Phát huy giá trị di tích để bồi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ

Thứ hai, 24/04/2023 09:40
(ĐCSVN)- Thủ đô Hà Nội hiện sở hữu khá nhiều di tích lịch sử cách mạng kháng chiến có ý nghĩa to lớn và việc phát huy giá trị của các di tích ấy giữ vai trò vô cùng quan trọng trong vấn đề giáo dục truyền thống, tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc.

 

0
 Di tích cách mạng Nhà bà Hai Vẽ ở Tây Hồ, Hà Nội (Ảnh:Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội)

Các di tích cách mạng tại Hà Nội đã gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ vẻ vang, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Ngôi nhà, góc phố, con đường, hầm hào… thậm chí là cả cây cối cũng trở thành những “chứng nhân” lịch sử, đồng hành với nhân dân trong các cuộc chiến giành lại hòa bình cho dân tộc. Những di tích và địa danh tại thủ đô được các nhà nghiên cứu đánh giá là phong phú, đa dạng về loại hình, trải khắp các quận, huyện của thành phố.

Có nhiều di tích là các ngôi nhà khá nổi tiếng, đóng vai trò quan trọng đặc biệt, gắn với quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam như: nhà số 5D Hàm Long nơi chi bộ cộng sản đầu tiên của Việt Nam ra đời, nhà số 90 Thợ Nhuộm nơi Tổng bí thư đầu tiên của Đảng – Trần Phú soạn thảo Luận cương cách mạng tư sản nhân quyền, nhà số 48 Hàng Ngang nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa… Nhiều ngôi nhà khác lại ẩn mình trong xóm làng yên bình, nhỏ bé nhưng chất chứa những điều vĩ đại của lịch sử như: nhà bà Hai Vẽ - cơ sở cách mạng cũ của các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ và Lê Đức Thọ, nhà cụ Nguyễn Thị An - nơi Bác Hồ từng ở và làm việc trên chặng đường từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Vạn Phúc…

Bên cạnh đó cũng có những di tích tố cáo tội ác man rợ của đế quốc xâm lược như: Nhà tù Hỏa Lò, nhà tù Thanh Liệt, tượng đài tưởng niệm Khâm Thiên… Hay những di tích thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất, quyết tâm đánh đuổi kẻ thù, giành lại độc lập cho dân tộc của người dân thủ đô như: Khu chợ Đồng Xuân, trận địa tên lửa Chèm, hồ Hữu Tiệp…

Mỗi di tích đều mang một câu chuyện riêng và chứa đựng nhiều giá trị khác nhau. Trước hết là giá trị về mặt lịch sử. Đó là những bằng chứng trung thực, sống động, hùng hồn và không thể chối cãi. Các di tích cách mạng ấy phản ánh từng cột mốc, từng sự kiện, từng giai đoạn của lịch sử cách mạng Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Qua việc thăm quan các di tích, mỗi người sẽ hiểu thêm về trang sử hào hùng của dân tộc, về những danh nhân cách mạng kiên trung và bất khuất, về những phong trào cách mạng của nhân dân dưới sự chỉ huy tài tình của Đảng… Đây là nguồn sử liệu quý báu và vô giá để nhân dân Việt Nam, các nhà nghiên cứu, nhà sử học, du khách nước ngoài có thể tìm hiểu, học tập, làm cơ sở và bằng chứng cho nhiều vấn đề thuộc về lịch sử. Và hơn thế, mỗi cá nhân sẽ có những cảm nhận và trải nghiệm chân thực hơn việc chỉ tìm hiểu lịch sử thông qua con chữ trên sách vở.

Những di tích lịch sử cách mạng không chỉ cung cấp và củng cố cho mỗi người tri thức về lịch sử mà còn góp phần giáo dục về tình yêu quê hương, lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc. Thế hệ đi trước đã không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, anh dũng hi sinh cho nền độc lập của dân tộc, vì vậy thế hệ trẻ ngày nay cần có lòng biết ơn sâu sắc và “khắc cốt ghi tâm” những tháng năm hào hùng ấy. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”. Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” sẽ mãi là một truyền thống tốt đẹp mà mỗi người con Việt Nam cần tự hào, gìn giữ và phát triển. Các di tích, địa danh cách mạng rất dễ bị lãng quên và xuống cấp theo thời gian vậy nên việc thăm quan và quảng bá sẽ tạo nên tính chất lâu bền và lưu truyền cho nhiều thế hệ sau.

Vào ngày kỉ niệm hay dịp lễ lớn của đất nước, người dân thường lựa chọn tới thăm quan các “địa chỉ đỏ” này như một cách để tưởng nhớ, tri ân chiến công và sự hi sinh của các thế hệ đi trước. Song song với việc học lịch sử qua sách giáo khoa, nhiều trường học cũng tổ chức các buổi ngoại khóa, đưa học sinh tới thăm quan và học tập tại các di tích lịch sử cách mạng để tăng phần chân thực, sinh động và sâu sắc. Theo Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội, vào dịp kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, từ ngày 18/3/2023 đến ngày 26/3/2023, Ban đã tổ chức đón tiếp, thuyết minh cho gần 30 đoàn khách; hơn 1.000 lượt khách tới tham quan, dâng hương, báo công, kết nạp Đoàn, Đội, sinh hoạt truyền thống tại các di tích: 5D Hàm Long, 90 Thợ Nhuộm, 48 Hàng Ngang, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Vạn Phúc, Hà Đông do Ban trực tiếp quản lý.

 Mỗi di tích, địa danh cách mạng đều góp phần tô đậm diện mạo và văn hóa riêng biệt cho Hà Nội - mảnh đất ngàn năm văn hiến. Việc gìn giữ, bảo tồn và quảng bá những “địa chỉ đỏ” để phát huy hết tiềm năng vốn có là trách nhiệm và nghĩa vụ mỗi người con thủ đô nói riêng và mỗi người dân Việt Nam nói chung.

Lan Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực