Bình Định: Bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số

Thứ năm, 06/04/2023 09:35
(ĐCSVN) – Bình Định phấn đấu đến năm 2026 sẽ có 40% các tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc Bana, Chăm, H’rê được áp dụng các biện pháp bảo tồn, tư liệu hóa; sưu tầm, số hóa 40% tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc Bana, Chăm, H’rê để lưu trữ, nghiên cứu, tổ chức xuất bản, phát huy, truyền dạy.

UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch nhằm mục đích triển khai hiệu quả đề án được phê duyệt tại Quyết định số 3875/QĐ-BVHTTDL ngày 30/12/2022 của Bộ VH-TT&DL; đồng thời triển khai thống nhất các nội dung trong dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030… Qua đó, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, khích lệ sáng tạo những giá trị văn hóa mới, phát huy vai trò làm chủ của đồng bào các dân tộc thiểu số trong xây dựng và phát triển đời sống văn hóa. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, gắn bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số với các lĩnh vực khác có liên quan như: Giáo dục, an ninh, thông tin và truyền thông.

Kế hoạch nhắm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số. (Ảnh minh họa) 

Kế hoạch thực hiện đề án được triển khai thực hiện tại các huyện: An Lão, Hoài Ân, Vân Canh, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Phù Cát. Đối tượng thực hiện là các thể loại văn học dân gian của đồng bào các dân tộc Bana, Chăm, H’rê, trong đó phát huy các tác phẩm có giá trị tiêu biểu và hiện đang sử dụng thường xuyên; bảo tồn, lưu giữ các tác phẩm có nguy cơ bị mai một và nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các tác phẩm đã mất. Đồng bào các dân tộc thiểu số, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, nghệ nhân người dân tộc thiểu số, các già làng, trưởng thôn/làng/khu phố vùng dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định.

Thời gian thực hiện đề án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (năm 2023 - 2026), giai đoạn 2 (năm 2027 - 2030). Giai đoạn 2023 – 2026, Bình Định sẽ thực hiện sưu tầm, nghiên cứu và tổ chức thực hiện công tác kiểm kê hàng năm về văn học dân gian các dân tộc Bana, Chăm, H’rê; Phấn đấu 40% các tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc Bana, Chăm, H’rê được áp dụng các biện pháp bảo tồn, tư liệu hóa; Phấn đấu sưu tầm, số hóa 40% tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc Bana, Chăm, H’rê để lưu trữ, nghiên cứu, tổ chức xuất bản, phát huy, truyền dạy; Phấn đấu 50% các công chức, viên chức văn hóa, nghệ nhân, tác giả dân gian, già làng, người có uy tín... được tập huấn, bồi dưỡng về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian các dân tộc thiểu số; Phấn đấu 50% trường dân tộc nội trú và các cấp trường tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số đưa thể loại văn học dân gian vào hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức ngày hội, giao lưu, liên hoan cho học sinh.

Bình Định ban hành kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số. (Ảnh minh họa)

Giai đoạn 2027 – 2030, sẽ hoàn thành công tác kiểm kê, đánh giá, phân loại và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể các thể loại văn học dân gian của các dân tộc Bana, Chăm, H’rê; Phấn đấu 80% các tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc Bana, Chăm, H’rê được áp dụng các biện pháp bảo tồn, tư liệu hóa; sưu tầm, số hóa 80% các tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc Bana, Chăm, H’rê, để lưu trữ, nghiên cứu, tổ chức xuất bản, phát huy, truyền dạy; Các tác giả, nghệ nhân thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nói chung và văn học dân gian của các dân tộc thiểu số nói riêng được hưởng chính sách hỗ trợ trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; Phấn đấu duy trì hoạt động câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian của xã vùng dân tộc thiểu số để thực hành, biểu diễn và trao truyền các thể loại văn học dân gian...

Nội dung triển khai thực hiện, gồm: Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách cho các tác giả, nhà nghiên cứu, nghệ nhân, người tổ chức thực hành, trao truyền để bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số. Khảo sát, sưu tầm, kiểm kê và lập danh mục thể loại văn học dân gian truyền thống của các dân tộc thiểu số. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về văn học dân gian của các dân tộc thiểu số. Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian các dân tộc thiểu số trong các lễ hội truyền thống, sinh hoạt văn hóa, liên hoan văn nghệ quần chúng và các không gian diễn xướng, thực hành phù hợp. Lựa chọn các tác phẩm văn học dân gian tiêu biểu của các dân tộc thiểu số đưa vào hoạt động giảng dạy và giáo dục ngoại khóa tại trường học. Tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các tác phẩm văn học dân gian. Ứng dụng khoa học, công nghệ, trọng tâm là công nghệ số trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức sơ kết theo giai đoạn và tổng kết đánh giá kết quả thực hiện đề án.

H.Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực