Tỉnh Gia Lai đạt kết quả tích cực từ nghị quyết giảm nghèo

Thứ tư, 17/11/2021 13:59
(ĐCSVN) - Tỉnh Gia Lai có 34 dân tộc anh em sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 44% dân số, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Là tỉnh miền núi có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nên Gia Lai rất chú trọng đến công tác xóa đói giảm nghèo. Từ khi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai trên phạm vi cả nước, với sự hỗ trợ của Trung ương, Gia Lai đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, nhất là đối tượng chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh Gia Lai là 19,71% thì hộ nghèo trong đồng bào DTTS lên đến 40,18% và chiếm hơn 86% tổng số hộ nghèo của toàn tỉnh. Trước thực trạng đó, ngày 12/4/2017, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về “Giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025”.

Để thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Chương trình hành động với lộ trình, bước đi, giải pháp đồng bộ nhằm huy động tối đa các nguồn lực để giảm nghèo trong đồng bào DTTS. Các chương trình giảm nghèo bền vững được triển khai lồng ghép một cách có hiệu quả với các chương trình, dự án, phong trào, cuộc vận động nhằm hướng đến mục tiêu cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Chính sách hỗ trợ cây, con giống giúp người dân Gia Lai thoát nghèo.
(Ảnh: Đình Văn/gialai.gov.vn) 

Các sở, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương vào cuộc và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, triển khai hàng trăm mô hình hay, cách làm hiệu quả, giúp đồng bào thoát nghèo bền vững, như: Trồng chuối ghép mô tại làng Nák, thị trấn Kbang; nuôi dê sinh sản tại làng Đầm, xã Tơ Tung (huyện Kbang); canh tác dưới tán rừng ở các xã: Hải Yang, Hà Đông, Kon Gang; nuôi heo tại xã Hà Bầu và xã Hà Đông (huyện Đak Đoa); cải tạo và xóa vườn tạp trong các làng đồng bào DTTS (huyện Mang Yang)...

Nghị quyết số 05-NQ/TU cùng với Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS” và Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai phát động đã làm thay đổi diện mạo vùng DTTS tỉnh Gia Lai. Nhờ cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, nhân văn, tỉnh Gia Lai có kết quả giảm nghèo ấn tượng. Gia Lai đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu giảm nghèo. Tính đến cuối năm 2020, Gia Lai không còn gia đình chính sách là hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 5,38%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 9,7%; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm còn 11,14%.

Tuy đạt được những kết quả rất ấn tượng nhưng hiện tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn cao hơn bình quân cả nước (2,75%). Trong khi đó, tỷ lệ hộ cận nghèo của tỉnh đang ở mức khá cao (9,7%) nên dễ dẫn đến nguy cơ tái nghèo. Một trong những “điểm nghẽn” của công tác giảm nghèo ở Gia Lai là ý thức vươn lên thoát nghèo của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Qua 10 năm triển khai, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” đã lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn còn tồn tại tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, nhiều hộ chưa có ý thức tiết kiệm chi tiêu để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa tiếp cận với phương thức sản xuất tiên tiến để mang lại thu nhập cao cho gia đình.

Xuất phát từ thực tiễn công tác giảm nghèo trên địa bàn, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra chỉ tiêu: Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm từ 0,8% trở lên (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020). Nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Kế hoạch số 47-KH/TU về lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác giảm nghèo trong những năm tới. Kế hoạch đặt ra mục tiêu: Giai đoạn 2021-2025, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm từ 0,8% trở lên theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020; giảm bình quân trên 2% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025; giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số bình quân trên 3%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025. Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng đề ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2030, không còn huyện nghèo; cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn; phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn dưới 10% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2026-2030.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị-xã hội các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo gắn với mục tiêu phát triển bền vững; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo.

HN (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực