quả tươi. Vẻ mặt ai cũng vui vẻ, hứng khởi. Bếp lửa đỏ rực tỏa hơi nóng giúp xua tan bớt cái lạnh buổi sớm ở vùng đất cao 2.000m so với mực nước biển này. Trong ngôi nhà 5 gian xếp chồng rất nhiều bao tải thảo quả khô.
Thảo quả là loại cây dễ trồng, sinh trưởng ở độ ẩm cao thích hợp phát triển ở vùng đất Hồng Ngài. Cây sau 5 năm trồng sẽ trưởng thành, cho thu hoạch lúc này cây cao gần 2m, tán rộng. Dưới gốc, thảo quả mọc thành chùm, đỏ mọng. Việc chăm sóc khá đơn giản, ít chi phí, mỗi năm chỉ cần phát cỏ xung quanh gốc 1 - 2 lần. Chăm thảo quả không khó, ai cũng có thể làm được. Nhưng điều đã biến thảo quả Hồng Ngài thành thương hiệu lại nằm ở kỹ thuật sấy của bà con người Mông nơi đây.
“Những quả thảo quả đỏ tươi mọc thành chùm được thu hái rồi đưa vào lò sấy khô. Sau đó, mình mới vận chuyển thảo quả khô về nhà bảo quản, cất giữ. Lúc sấy thường phải tập trung canh lửa, phải đốt cho than hồng rực lên để ủ. Sức nóng sẽ làm cho thảo quả khô nhanh hơn. Sấy 3 ngày 3 đêm quả mới khô”, anh Sài cho biết.
Đồng thời, anh Vàng A Sài cũng chia sẻ thêm: cây thảo quả ưa lạnh, phát triển tốt ở dưới tán rừng. Xét về địa chất, khí hậu, Hồng Ngài có đặc điểm rất khác biệt so với những thôn bản vùng cao khác. Nằm trên độ cao gần 2.000m so với mặt nước biển, nơi đây gần như quanh năm chìm trong mây mù, lạnh giá. Khí hậu lạnh ẩm quanh năm và thổ nhưỡng ở Hồng Ngài cùng với cánh rừng già nguyên sinh rộng lớn hóa ra lại vô cùng thích hợp cho cây thảo quả sinh trưởng và phát triển. Trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, cây thảo quả với giá trị kinh tế cao là cứu cánh cho người dân Hồng Ngài.
|
Thảo quả phải được sấy 3 ngày 3 đêm mới đảm bảo chất lượng. |
“Chúng tôi được như ngày hôm nay là nhờ cây thảo quả”, ông Dủa- bố anh Sài khoe với chúng tôi về bí quyế thoát nghèo của mình. Ông nói vậy là bởi trước đây, người dân Hồng Ngài thuộc diện nghèo nhất huyện Bát Xát. “Chúng tôi chỉ làm được một vụ lúa nương. Nhiều nhà đói ăn từ tháng 3 tới tháng 9”, ông Dủa nhớ lại.
Thế nhưng, nhờ cây thảo quả mọi chuyện đã thay đổi. Thu nhập từ thảo quả gấp nhiều lần từ trồng lúa nên bà con rất phấn khởi. Hiện nay, Hồng Ngài trở thành nơi có diện tích thảo quả lớn nhất ở xã Y Tý.
Từ chỗ nghèo đói, nhờ cây thảo quả, người Hồng Ngài giờ đã có của ăn của để. Không hiếm người đã vươn lên thành người giàu, có trong tay hàng trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng.
Ghé thăm gia đình anh Vàng A Chu, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước ngôi nhà khang trang nhất Hồng Ngài của gia đình anh. Anh Chu kể: Gia đình tôi xây dựng ngôi nhà từ năm 2014 với số tiền hơn nửa tỉ đồng. Nếu chỉ trồng ngô, trồng lúa thì cả đời nhịn ăn cũng không tích góp nổi tiền làm nhà. May nhờ có cây thảo quả, chúng tôi mới có tiền làm nhà, cho 4 đứa con học hành đầy đủ.
Không chỉ người dân Hồng Ngài, người dân một số nơi khác ở Lào Cai cũng trồng thảo quả do lợi ích kinh tế của nó mang lại lớn hơn rất nhiều so với làm lúa và trồng ngô. Thảo quả từ chỗ là loại cây lâm sản phụ nhưng đang mang lại nguồn thu chính cho người dân.
Vợ chồng anh Lý A Páo, dân tộc Dao, ở thôn Khu Chu Lìn, xã Sảng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai cũng là một gia đình thoát nghèo nhờ thảo quả. Vốc một nắm thảo quả đã sấy khô trên tay, hương thơm sực nức, anh Páo bảo: "Giá bán năm nay được 80 - 85 nghìn đồng/kg, một kg thảo quả bằng 10kg thóc tốt đấy. Người Dao mình coi nó là cây bạc, cây vàng, trên rừng này không có cây nào so được đâu. Như cái bụi thảo quả này, sẽ hái được khoảng 20kg quả tươi, sấy được 6kg quả khô, bán được tiền bằng 70kg thóc đấy. Có vài ha thảo quả là thành triệu phú thôi mà, không khó đâu".